Rau cải bó xôi sản xuất an toàn cho thu nhập 50-60 triệu đồng/sào. Mấy năm trở lại đây, nông dân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà bắt đầu chú trọng đầu tư vào việc trồng rau sạch để bán cho các siêu thị. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay xã Hồng Lạc đã có gần 6ha trồng rau màu có giá trị kinh tế cao. Thu nhập từ việc sản xuất rau sạch được đánh giá là tương đối ổn định và cao hơn nhiều so với các cây trồng khác tại địa phương.
Hồng Lạc là một xã nằm ở phía Bắc của huyện Thanh Hà. Trước kia người dân Hồng Lạc chủ yếu phát triển nông nghiệp. Trong mấy năm trở lại đây, do địa thế gần với Khu Công nghiệp Nam Sách nên Hồng Lạc còn phát triển thêm một số ngành nghề như công nghiệp đóng tàu, chế biến nông sản. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ngày càng mất ưu thế vì thu nhập thấp so với các ngành nghề khác, Hội Phụ nữ xã Hồng Lạc đã vận động hội viên tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn cung cấp cho các siêu thị.
Mô hình sản xuất rau an toàn do Hội Phụ nữ đứng ra vận động hội viên tham gia sản xuất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Rau, củ, quả (trụ sở tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà). Công ty là đầu mối cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật, theo dõi quá trình sản xuất và cũng là đầu mối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả của các hộ xã viên tham gia mô hình. Từ chỗ chỉ có vài sào, đến nay, xã Hồng Lạc đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên gần 6 ha với gần ba chục hộ dân tham gia. Các loại rau, củ, quả đa dạng theo mùa và theo nhu cầu của thị trường, bao gồm: rau cải chíp, cải ngồng, cải bó xôi, cải xoong, cải bắp, súp-lơ, quả mướp đắng, quất, cà chua... Giá bán của rau an toàn luôn được Công ty thu mua cao hơn so với giá bán ngoài thị trường. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả được sản xuất an toàn như: Metro Hà Nội, Metro Hải Phòng, Metro Quảng Ninh, siêu thị Big C Hải Dương, Big C Hà Nội, Coop mark, khách sạn Trường Thành (Hải Dương), một số khách sạn ở Hải Phòng và Quảng Ninh... Các hộ tham gia mô hình trồng rau an toàn với diện tích từ 3-5 sào có thu nhập trung bình 100-150 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Phạm Công Tiến, trưởng xóm Bắc (thôn Đại Điền, xã Hồng Lạc) có hơn 3 sào ruộng trồng rau muống và rau cải bó xôi theo quy trình sản xuất an toàn để cung cấp siêu thị. Ông cho biết: mỗi sào rau cải bó xôi được trồng theo quy trình sản xuất an toàn cho thu hoạch khoảng 5 tạ/sào, giá bán trung bình từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cho thu nhập 5-6 triệu đồng/sào trong thời vụ 3-4 tháng. Ông cũng cho biết, trồng rau an toàn không khó hơn trồng rau theo cách truyền thống, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các hộ tham gia mô hình phải làm đúng theo quy trình kỹ thuật do bộ phận tư vấn, giám sát kỹ thuật của siêu thị hướng dẫn.
Sản phẩm đưa vào siêu thị là rau an toàn nên phải đảm bảo về chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không bị sâu bệnh, không có vi sinh vật gây hại cho người tiêu dùng. Trong quá trình chăm sóc, các hộ phải tuân theo đúng bộ quy tắc kỹ thuật của siêu thị do bộ phận tư vấn, giám sát kỹ thuật của siêu thị hướng dẫn. Kỹ sư Vũ Văn Hiệp là người chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật cho mô hình rau an toàn tại xã Hồng Lạc cho biết: để có được sản phẩm rau an toàn tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, các hộ nông dân phải thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất an toàn mà chúng tôi đưa ra. Cụ thể như: trồng rau trên nền đất cao ráo, thoát nước tốt, không tồn dư kim loại và cách xa nguồn chất thải nguy hại; sử dụng nguồn nước tưới là nước giếng, hoặc nước ao, hồ không bị ô nhiễm; chỉ gieo hạt giống tốt, khỏe mạnh và có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân bón lá đã qua quá trình thử nghiệm riêng; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm sinh học; trước khi thu hoạch 15-20 ngày không được phun thuốc hóa học Quá trình sản xuất của nông dân có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của kỹ sư; trong quá trình giám sát, thỉnh thoảng sản phẩm được đưa đi kiểm tra. Những hộ nào không tuân theo quy tắc kỹ thuật trên, phía Công ty kiên quyết từ chối hợp tác tiêu thụ nông sản.
Để đảm bảo cân đối nguồn cung cầu giữa siêu thị và các hộ sản xuất, Công ty TNHH MTV rau, củ, quả còn chủ động trong việc phân bố cơ cấu mỗi loại rau, củ, quả với diện tích và thời vụ cụ thể, vừa đảm bảo "mùa nào, rau nấy", vừa phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm nông dân làm ra tránh được tình trạng "bán tống, bán tháo" ngoài thị trường.
Đến nay, mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Hồng Lạc đã phát triển được 5 năm. Từ chỗ nhỏ lẻ vài hộ gia đình, đến nay, đã thu hút được gần 30 hộ nông dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhà cung cấp sản phẩm rau sạch cho thị trường tiêu dùng, qua đó nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây cũng là một hướng đi triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Để tạo dựng và giữ vững được uy tín và thương hiệu rau an toàn Hồng Lạc đối với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, các cấp, các ngành chuyên môn cần tăng cường sự liên kết những hộ sản xuất nhỏ lẻ thành một khối thống nhất để tạo sự đồng thuận, hỗ trợ cao giữa các hộ sản xuất và giữa các hộ sản xuất với phía Công ty tạo đầu ra cho hàng nông sản an toàn.
Anh Nguyên