Hải Dương: Rầy lưng trắng và rầy nâu tấn công lúa xuân

Vụ chiêm xuân này, toàn tỉnh gieo sạ được 63.509 ha lúa. Hiện nay, các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt, lúa chiêm xuân đang giai đoạn làm đòng đến trỗ bông phơi màu; đây là giai đoạn thường bị rầy lưng trắng phát sinh gây hại. Từ giai đoạn lúa trỗ thoát đến chín (trước khi thu hoạch) thường bị rầy nâu phát sinh gây hại và là giai đoạn ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng.
Thời tiết nắng nóng, mưa xen kẽ (nhiệt độ cao, độ ẩm cao) là điều kiện thuận lợi cho rầy lưng trắng và rầy nâu phát sinh, phát triển gây hại. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh rầy lứa 3 đang ở pha trưởng thành đến tuổi 2, tính đến ngày 9/5 có 3.409 ha bị nhiễm rày ở hầu hết các huyện trong tỉnh, với mật độ trung bình: 1.000-2.000 con/m2 trong đó có 166 ha lúa bị nhiễm rầy nặng với mật độ từ 5.000-7.000 con/m2 (chủ yếu là rầy lưng trắng) trên các giống lúa bị nhiễm Khang Dân 18, Q5, Syn 6, Bắc Thơm, Xi 23, Nếp...Huyện có diện tích lúa bị nhiễm rầy nặng nhất là Thanh Miện (gần 1.000 ha), Ninh Giang, Kinh Môn, Thanh Hà...So với cùng kỹ nhiều năm vụ xuân năm nay có mật độ rầy rất cao và diện phân bố rộng hơn rất nhiều.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật rầy lứa 4 sẽ nở rộ và gây hại mạnh vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, nếu không phòng trừ kịp thời xuất hiện nhiều ruộng cháy rầy.
Ông Vũ Đình Phiên, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: để phòng trừ tốt rầy lưng trắng và rầy nâu Chi cục BVTV tỉnh đã yêu cầu các trạm BVTV các huyện, thành phố phân công cán bộ bàm chắc địa bàn; dự tính, dự báo tham mưu giúp UBND huyện, thành phố và các UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn, thông báo, thông tin tuyên truyền yêu cầu các HTX dịch vụ nông nghiệp cùng các hộ nông dân tích cực thăm đồng, kiểm tra rầy nâu và chủ động phòng trừ khi mật độ rầy đến ngưỡng, đạt hiệu quả cao không để lây lan ra diện rộng.
Tăng cường kiểm tra đồng, phải vạch gốc lúa kiểm tra rầy các loại (chọn nhiều điểm trong ruộng); chú ý ruộng xanh tốt, chân đất đám mạ, diện tích trũng (thường xuyên có nước) ở đó mật độ rầy thường rất cao; Xác định, thống kê diện tích phải phun trừ và tổ chức hướng dẫn, tập huấn nông dân phun trừ có hiệu quả. Phun trừ rầy khi mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên. Đối với giai đoạn lúa từ đông sữa trở đi phải trừ rầy bằng các loại thuốc tiếp xúc. Khi phun thuốc nhất thiết ruộng phải có nước; phải rẽ hàng để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy. Nên sử dụng một trong những loại thuốc đặc hiệu như: Bassa 50EC, Nibas 50ND, ExelBasa 50ND...;Victory 550EC...; Penalty Gold 50 EC; Chess 50WG, Chatot 600 WG...
Để phòng trừ rầy đạt hiệu quả cao yêu cầu ruộng phải đủ nước (3-5cm); khi sử dụng thuốc phải thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng kỹ thuật); khi pha thuốc cần phải lắc kỹ, khuấy đều cho thuốc tan hết sau đó mối đổ vào bình và khuấy đều cho thuốc tan đều trong nước; khi phun thuốc làm tốt công tác bảo hộ trước, trong và sau khi phun thuốc, bỏ bao bì đựng thuốc vào đúng nơi quy định, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tại các địa phương công tác tổ chức chỉ đạo phòng trừ được UBND các huyện tập trung cao, các lực lượng liên quan trên địa bàn cũng đã được huy động phân công cụ thể từng đồng chí về trực tiếp chỉ đạo tại từng xã có sâu bệnh phát sinh gây hại cao, hệ thống thông tin đài phát thanh truyền hình các huyện thường xuyên đưa tin để bà con hiểu và thực hiện phòng trừ kịp thời, đúng đối tượng, đúng loại thuốc đặc hiệu, hạn chế việc phun thuốc tuỳ tiện hiệu quả thấp lại gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó Thanh tra chuyên ngành BVTV cùng phối hợp các địa phương, ban ngành liên quan tổ chức thanh kiểm tra liên tục đối với các công ty, cửa hàng, đại lý thuốc BVTV nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân, đặc biệt là việc không được tăng giá thuốc trong thời điểm này.
Hòa  Thuận

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây