Hải Dương phục tráng và phát triển lạc đỏ 3 nhân

Mô hình phục tráng giống lạc 3 nhân tại Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng. Ảnh Nguyễn Thủy       Hải Dương là một tỉnh có diện tích lạc không lớn (khoảng 1300 ha/năm) tập trung chủ yếu ở một số huyện như: Kinh Môn, Nam Sách, Tứ Kỳ và thị xã Chí Linh.
Hải Dương phục tráng và phát triển lạc đỏ 3 nhân
Giống lạc đỏ 3 nhân được trồng phổ biến ở một số xã ở vùng bãi ven sông huyện Tứ Kỳ như: xã Hà Thanh, xã Nguyên Giáp, xã Hà Kỳ, xã Phượng Kỳ . . . Diện tích năm 2009-2010 đạt khoảng 50-60 ha, năng suất bình quân đạt 20 tạ/ha. Năm 2011- 2012 diện tích 26 ha, năng suất đạt 18 tạ/ha. Giống lạc đỏ 3 nhân có nhiều đặc tính nông học tốt: Thời gian sinh trưởng trung bình, vụ xuân 120 ngày, vụ thu đông 90 ngày, dạng thân nửa đứng, khả năng phân cành cấp 1 trung bình, màu lá xanh trung bình, vỏ hạt màu đỏ, vỏ quả mỏng, tỷ lệ nhân/quả cao, vỏ hạt dày nên thời gian bảo quản được lâu, chất lượng hạt ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Nguyên nhân dẫn đến diện tích lạc giảm mạnh, một phần do giống đã lưu truyền lâu, nguồn giống do nông dân tự để giống theo kinh nghiệm nên đã bị lẫn tạp, thoái hoá, nhiễm bệnh. Giống bị thoái hóa do trồng lâu không được chọn lọc nên độ thuần giảm do lẫn tạp, các tính trạng đặc trưng bị phân ly, các yếu tố cấu thành năng suất như số quả/cây, tỷ lệ quả 3 hạt bị phân ly và giảm đồng thời có sự chênh lệch lớn giữa các cá thể, một số tính trạng quan sát được bằng mắt như màu sắc thân, màu sắc hoa, vỏ hạt, vỏ quả, gân quả cũng phân ly; tỉ lệ nhiễm một số các bệnh hại chính cao, đặc biệt là bệnh thối trắng thân, làm thối quả đã làm giảm năng suất. Mặt khác kỹ thuật thâm canh lạc chưa được áp dụng đồng bộ do nhận thức của người dân về khoa học kỹ thuật chưa cao. Trước thực tiễn đó, Kỹ sư Lê Thị Bẩy - Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương) đã thực hiện: Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lạc đỏ 3 nhân nhằm duy trì chất lượng, nâng cao năng suất trên một số địa bàn tỉnh Hải Dương. Chất lượng giống phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng giống lạc QCVN01-48:2011/BNNPTNT.
Sau một năm nghiên cứu thực hiện, phục tráng giống lạc đỏ 3 nhân, duy trì chất lượng giống, sạch bệnh, nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Qua nghiên cứu cho thấy trên ruộng vật liệu khởi đầu vụ xuân 2012 tổng số quả chắc trung bình/cây đạt 14 quả, tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên đạt trung bình 71%, tỷ lệ quả 1 hạt thấp (5,9%), khối lượng trung bình 100 quả đạt 128gram, khối lượng trung bình 100 hạt đạt 35,3gram, năng suất lý thuyết đạt trung bình 35,3 tạ/ha, năng suất thực thu quả tươi đạt trung bình 63 tạ/ha, năng suất thực thu quả khô đạt trung bình 27,09 tạ/ha. Trong vụ thu đông 2012, thí nghiệm trồng quả 4 hạt, 3 hạt, 2 hạt, tình hình sinh trưởng phát triển và sâu bệnh không có sự khác nhau, nhưng có sự khác nhau về tỷ lệ quả 4 hạt, 3 hạt và 2 hạt như sau: Ruộng trồng quả 4 hạt (R1) có tỷ lệ quả 4 hạt đạt 14,8%, ruộng trồng quả 3 hạt (R2) có tỷ lệ quả 4 hạt đạt 13,5%, ruộng trồng quả 2 hạt (R3) có tỷ lệ quả 4 hạt đạt 9,1%. R1 có tỷ lệ quả 3 hạt đạt 58,7%, R2 có tỷ lệ quả 3 hạt đạt 58,2%, R3 có tỷ lệ quả 3 hạt đạt 55,7%. R1 có tỷ lệ quả 1 hạt thấp nhất (4,1%), R2 và R3 có tỷ lệ quả 1 hạt cao hơn (9%). Như vậy qua vụ thu đông 2012 kết quả cho thấy lựa chọn quả 3, 4 hạt gieo trồng thì sản phẩm thu hoạch sẽ có tỷ lệ quả 3-4 hạt cao hơn trồng bằng quả 2 hạt. Sự khác nhau giữa R1 và R2 về kết quả tỷ lệ quả 4 hạt thể hiện rõ. Về năng suất thực thu có sự chênh lệch rõ ràng giữa R3 với R1 và R2, năng suất R1 và R2 cao hơn R3 từ 1,3-1,6 tạ/ha, tương đương 5-6%. Sự chênh lệch giữa R1 và R2 về năng suất ở mức không có ý nghĩa. Qua 2 vụ đánh giá giữa các ruộng trồng quả 4 nhân (R1), ruộng trồng quả 3 nhân (R2) và ruộng trồng quả 1 nhân (R3) cho thấy: Mức độ nhiễm sâu bệnh giữa các ruộng không có sự khác nhưng tỷ lệ quả 4 nhân, 3 nhân, 2 nhân và năng suất thực thu có sự khác nhau rõ rệt. Cụ thể là ruộng trồng quả 4 nhân thì có tỷ lệ quả 4 nhân là cao nhất, trong khi đó ruộng trồng quả 3 nhân có tỷ lệ quả 3 nhân là cao nhất. Về năng suất ruộng trồng quả 3 nhân, 4 nhân cao hơn ruộng trồng quả 2 nhân 3-6 %. Qua một năm nghiên cứu đã xác định được 26 tính trạng. Giống lạc đỏ 3 nhân có dạng thân nửa đứng, thân chính đứng, các cành bên đầu cành cong lên rất nhiều, mức độ phân cành cấp 1 trung bình, thời gian sinh trưởng trung bình, kích cỡ lá chét trung bình, màu sắc lá chét trung bình, quy luật ra hoa liên tục, chùm tia quả đơn giản, eo quả nông, bề mặt quả nhẵn, số hạt/quả nhiều, mỏ quả không rõ, dạng mỏ quả cong, vỏ hạt một màu, màu vỏ hạt đỏ, dạng hạt hình trụ, khối lượng 100 hạt thấp, tỷ lệ nhân/quả trung bình. Giống lạc đỏ 3 nhân không có khả năng kháng bệnh đốm đen, không có khả năng kháng bệnh gỉ sắt, không có khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, không có khả năng kháng bệnh thối đen cổ rễ, không có khả năng kháng bệnh thối trắng thân, hàm lượng Protein: 17,92%, hàm lượng Lipit: 49,87%. Kỹ sư Lê Thị Bẩy và các cộng sự đã chọn hướng phục tráng là chọn thuần các tính trạng bị phân ly, chọn dòng sạch bệnh, tăng tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên. Từ khi lạc mọc mầm thì tiến hành lựa chọn các cá thể Go dựa trên các tiêu chí: Cây khoẻ, mọc mầm nhanh, sạch bệnh, cắm thẻ để theo dõi. Thường xuyên hàng ngày quan sát, ghi chép các hiện tượng xảy ra sau đó định kỳ 1 tuần loại bỏ các cá thể không đạt các tiêu chí đã đề ra (nhiễm bệnh hoặc bị sâu cắn, gãy cành..) chọn cá thể khác đạt tiêu chí để thay thế. Thu hoạch 300 cá thể Go đánh mã số từ 1 đến 300, đo đếm các chỉ tiêu trong phòng, xử lý số liệu trên Excel và tiếp tục đánh giá và lựa chọn. Kết quả đánh giá 300 cá thể Go thu được các số liệu trung bình như sau: Chiều cao cây: 52,5 cm; Tổng số quả chắc/ cây: 24,3; Số quả 3 hạt trở lên: 17,7; Số quả 2 hạt: 5,2; Số quả 1 hạt: 1,3; Số hạt/cây: 65; Tỷ lệ quả 3 hạt: 73,4; Năng suất cá thể (g): 34,8. Kết thúc vụ xuân 2012 đã lựa chọn 150 cá thể (dòng) Go với các tiêu chuẩn như sau: Chiều cao cây: 40- 60 cm; Số quả chắc/cây: ≥16; Tỷ lệ quả từ 3 hạt trở lên: 69%; Năng suất cá thể (g): 28; 150 dòng Go tuyển chọn được làm vật liệu tiếp tục trồng trong vụ thu đông năm 2012. Hạt của các dòng gieo riêng 2 hàng liên tiếp nhau, đeo mã số dòng để theo dõi. Thường xuyên theo dõi từ khi gieo đến thu hoạch, không khử bỏ cây khác dạng. Loại bỏ cả dòng có cây khác dạng, dòng sinh trưởng, phát triển kém, dòng bị sâu bệnh hoặc bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận. Các dòng còn lại trước khi thu hoạch lấy mẫu ngẫu nhiên 10 cây ở giữa hàng, để riêng, ghi thẻ mã dòng để đánh giá trong phòng. Các cây còn lại thu hoạch, chế biến, bảo quản trong túi riêng, ghi mã dòng chờ kết quả đánh giá trong phòng của mẫu.
Qua một năm thực hiện đã lựa chọn và gieo trồng ruộng vật liệu khởi đầu để nghiên cứu, diện tích 4 sào tại cánh đồng Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng. Đánh giá được các chỉ tiêu kỹ thuật của giống lạc đỏ 3 nhân trên ruộng vật liệu khởi đầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN01-57:2011/BNNPTNT về giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống lạc; xác định được nguyên nhân thoái hoá của giống lạc đỏ 3 nhân địa phương từ đó đưa ra những tiêu chí để chọn lọc phục tráng. Xây dựng được bảng các tính trạng đặc trưng của giống lạc đỏ 3 nhân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN01-67:2011/BNNPTNT về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống lạc. Thực hiện chọn dòng Go, G1, đánh giá tuyển chọn được 37 dòng G1 đạt tiêu chuẩn để sản xuất giống lạc siêu nguyên chủng trong vụ xuân 2013.
Đề tài đã nghiên cứu phục tráng giống lạc của địa phương nhằm duy trì chất lượng, tạo giống nguyên chủng sạch bệnh, nâng cao năng suất để mở rộng sản xuất lạc tại Hải Dương, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững. Đề tài còn có ý nghĩa trong việc duy trì bảo tồn nguồn gen giống cây trồng quý hiếm, đây là giống lạc bản địa của Hải Dương cần được bảo tồn.
Hải Ninh

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây