Khôi phục giống cam Chanh ở huyện Ninh Giang

Tiến sỹ Đào Xuân Thảng cùng các đại biểu thăm mô hình phục tráng giống Cam chanh ở huyện Ninh Giang. Ảnh Hải Yến       Ninh Giang là một huyện thuộc tỉnh Hải Dương, có khoảng 8.000 ha diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 60% tổng diện tích tự nhiên. Cây cam được trồng ở một số địa bàn trong tỉnh nhà: Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành... Cây Cam Chanh được du nhập vào Ninh Giang từ lâu đời thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng Ninh Giang và được nhân dân thuần hoá lưu giữ, hiện nay cây Cam Chanh được cho là cây đặc sản của vùng Ninh Giang có chất lượng cao, quả ngọt, thơm ngon, khi chín màu vàng tươi rất thơm có khối lượng bình quân 8-10 quả/kg, vỏ nhẵn, khi chín vàng tươi, ăn thơm đặc trưng vị cam và ngọt sắc, giá bán cao hơn hẳn các loại cam khác được nhân dân thuần hoá lưu giữ.
Khôi phục giống cam Chanh ở huyện Ninh Giang
Do chưa có kỹ thuật chăm sóc, thâm canh nên cây bị thoái hoá, sâu bệnh hại làm giảm năng suất, chất lượng. Năng suất cam Chanh của các xã có xu hướng tăng dần. Sản lượng cam Chanh hàng năm của toàn huyện Ninh Giang có chiều hướng gia tăng đáng kể năm 2008 là 46,48 tấn; năm 2009 tăng là 58,8 tấn và năm 2010 là 67,4 tấn. Giống cam Chanh của huyện Ninh Giang là giống có đặc tính nông học quý như hàm lượng đường tổng số khoảng 9%, hàm lượng đường khử 4,85%, hàm lượng vitaminC 38,13mg/100g, hàm lượng axit tổng số 0,09%, độ Brix đạt 10,3, chất khô đạt 14,8%, ít hạt, ít xơ, mẫu mã đẹp cao thành màu vàng tươi, cây thấp đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt giống cam này thu hoạch quả sớm từ tháng 8 đến tháng 9. Giá bán cam tại các xã tương đối cao và ổn định bình quân từ 25.000đồng đến 30.000đồng /1kg, bán tại địa phương và bán buôn.
Để bảo tồn giống cam quý này, trong 2 năm (2011, 2012), Viện Cây Lương thực & cây thực phẩm thực hiện đề tài: "Chọn lọc và phục tráng giống cam Chanh đặc sản" với mục đích tạo ra nguồn giống tốt, sạch bệnh Greening, bệnh Tristera góp phần hồi phục và phát triển vùng sản xuất Cam Chanh đặc sản đặc sản của huyện Ninh giang. Theo TS Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện CLT&CTP, để chọn lọc và khôi phục giống cam quý này, Ban chủ nhiệm đề tài đã điều tra hiện trạng trồng cây Cam Chanh tại vùng nguyên sản và vùng phụ cận thuộc huyện Ninh Giang. Kết quả điều tra cho thấy, diện tích trồng cam Chanh là 3,73 ha (tăng 0,02 ha), sản lượng 67,4 tấn/năm.
Qua điều tra, khảo sát tại các xã có diện tích trồng cam Chanh cho thấy một số hộ có diện tích trồng cam lớn, quy mô tập trung, có trình độ thâm canh cao, chú trọng đến công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, cho năng suất, sản lượng rất cao. Điển hình là hộ ông Phan Đình Đậu ở xã Vĩnh Hoà.
Viện CLT&CTP cũng kết hợp Viện BVTV tiến hành lấy mẫu phân tích và chọn lọc, bình tuyển được 10 cây vật liệu có độ tuổi từ 5 năm trở lên, sinh trưởng phát triển khoẻ, sinh trưởng khoẻ, sạch bệnh để tạo ra những cây đầu dòng bằng kỹ thuật ghép mắt là giống cam chanh của vùng nguyên sản.Từ tháng 6/2011 đến nay đề tài đã nhân được trên 100 cá thể ưu tú cây cam Chanh từ những cây đầu dòng được tạo ra và được lưu giữ chăm sóc, duy trì trong nhà lưới cách ly của Viện cây lương thực và Cây thực phẩm và Viện Bảo vệ thực vật theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từ đó Viện đã SX được hơn 1.000 cây gốc ghép sạch bệnh phục vụ SX cây giống. Hiệu quả kinh tế: 1ha cây Cam Chanh 3 tuổi thu được khoảng 20 - 25 tấn quả/năm, giá bán bình quân 20.000đồng/kg cho thu nhập 400 - 500 triệu/ha, trừ chi phí người trồng còn thu được 200 - 300 triệu/ha cây Cam Chanh.
Đề tài "Chọn lọc và phục tráng giống cam Chanh đặc sản" thành công giúp cho các cán bộ kỹ thuật và các hộ tham gia trồng giống Cam Chanh đặc sản trên nắm vững và làm chủ kỹ thuật, bảo tồn, nhân nhanh giống và sản xuất giống Cam Chanh quý. Giống Cam Chanh Ninh Giang được chọn lọc, phục tráng cũng như việc xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh và nhân giống cam trên góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả đặc biệt giúp bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì giống cam đặc sản quý của Ninh Giang nói riêng và nguồn gen cây ăn quả bản địa quý của Hải Dương nói chung.
Phạm Ninh Hải
Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây