Tỉnh Hải Dương: mở rộng mô hình gieo, cấy lúa không làm đất

Để sản xuất lúa cho hiệu quả kinh tế cao, một trong những biện pháp có thể thực hiện là giảm chi phí ban đầu. Với mục tiêu như trên, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã triển khai thí điểm mô hình "Gieo, cấy lúa không làm đất" nhằm giảm chi phí trong khâu làm đất. Mô hình đã từng bước khẳng định được hiệu quả và ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh.
Tỉnh Hải Dương: mở rộng mô hình gieo, cấy lúa không làm đất
Mô hình cấy lúa không làm đất do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh kết hợp với Công ty Sygenta Việt Nam từ năm 2010 với quy mô ngày càng mở rộng. Năm 2010 là năm đầu tiên triển khai xây dựng mô hình với quy mô 2,4 sào; năm 2011 tăng lên thành 2ha; năm 2012 có quy mô diện tích 10 ha. Qua 3 vụ sản xuất, kết quả theo dõi mô hình cấy lúa không làm đất cho thấy cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và chất lượng tương đương với lúa cấy làm đất truyền thống. Vì vậy, năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình ở vụ mùa thứ tư liên tiếp. Mô hình được thực hiện tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách với diện tích 25 ha, gieo cấy 3 giống lúa Bắc thơm 7, Khang dân 18, Q5.
Nông dân tham gia mô hình dùng thuốc trừ cỏ Gramoxone 20SL để xử lý gốc rạ với liều lượng 150ml/sào (lần 1) và 100-150ml/sào (lần 2 - đối với những ruộng có gốc rạ cao), điều kiện ruộng xử lý phải cạn nước. Do khi xử lý thuốc và gieo sạ ruộng khô nước nên nông dân bón phân cho ruộng lúa khi tiến hành ngâm mạ. Sau đó, việc gieo cấy, chăm sóc, phòng, trừ dịch hại như bình thường.
Kết quả theo dõi mô hình cho thấy, cây lúa được cấy theo phương pháp không làm đất phát triển nhanh, cây cao hơn và đẻ nhánh khỏe, tập trung hơn so với ruộng gieo cấy làm đất. Nhà nông tốn ít công tỉa dặm hơn do nền đất nhũn và có khoảng cách của các gốc rạ cũ. Cây lúa trỗ bông sớm hơn 3-5 ngày. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh trên cây lúa ở hai mô hình có đôi chút khác biệt. Mô hình gieo, cấy lúa không làm đất có mật độ và tỷ lệ bệnh lem lép hạt, sâu cuốn lá, sâu đục thân và rầy nâu có mật độ và tỷ lệ bệnh thấp hơn so với ruộng gieo, cấy lúa làm đất; riêng bệnh khô vằn và đốm nâu lại có tỷ lệ bệnh cao hơn. Tính toán theo lý thuyết, lúa không làm đất cho năng suất cao hơn 6,1 kg/sào so với lúa làm đất.
Xét về hiệu quả kinh tế, lúa không làm đất sinh trưởng nhanh hơn so với lúa làm đất, rút ngắn thời vụ từ 7-10 ngày. Chi phí phát sinh của gieo, cấy lúa không làm đất (gồm thuốc xử lý và công phun thuốc) là 105 nghìn đồng/sào, giảm 98 nghìn đồng/sào (tương đương 2,7 triệu đồng/ha) so với cấy lúa làm đất (gồm công làm đất và thuốc trừ cỏ). Bên cạnh đó, gieo, cấy lúa không làm đất cho phép giả phóng đất sớm 7-10 ngày, tạo điều kiện sản xuất vụ sớm cây vụ đông.
Cũng trong vụ mùa này, các huyện Thanh Hà và Nam Sách đã mở rộng diện tích áp dụng biện pháp gieo cấy lúa không làm đất với diện tích 110 ha ở 13 xã của huyện Thanh Hà và gần 40 ha ở 3 xã của huyện Nam Sách.
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nông dân nên gieo cấy lúa không làm đất ở vụ mùa, biện pháp này áp dụng cho lúa gieo thẳng và cấy mạ non. Còn ở vụ chiêm xuân, việc làm đất vẫn thực hiện theo cách cày ải thông thường.
Mặc dù vậy, việc sử dụng hóa chất Gramoxone 20SL- một loại hóa chất dùng để diệt cỏ dù có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng tại Việt Nam, với số lượng 3 lần/sào cần có sự xem xét, đánh giá tác động đối với môi trường và sự an toàn của người sử dụng.
Anh Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây