Gia Lộc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Mô hình nuôi cá rô phi dòng sô đan tại xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc. Ảnh Hải Ninh       Từ năm 2005, Huyện Gia Lộc đã xây dựng đề án "Quy hoạch vùng thâm canh thủy sản tập trung, khuyến khích nuôi thủy sản đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích". Để đề án thực hiện hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo quy hoạch hệ thống thủy lợi, ao nuôi; tăng cường tuyên truyền bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.
Gia Lộc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững
Đến nay, toàn huyện có 1.230 ha thủy sản, sản lượng ước đạt 6.947 tấn, năng suất bình quân 5,65 tấn/ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung từ 10-20 ha có 23 vùng, từ trên 20-30 ha có 5 vùng, các xã có diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung như: Trùng Khánh, Gia Hòa, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Phạm Trấn...
Gia đình ông Đỗ Xuân Đông, thôn Đông Trại, xã Đồng Quang là hộ nông dân điển hình cho việc chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá, quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích gần 4 ha mặt nước. Ngoài nuôi các giống cá truyền thống như: cá chép, cá trắm, cá trôi, mè...năm 2010, được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông đưa cá rô phi đơn tính vào nuôi thâm canh và bán thâm canh. Ông Đông cho biết, nuôi và chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên cá lớn nhanh và không bị dịch bệnh. Mặc dù chi phí thức ăn nuôi cá rô phi đơn tính cao hơn các giống cá truyền thống nhưng tăng trọng nhanh, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng. Nếu chỉ nuôi cá truyền thống, mỗi năm gia đình ông chỉ thu hoạch 1 lứa, với cá rô phi đơn tính mỗi năm cho thu hoạch từ 2-3 lứa. Năm 2012, gia đình ông cung cấp cho thị trường 40 tấn cá rô phi đơn tính thương phẩm đạt doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí thức ăn, giống, công lao động...cho thu lãi gần 200 triệu đồng".
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản tại Gia Lộc ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, các hộ nuôi trồng thủy sản đã chuyển từ phương thức quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Đồng thời, nhiều hộ nông dân đã thay đổi đối tượng nuôi, đó là giảm diện tích nuôi giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi các giống thủy sản mới như: Rô phi đơn tính, cá rô đồng cho hiệu quả kinh tế cao, như năm 2012, diện tích nuôi các giống cá truyền thống là 290 ha(chiếm 23,6%) còn diện tích nuôi cá rô phi đơn tính là 939,7 ha (chiếm 76,4%), cá rô đồng là 0,3ha. Các hộ nuôi trồng thủy sản đã chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp; áp dụng được các phương pháp xử lý môi trường ao nuôi như xây dựng hệ thống Biogas, ký thuật cải tạo ao nuôi, sử dụng vôi bột, chế phẩm EM, chế phẩm sinh học cho hiệu quả cao, bền vững, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Phòng Nông nghiệp huyện kết hợp với UBND các xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, trao đổi, hội thảo, tham quan... nên trình độ của các hộ nuôi được nâng lên.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, điều kiện thuận lợi để Gia Lộc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững là nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng nên việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng cao, nhiều hộ nông dân mua sắm phương tiện vận chuyển mang đi xa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và phân phối sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, các hộ nuôi trồng thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống thủy sản có năng suất cao và chất lượng tốt, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phát triển và mở rộng sản xuất. Hiện nay, trên địa bán huyện có 3.235 hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại, gia trại, đa số các hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, có hơn 30 hộ kinh doanh thức ăn và thuốc thú y thủy sản.
Để quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, UBND huyện Gia Lộc tích cực chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông tăng cường phối hợp với các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá, đảm bảo phát triển thủy sản bền vững. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm như: khuyến khích các hộ nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh và mở rộng diện tích nuôi những giống cá mới có giá trị hàng hóa cao; khuyến khích các hộ nuôi cá chuyển đổi nuôi các giống cá truyền thống sang nuôi các giống cá chịu thâm canh, năng suất cao, thích hợp với phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh; khuyến khích các hộ có điều kiện về ao nuôi tiến hành ương, nuôi cá giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ cho các hộ nuôi cá thịt, khuyến khích các hộ tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ nhằm hạ giá thành chi phí thức ăn, đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước...
Hòa Thuận

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây