Kết quả xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa năm 2015

Thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) phát triển sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, năm 2015 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (TBKH) tỉnh Hải Dương đã xây dựng mô hình sản xuất một số giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế với quy mô tập trung tại một số xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đồng thời, xây dựng mô hình thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR và chế phẩm sinh học để xử lý rạ trên ruộng cấy, góp phần giảm lượng phân hóa học trong sản xuất lúa.
Kết quả xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa năm 2015

Trong vụ xuân năm 2015, Dự án xây dựng mô hình sản xuất ba giống lúa là Nghi hương 2308, Nàng Xuân và Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, tại các xã Minh Đức (TỨ Kỳ), Hiệp Cát (Nam Sách), Hồng Thái (Ninh Giang), Hồng Khê (Bình Giàng) và Đoàn Kết (Thanh Miện) với quy mô 100 ha. Qua theo dõi cho thấy các giống lúa lai và lúa thuần đều sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh khá – tốt. Năng suất và hiệu quả kinh tế của các giống lúa đạt kết quả khá cao. Trong đó, giống Nghi Hương 2308 đạt năng suất 79,3 tạ/ha, hiệu quả kinh tế 32,5 triệu đồng/ha; giống lúa Nàng Xuân: 51 -54 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt 22,4 triệu đồng/ha; Bắc thơm số 7 KBL đạt 51,1tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt 23,6 tạ/ha.

Vụ mùa năm 2015, Dự án triển khai mô hình sản xuất với quy mô 100 ha tại các xã Hiệp Cát (Nam Sách), Hồng Khê (Bình Giang), Hồng Thái (Ninh Giang) và xã Minh Đức (Tứ Kỳ), gieo cấy các giống lúa Nàng Xuân và Bắc thơm số 7 kháng bạc lá. Mô hình áp dựng các quy trình kỹ thuật đã được hoàn thiện thông qua các đề tài, dự án khoa học thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Vụ mùa năm 2015, thời tiết diễn biến phức tạp, do ảnh hửng của cơn bão số 1 có mưa to, gây ngập úng một phần diện tích tại xã Hiệp Cát (Nam Sách); thời tiết khô hạn cuối tháng 8 ảnh hưởng xấu đến lúa trổ bông, phơi màu. Các địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như xã Đoàn Kết và Hồng Khê, mỗi xã chỉ có 1 vùng.

Kết quả theo dõi mô hình cho thấy giống lúa Nàng Xuân và Bắc thơm số 7 kháng bạc lá sinh trưởng và phát triển tốt với bộ lá màu xanh đậm, đẻ nhánh khá, độ thuần đồng ruộng cao. Các mô hình sản xuất tập trung đã phát huy tốt khả năng đồng bộ trong sản xuất: cùng 1 giống, cùng thời vụ nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao. Năng suất lúa Nàng Xuân tại xã Hiệp Cát đạt 56,1 tạ/ha, tại xã Minh Đức đạt 57,1 tạ/ha. Năng suất lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá tại xã Hồng Khê đạt 54,8 tạ/ha, tại xã Đoàn Kết đạt 55,5 tạ/ha và xã Hồng Thái đạt 57 tạ/ha.

Xét về hiệu quả kinh tế, việc gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá cho thu lãi 11,6 triệu đồng/ha, cao hơn so với giống lúa Nàng Xuân. Nguyên nhân là do giống lúa Nàng Xuân có giá bán thóc thương phẩm giảm mạnh (từ 10 nghìn đồng/kg xuống còn 6,5 nghìn đồng/kg).

Đặc biệt, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Fito – Biomix RR và dung dịch khử H2S xử lý rạ trên ruộng tại xã Minh Đức (Tứ Kỳ) cho kết quả khả quan. Sử dụng 300 gram chế phẩm trộn đều với 3-4 kg đất bột rắc đều lên gốc rạ rồi cày lật gốc rạ, ngâm với mức nước 3-5 cm trong thời gian 7-10 ngày. Kết quả cảm quan cho thấy sau 10 ngày xử lý, gốc rạ đã phân hủy, khi cấy lúa phát triển tốt, bộ rễ nhiều hơn, thời gian bén rễ hồi xanh nhanh hơn, trên ruộng cấy không còn hiện tượng “oi đất” do chuyển vụ gấp, cây lúa sinh trưởng phát triển đều và tốt. Mô hình đã giảm được khối lượng phân hóa học cho cây lúa, năng suất cao.

Cùng với việc nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của các giống lúa hàng hóa, việc ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ trong sản xuất lúa đã khẳng định những lợi ích của Dự án mang lại cho nông nghiệp của tỉnh nhà. Mặc dù vậy, các địa phương cần mở rộng diện tích sản xuất áp dụng cơ giới hóa như sử dụng máy cấy mạ khay, máy gặt đập liên hợp… sẽ góp phần gia tăng năng suất cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình.

Nguyễn Thị Ánh


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây