Gương điển hình về mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Thời gian gần đây, lĩnh vực chăn nuôi lợn tỉnh Hải Dương đang được khôi phục. Các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô tập trung, an toàn sinh học xa khu dân cư phát triển cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh có 139 trang trại chăn nuôi lựn hướng nạc quy mô từ 20 – 1.400 con/trang trại. Nằm trong số những trang trại của tỉnh có mô hình chăn nuôi của gia đình ông Đỗ Hữu Thành ở chợ Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang. 
Đây là mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại khép kín theo hướng "Thực hành chăn nuôi tốt" (VIETGAHP) nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về sinh an toàn thực phẩm năm 2010 do Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo điểm. Mô hình này đang là địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm của rất nhiều bà con và cả các cán bộ trong và ngoài tỉnh.
Khởi điểm là trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng với sự nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước và được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện hiện nay ông đã có trang trại với quy mô 150 con lợn nái ngoại, 3.135 đầu lợn con, lợn thịt và 4 con lợn đực giống. Sản phẩm sản xuất ra hàng năm 3.000 lợn con giống, 50 tấn thịt hơi, lợn thịt có tỷ lệ nạc 57 – 60% được người tiêu dùng ưa thích.
Để làm được mô hình này ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại khép kín, xa khu dân cư, trang thiết bị chăn nuôi tiên tiến, toàn bộ công nhân của trang trại được tâp huấn quy trình chăn nuôi theo VIETGAHP về chăm sóc nuôi dưỡng, phun thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm vacxin phòng bệnh cho lợn, trị bệnh kịp thời khi lợn mắc bệnh, ghi chép sổ sách hàng ngày, hàng tháng...dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật - Sở Nông nghiệp & PTNT. Trong quá trình xây dựng mô hình, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tiến hành phân tích một số mẫu nước, thức ăn và mẫu thịt thành phẩm.
Kết quả phân tích mẫu thức ăn mà trang trại nhập về của công ty cổ phần chăn nuôi CPGROUP Thái Lan tại Việt Nam (CP) dùng cho lợn đều đạt tiêu chuẩn cho phép.
Khâu cuối cùng để nhận xét trang trại sản xuất theo tiêu chí quy trình chăn nuôi VIETGAHP là đánh giá chất lượng sản phẩm thịt. Kết quả phân tích 4 mẫu thịt lấy ở 4 vị trí khác nhau đều âm tính với AOZ, Clenbuterol, Salbutamol, Chloramphenicol.
Như vậy đối chiếu với các tiêu chí chăn nuôi lợn theo hướng VIETGAHP trang trại của ông đạt được các quy định của một cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo ông Thành để chăn nuôi lợn thành công đem lại hiệu quả kinh tế thì điều quan trọng nhất là phải xử lý được môi trường chăn nuôi đảm bảo vệ sinh và an toàn sinh học, chủ động phòng ngừa dịch bệnh từ xa, tiêm vacxin phòng bệnh cho lợn ở các lứa tuổi, tiêm định kỳ và tiêm bổ sung; lựa chọn con giống tốt từ trang trại của mình và trang trại an toàn dịch bệnh. Quá trình tổ chức sản xuất ông đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi lợn khép kín an toàn sinh học và đã đem lại kết quả khả quan. Trải qua các đợt dịch tai xanh của 2 năm 2010 và 2011 trang trại của ông vẫn không bị ảnh hưởng, đàn lợn vẫn khỏe mạnh. Sản phẩm thịt sạch có thương hiệu, tạo uy tín với khách hàng nên mỗi năm ông xuất bán 50 tấn thịt, thu lãi gần tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi của ông trở thành mô hình điểm và gương sáng về chăn nuôi lợn an toàn sinh học của tỉnh để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh nhằm tăng thêm sản phẩm sạch cho xã hội, đem lại hiệu quả kinh tế chăn nuôi góp phần nâng cao đời sống và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, sớm đưa các văn bản luật an toàn thực phẩm, pháp lệnh giống vật nuôi, pháp lệnh thú y vào thực tiễn cuộc sống.

Th.s Nguyễn Thị Hảo – Sở NN & PTNT

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây