Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi chim cút lấy trứng được không ít hộ nông dân ở xã Thăng Long, huyện Kinh Môn hưởng ứng. Đây là cách làm cho hiệu quả kinh tế cao do chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh và tốn ít công chăm sóc.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhàng, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn gắn bó với nghề nuôi chim cút từ năm 2009. Qua tìm hiểu về cách nuôi giống chim cút từ các mô hình ở địa phương, chị bắt đầu mô hình của gia đình mình với số lượng 4.000 con giống. Khu chuồng trại nuôi chim cút của gia đình chị được xây dựng thành tách biệt với nhà ở để đảm bảo điều kiện vệ sinh chăn nuôi. Để việc nuôi chim cút thuận lợi, chị đã tìm hiểu cụ thể và đưa vào áp dụng những kỹ thuật trong tất cả các khâu, từ chuồng trại, thức ăn nước uống đến vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa dịch bệnh cho loại vật nuôi này. Do chim cút thường thích sống ở nơi cao ráo và thoáng mát nên chuồng nuôi chim cút được gia đình chị thiết kế lồng nuôi quây lưới, chia làm nhiều tầng. Cách làm này vừa tạo độ cao ráo, vừa tiết kiệm được diện tích chuồng nuôi. Chuồng nuôi được thiết kế gọn nhẹ, có hệ thống máng ăn và nước uống để tránh rơi vãi thức ăn; đáy lồng hơi dốc để khi chim cút đẻ, trứng sẽ tự lăn ra khay treo bên cạnh mỗi lồng. Mỗi ngày, chim cút sẽ đẻ một quả trứng có trọng lượng bằng 10% trọng lượng cơ thể, do đó, thức ăn cho chúng phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cao. Bên cạnh nguồn thức ăn chính là cám hỗn hợp loại dành riêng cho chim cút đẻ, chị còn bổ sung một số thành phần thức ăn khác như ngô, đỗ xanh, cám, bột cá... Nguồn nước uống cho chim cút tuy không nhiều, nhưng phải đảm bảo nước sạch, mát và để chim cút uống tự do, không hạn chế. Để tránh xảy ra dịch bệnh, trong quá trình nuôi, chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày.
Chị Nhàng cho biết: thời gian nuôi chim cút từ lúc xuất chuồng thành chim giống đến khi chim cút đẻ trứng là gần 2 tháng. Hiện nay, mỗi ngày gia đình chị thu khoảng 3.000 quả trứng cút, với giá bán lúc cao nhất là 500 đồng/quả. Nguồn tiêu thụ trứng cút khá ổn định, tư thương đến tận nhà chị để thu mua. Theo tính toán của chị, với giá bán hiện nay thì người nuôi chim cút lấy trứng có mức thu nhập tương đối ổn định. Bình quân mỗi ngày gia đình chị thu lãi 200 - 250 nghìn đồng.
Mỗi lứa chim cút giống cho thu trứng trong vòng 1 năm, với tỷ lệ chim cút cho trứng khoảng 80%. Để tăng hiệu quả kinh tế, gia đình chị còn bắt tay vào việc nuôi úm chim cút giống. Chị cho biết mỗi lứa nuôi úm, chị nuôi khoảng 1 vạn con. Sau 20 ngày, chị tách riêng những con chim đực để nuôi lấy thịt; số chim cút giống cái được bán cho những hộ nuôi làm giống đẻ trứng. Theo chị Nhàng, nghề nuôi úm chim cút cho thu nhập tương đối cao, khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, nuôi úm chim cút đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn so với nuôi chim cút lấy trứng.
Khi lớp chim giống cũ đã đẻ hết thời hạn, gia đình chị bán thịt luôn để nuôi một loạt giống mới. Do tự úm được chim cút giống nên chi phí đầu tư ban đầu cho đàn cút đẻ lấy trứng được rút gọn lại, giúp gia đình chi tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Đến nay, gia đình có 2 dãy chuồng với diện tích hàng trăm m2 . Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi chim cút lấy trứng và nuôi úm chim cút giống.
Theo chị Nhàng, nghề nuôi chim cút có chi phí đầu tư thấp, phù hợp với nhiều nông dân, chỉ cần xây lán và đặt lồng nuôi; kỹ thuật nuôi chim cút cũng rất đơn giản, quan trọng nhất là khâu giữ chuồng trại sạch sẽ thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công với nghề, vì thế các hộ chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ thuật và kinh nghiệm của những người đã nuôi trước và tìm được thị trường tiêu thụ cho loại vật nuôi này.
Nguyễn Thị Ánh