Gà Mía lai F1 cho hiệu quả kinh tế cao

Gà Mía lai F1 được nuôi tại huyện Nam Sách. Ảnh Huyền Trang          Ngày 16 tháng 1 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg về việc "Phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020". Theo đó, mục tiêu của chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020: tổng đàn gà tăng bình quân từ 2008 đến 2020 là 5%/năm, đến năm 2020 tổng đàn gà đạt 300 triệu con, trong đó gà công nghiệp chiếm 33%; sản lượng thịt gà đạt 1.760 tấn, chiếm 32% tổng sản lượng thịt xẻ các loại; sản lượng trứng đạt 14 tỷ quả, sản lượng thịt xẻ thuỷ cầm: 293.000 tấn, cho người/năm đạt 3kg.
Gà Mía lai F1 cho hiệu quả kinh tế cao
Để đạt được mục tiêu to lớn trên, Nhà nước đã chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm gà giống, lấy khâu giống làm bước đột phá, chọn lọc, nhân thuần các giống gia cầm nội, nhập nội những dòng giống gà thuần chủng và ông bà chất lượng cao, chọn lọc lai tạo được các dòng gà phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam tiến tới chủ động về con giống
Giống gà Mía lai do Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi lai tạo giữa gà trống Mía và gà mái Lương Phượng. Giống gà Mía lai có nhiều đặc điểm nổi trội như Sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thịt giòn chắc và có vị đậm hơn so với các giống gà khác. Khi gà được 3 tháng có tỷ lệ nuôi sống đạt 96%; khối lượng cơ thể lúc xuất chuồng từ 1,5 -2,0 kg/con nên được người chăn nuôi tỉnh Hải Dương rất ưa chuộng và được nuôi chủ yếu tại thị xã Chí Linh. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương chưa có cơ sở sản xuất gà giống Mía lai đảm bảo chất lượng. Vì vậy, người chăn nuôi phải mua gà giống Mía lai từ tỉnh khác như tỉnh Bắc Giang hoặc mua của lái buôn không rõ nguồn gốc.
Để cung cấp cho người chăn nuôi tỉnh Hải Dương nói chung, thị xã Chí Linh nói riêng gà giống Mía lai chất lượng tốt, năng suất cao, hạn chế dịch bệnh từ nơi khác đưa vào địa phương, tạo tâm lý an toàn cho người sản xuất, Trong 2 năm 2012 – 2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương) đã triển khai thực hiện đề tài: "Xây dựng mô hình sản xuất giống gà Mía lai F1 trên địa bàn tỉnh Hải Dương" tại 2 hộ chăn nuôi đáp ứng đủ tiêu chí của hộ chăn nuôi gà sinh sản để sản xuất gà giống Mía lai F1 đó là Trang trại ông Dương Thái Hùng ở Thôn Nội, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc với quy mô 1020 gà bố mẹ Lương Phượng và gà Mía và Trang trại ông Phạm Đức Chinh ở Thôn Tân Tiến, xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh với quy mô 780 gà bố mẹ Lương Phượng và gà Mía.
Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi đã tổ chức một buổi tập huấn cho 2 hộ chăn nuôi trực tiếp thực hiện mô hình nuôi gà sinh sản để sản xuất gà giống Mía lai F1 và các hộ chăn nuôi quan tâm. Thông qua lớp tập huấn các hộ chăn nuôi đã nắm vững được kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng bệnh gà sinh sản.
Trong quá trình nuôi gà sinh sản, giai đoạn úm là quan trọng nhất quyết định chất lượng đàn gà sau này. Để úm gà thành công yếu tố hàng đầu là nhiệt độ. Người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi đàn gà để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Đàn gà sinh sản bị chết chủ yếu giai đoạn còn nhỏ khi sức đề kháng của cơ thể còn yếu. Từ 2 tháng tuổi trở ra đàn gà dần ổn định và được chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật. Tỷ lệ nuôi sống của đàn gà bố mẹ cao: gà trống Mía 86,55%, gà mái Lương Phượng 94,25%. Theo quy trình kỹ thuật, gà trống Mía giai đoạn gà còn nhỏ (từ 01 ngày tuổi đến 6 tuần tuổi) cho ăn tự do. Từ 8 tuần tuổi trở đi cho gà ăn theo chế độ hạn chế. Đối với gà mái Lương Phượng cho ăn theo chế độ hạn chế từ lúc 04 tuần tuổi. Chế độ ăn hạn chế giúp đàn gà sinh sản đạt được khối lượng chuẩn khi vào đẻ. Sau khi người chăn nuôi điều chỉnh chế độ ăn và khẩu phần thức ăn của đàn gà sinh sản theo đúng quy trình kỹ thuật thì đến lúc bắt đầu vào đẻ khối lượng cơ thể của gà trống Mía và gà mái Lương Phượng đều đạt 2300 g/con gần đạt chỉ tiêu theo quy trình kỹ thuật (2200g/con).
Gà mái Lương Phượng bắt đầu đẻ từ 20 tuần tuổi, đến 21 tuần tuổi trong đàn có 5% số gà mái đẻ. Bắt đầu từ 24 tuần tuổi trở đi chất lượng quả trứng đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật và tỷ lệ đẻ trong đàn cũng tương đối cao từ 40,6 trở lên, số trứng đẻ ra được đưa vào sản xuất để ấp nở thành gà Mía lai F1. Còn toàn bộ số trứng từ 20-23 tuần tuổi không được dùng để sản xuất con giống vì quả trứng nhỏ hay còn gọi là trứng con so không đủ yêu cầu của trứng giống. Gà mái Lương Phượng cao nhất từ 29 - 32 tuần tuổi (75,75%), sau đó giảm dần. Sau khi trừ chi phí tiền lãi thu được khi sản xuất gà giống Mía lai là 13.400.000 đồng. Với giá bán trung bình từ 64.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi suất còn lại khi nuôi 100 con gà Mía lai F1 là 1.971.000 đồng.
Qua 2 năm thực hiện cho thấy tỷ lệ nuôi sống của gà trống Mía 86,55%, gà mái Lương Phượng 94,25%; Khối lượng cơ thể của gà trống Mía và gà mái Lương Phượng lúc 24 tuần tuổi 2300 g/con; Tuổi thành thục sinh dục của gà mái Lương Phượng đạt lúc 21 tuần tuổi; Tỷ lệ trứng có phôi của trứng gà lai (♂Mía x ♀Lương Phượng) 92,89%; Tỷ lệ nở/tổng trứng đưa vào ấp và tỷ lệ nở/trứng có phôi lần lượt là 85,05%; 91,57%.
Qua đó đã giúp các hộ dân chăn nuôi gà thương phẩm tại các địa phương tiếp cận với giống gà Mía lai F1. Đồng thời giúp các hộ dân sản xuất gà giống biết về giống gà bố mẹ trống Mía và bố mẹ mái Lương Phượng để từ đó thấy được giá trị kinh tế của việc sản xuất gà giống Mía lai F1, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình.
Bảo Ngọc

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây