Phó GĐ Sở KH&CN Nguyễn Văn Vóc kiểm tra mô hình lúa Nàng Xuân tại xã Phú Điền, huyện Nam Sách Vụ mùa năm 2013, Trung tâm Ứng dụng TBKH xây dựng mô hình sản xuất 2 giống lúa Nàng Xuân và TBR45 với quy mô diện tích là 60 ha. Đây là 2 giống lúa thuần có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon được đưa vào Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương" (2012-2105).
Giống lúa Nàng xuân là một giống lúa đặc sản, chất lượng cao do công ty Cổ phần Nông nghiệp Nhiệt đới chọn tạo từ giống lúa thuần Trung Quốc, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận số 304/QĐ-TT-CLT ngày 18/8/2009 và đã được đăng ký bảo hộ độc quyền lãnh thổ Việt Nam. Cùng với giống lúa Nàng Xuân, giống lúa TBR45 do Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình chọn tạo từ tập đoàn giống lúa thuần có nguồn gốc Trung Quốc qua quá trình khảo nghiệm tại Việt Nam từ năm 2005-2006 đến nay. Giống lúa này đã được khảo nghiệm ở hơn 20 tỉnh thuộc các vùng sinh thái của cả nước (Ninh Bình, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam ... ) và đến nay, nông dân các tỉnh đều mở rộng sản xuất giống TBR45 để thay thế giống lúa Khang Dân 18. Giống lúa TBR45 được Bộ NN&PTNT công nhận đặc cách vào ngày 2.8.2011.
Mô hình sản xuất 2 giống lúa Nàng Xuân và TBR45 triển khai tại 4 xã gồm: xã Phú Điền (huyện Nam Sách), xã Hùng Sơn (huyện Thanh Miện), xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) và xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ). Trung tâm Ứng dụng TBKH đã tổ chức 4 lớp tập huấn và cấp phát quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh các giống lúa cho gần 400 lượt hộ dân ở các xã tham gia mô hình. Bên cạnh sự hỗ trợ về cấp phát tài liệu và tập huấn kỹ thuật, Ban chủ nhiệm dự án cũng hỗ trợ 50% tiền giống lúa và 50.000đồng/sào tiền thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia mô hình. Các địa phương triển khai việc xây dựng vùng sản xuất tập trung; trong đó, xã Hùng Sơn và xã Phú Điền đã tổ chức được mỗi xã 1 vùng 10ha gieo cấy 1 loại giống. Mô hình sử dụng giống đối chứng là Bắc thơm số 7.
Qua quá trình theo dõi, đánh giá đặc điểm của ba giống lúa là Nàng Xuân, TBR45 và Bắc thơm số 7 cho thấy: giống lúa Nàng Xuân và TBR45 có thời gian sinh trưởng từ 103-107 ngày, chiều cao cây từ 95-105 cm, tương đương so với giống Bắc thơm số 7. Điểm khác biệt giữa các giống lúa được thể hiện là: tỷ lệ đẻ nhánh của giống lúa Nàng Xuân và TBR 45 cao hơn giống Bắc thơm số 7; tỷ lệ nhiễm bệnh bạc lá của Bắc thơm số 7 cao hơn so với các giống khác của mô hình. Đặc biệt là đối với những vùng sản xuất tập trung, do việc theo dõi và chỉ đạo phun trừ sâu bệnh kịp thời và đống loạt nên tỷ lệ lúa nhiễm bệnh thấp hơn so với điểm sản xuất ngoài mô hình. Kết quả theo dõi năng suất gặt thống kê cho thấy: giống lúa TBR45 tại xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ) có năng suất cao nhất, đạt 61 tạ/ha; giống lúa Nàng Xuân đạt năng suất khoảng 52-56 tạ/ha; trong khi đó năng suất của giống lúa Bắc thơm số 7 đạt thấp (gần 50 tạ/ha). Về hiệu quả kinh tế, sau khi trừ chi phí, giống lúa Nàng Xuân cho thu lãi 19-22,3 triệu đồng/ha; TBR cho thu lãi 21,7 triệu đồng/ha; Bắc thơm số 7 cho thu lãi gần 19 triệu đồng/ha. Như vậy, giống lúa Nàng Xuân cho hiệu quả kinh tế cao hơn TBR 45 do giá bán cao hơn, đồng thời cao hơn so với Bắc thơm số 7 do có năng suất cao hơn.
Tại xã Phú Điền, huyện Nam Sách, nông dân gieo cấy giống lúa Nàng Xuân đến nay đã được 6 vụ. Từ chỗ diện tích ít và rải rác trên các cánh đồng, đến vụ mùa năm 2013 diện tích lúa Nàng Xuân đã lên đến 70 ha, chiếm tỷ lệ hơn 30% diện tích lúa của toàn xã Phú Điền. Năng suất trung bình có thể đạt 55-60 tạ/ha, chất lượng gạo ngon nên giá bán lúa Nàng Xuân cao hơn lúa Bắc thơm số 7 từ 500-1.000đồng/kg. Anh Nguyễn Công Việt, chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) cho biết: lúa Nàng Xuân có khả năng kháng bạc lá và chống đổ khá tốt; năng suất ổn định và nhất là chất lượng gạo ngon, cơm mềm, vị đậm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhưng có nhược điểm của nó là chịu rét kém hơn so với các giống lúa khác. Nhìn chung, mô hình lúa Nàng Xuân có nhiều ưu điểm hơn nhiều mô hình giống lúa khác và chúng tôi muốn nhân rộng này tới nhiều hộ xã viên hơn.
Tại xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, giống lúa TBR45 đạt năng suất khá cao: 61 tạ/ha. TBR45 có nhiều ưu điểm như: cứng và gọn cây, đẻ nhánh khoẻ, trỗ bông tập trung, hạt nhô dài, xếp xít, đặc biệt khả năng chống chịu sâu bệnh như khô vằn, bạc lá... rất tốt. Gạo TBR45 có chất lượng ngon, màu gạo trong suốt, cơm dẻo, mùi thơm dịu, được thị trường chấp nhận mua với giá cao. Do có thời gian sinh trưởng ngắn, đáp ứng nhu cầu rút ngắn thời vụ để sản xuất vụ đông nên TBR45 là giống lúa hội tụ nhiều ưu điểm để có thể thay thế một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo kém như Q5.
Để việc triển khai Dự án ngày càng đem lại hiệu quả cao cho nông dân, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học cần tập trung phát triển một số giống lúa thực sự hiệu quả về lâu dài để triển khai sản xuất; đồng thời hỗ trợ các hộ nông dân kịp thời về kinh phí và kỹ thuật sát sao hơn. Các địa phương tham gia xây dựng mô hình cần cố gắng tạo vùng sản xuất lúa tập trung vừa thuận tiện trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vừa là cơ sở để tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa.
Anh Nguyên