Mô hình sản xuất sắn dây trên địa bàn huyện Kinh Môn

Phó giám đốc Sở KHCN Nguyễn Văn Lương thăm mô hình nhân giống sắn dây. Ảnh Bảo Ngọc      Sắn dây là một loài dây leo nhiệt đới mọc nhiều nơi trên trái đất và là loài dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 10m. Rễ phát triển thành củ dài, to. Củ sắn dây thu hoạch vào mùa đông, xuân được mài lấy bột để sử dụng, gọi là bột sắn dây. Bột sắn dây được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm, bánh kẹo....
Mô hình sản xuất sắn dây trên địa bàn huyện Kinh Môn
Năm 2012, huyện Kinh Môn (Hải Dương) đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất sắn dây ở thôn Huề Trì, xã An Phụ và thôn Quế Lĩnh, xã Thượng Quận. Các hộ tham gia đề tài tiến hành nhân giống sắn dây theo 3 công thức
+ Công thức 1: Nhân giống bằng đoạn thân dài 10-15cm, có 1 điểm mắt, quy mô 50 bầu (25 bầu giống sắn dây thân phớt tím và 25 bầu sắn dây thân vàng nhạt). Tỷ lệ sống đạt 22,3%. Nguyên nhân do cắt đoạn thân ngắn, cắt cả 2 đầu nên đoạn thân bị mất nhiều nước và dinh dưỡng, làm giảm sức sống. Trồng bằng đoạn thân khoanh (Sau khi thu hoạch cắt đoạn thân bánh tẻ dài 0,8-1m khoanh tròn lại, đem giâm, sau đó đưa vào bầu to), trồng 1 bầu/ụ, số lượng 50 ụ, năng suất bình quân đạt 32 kg/ụ.
+ Công thức 2: Nhân giống bằng đoạn thân dài 0,8 - 1m, khoanh tròn lại, quy mô 100 bầu (50 bầu giống sắn dây thân phớt tím và 50 bầu giống sắn dây thân vàng nhạt). Tỷ lệ sống cao, đạt 74,5%. Trồng bằng đoạn thân (Chọn đoạn dây bánh tẻ, cắt đoạn dài 10-15cm, có 1 điểm mắt, đem giâm, sau đó đưa vào bầu), trồng 1 bầu/ụ, số lượng 100 ụ, năng suất bình quân đạt 48,2 kg/ụ.
+ Công thức 3: Nhân giống bằng phương pháp chiết mầm, quy mô 1050 bầu (525 bầu giống sắn dây thân phớt tím và 525 bầu giống sắn dây thân vàng nhạt). Tỷ lệ sống cao, đạt trên 95%, bầu giống nhỏ, dễ dàng vận chuyển. Tỷ lệ nhân giống thành công trên 2 giống sắn dây là như nhau, không có sự khác biệt. Trồng bằng bầu (Nhân giống bằng phương pháp chiết mầm), trồng 1 bầu/ụ, số lượng 1050 ụ, năng suất bình quân đạt 48,17 kg/ụ.
- Thời vụ trồng: Trồng tháng 18/4- 28/4 và tháng 20/5-20/6, trồng trên đất chuyên canh sắn dây (1 vụ sắn dây/năm) và trồng trên đất luân canh cây trồng khác - sắn dây.
- Phân bón: 7 kg lân supe + 1,5 kg đạm ure + 5 kg NPK 5-10-3 + 1,5 kg Kali + 5-7kg tro bếp/ụ. Bón lót 6 kg lân supe + 1 kg đạm ure + 5 kg NPK 5-10-3 + 5-7kg tro bếp/ụ. Bón thúc 1 kg lân supe + 0,5 kg đạm ure + 1,5 Kali. Số lần bón từ 3-5 lần.
- Đất trồng: Đào chân ụ sâu 30-40cm, đường kính 2,5-3m, rắc một lớp phân lên mặt. Sau đó vật ụ theo hình chóp cụt, tiếp tục rắc phân, tiếp tục vật đất và rắc phân. Vật đất lên cao đến khi đường kính miệng ụ rộng 70-80cm, chiều cao ụ đạt 1,2-1,5m, lớp phân cuối cùng cách miệng ụ 50cm.
- Giàn leo: Mỗi ụ cần 4 cọc cao 3m và 1 cây dóc cao 4m để cắm giàn và 1,0-1,2 kg dây thép để căng làm giàn cho sắn dây leo. Chiều cao giàn 2,5m từ mặt đất lên
- Chăm sóc: Thường xuyên giữ độ ẩm, kết hợp bón thúc, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời.
Sau một năm thực hiện theo 3 công thức khác nhau cho thấy: Năng suất trung bình chưa đạt cao so với mọi năm vì điều kiện thời tiết năm 2012 diễn biến thất thường: Có 2 cơn bão số 5 và số 8 (đặc biệt là cơn bão số 8) gây mưa nhiều, ngập cục bộ trong 1-2 ngày, làm đổ và nghiêng giàn sắn dây, gây ảnh hưởng bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển rễ và thân lá sắn dây. Năng suất giống sắn dây thân phớt tím không có sự chênh lệch so với năng suất giống sắn dây thân vàng nhạt. Tuy nhiên, củ giống sắn dây thân phớt tím có dạng củ búp vải (thuôn đều), màu sắc tươi hơn so với dạng củ giống sắn dây thân phớt tím. Trồng sắn dây theo công thức 2 và công thức 3 cho năng suất tương đương nhau, cao hơn trồng sắn dây theo công thức 1 từ 15-16 kg/ụ. Vì trồng theo công thức 1, ụ sắn dây hình thành nhiều rễ hơn công thức 2 và 3, nhưng số rễ hình thành củ chỉ chiếm 70% lượng rễ hình thành, củ sắn dây cũng có nhiều rễ con, gây tổn thất về dinh dưỡng và tinh bột tích lũy khi hình thành củ sắn dây.
Trong năm 2013, Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục triển khai mô hình nhân giống sắn dây tại 02 xã An Phụ và Thượng Quận, quy mô 3000 bầu và mô hình thâm canh sắn dây tại 05 xã (An Phụ, Thượng Quận, Hoành Sơn, Hiệp Sơn và Hiệp An) trên diện tích 5 ha và tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân giống sắn dây phù hợp điều kiện huyện Kinh Môn.
Hải Ninh

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây