Mô hình thực hiện với quy mô 30 ha, có 282 hộ tham gia. Các hộ nông dân gieo cấy trong trà mùa sớm, mật độ gieo cấy 45 khóm/m2, sử dụng lượng phân bón cho 1 sào gốm: supe lân: 20 kg, đạm ure: 7 kg, kali clorua: 7 kg. Phòng trừ sâu bệnh theo sự chỉ đạo của chuyên ngành bảo vệ thực vật địa phương.
Kết quả đánh giá mô hình cho thấy: Trong vụ mùa 2015 tại các điểm sản xuất, giống lúa Bắc Thơm 9 thể hiện một số ưu điểm như có thời gian sinh trưởng dài hơn giống Bắc thơm số 7 từ 2-3 ngày, sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, trỗ thoát, bông to. Hạt thóc thon dài, vỏ trấu có màu nâu, cơm mùi thơm, chất lượng gạo ngon. Giống Bắc Thơm 9 có dạng bông to dài, bông có gié kép, hạt xếp xít gối nhau. Ngoài ra, Bắc Thơm 9 có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh tốt, giống có độ thuần cao, chống đổ tốt, nhiễm rất nhẹ các bệnh bạc lá, khô vằn, rầy nâu. Năng suất dự kiến tại các điểm: 65,31-69,46 tạ/ha, cao hơn giống lúa Bắc Thơm số 7 từ 17,2-22,9%. Giống mới phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương.
Giống lúa Bắc thơm số 9 do TS. Nguyễn Như Hải và các cộng sự chọn tạo, Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam đề nghị đăng ký và bảo hộ độc quyền, sẽ hoàn thiện các thủ tục để được công nhận giống vào cuối năm 2015. Để đánh giá kết quả mô hình một cách toàn diện, Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Hải Dương sẽ tổ chức gặt thống kê để đánh giá năng suất thực thu của giống lúa Bắc thơm số 9; đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Nam theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho các hộ nông dân. Tại hội thảo, các đại biểu tham gia cũng đề xuất mong muốn các cơ quan chức năng khuyến khích các doanh nghiệp tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm thóc Bắc thơm số 9 cho nông dân.
Nguyễn Thị Ánh