Mô hình thử nghiệm giống lúa SH2 ở tỉnh Hải Dương bước đầu có kết quả

Thực hiện kế hoạch khoa học và công nghệ của tỉnh năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình thử nghiệm giống lúa SH2 ngắn ngày có chất lượng và năng suất cao, thay thế một số giống lúa trong sản xuất lúa mùa sớm và xuân muộn ở Hải Dương".
Mô hình thử nghiệm giống lúa SH2 ở tỉnh Hải Dương bước đầu có kết quả
Vụ xuân năm 2009 Trung tâm đã triển khai thử nghiệm giống lúa SH2 ở 3 xã: xã Nam Hưng (Nam Sách) với qui mô 04 ha, xã Đồng Lạc (Chí Linh) qui mô 03 ha và xã Quang Phục (Tứ Kỳ) qui mô 03 ha. Cả 3 điểm trên đều đối chứng với giống lúa Khang dân 18 (KD18) cùng trà, cùng cánh đồng.
Giống lúa SH2 được chọn lọc từ quần thể HT1 đang phân ly từ vụ xuân năm 2005, vụ mùa 2005 và vụ xuân năm 2006. Giống lúa SH2 được phó giáo sư, tiến sỹ Tạ Minh Sơn và các cộng sự của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chuyển giao công nghệ cho Hải Dương.
Giống SH2 có thời gian sinh trưởng 130-133 ngày. Thời vụ xuân muộn gieo mạ từ ngày 15 đến 20 tháng giêng; cấy ngày 5/2 đến ngày 10/2. Tại Nam Hưng (Nam Sách) mạ được gieo trên nền đất cứng từ ngày 20 đến ngày 22 tháng giêng năm 2009; cấy ngày 6-7/02/2009; mật độ cấy 36-40 khóm/m2 (3-4 dảnh/khóm).
Ngày 25/5/2009 tại xã Nam Hưng (Nam Sách), đã tiến hành Hội thảo đầu bờ với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, đại diện của phòng Nông nghiệp - PTNT các huyện trong tỉnh, các xã tham gia thực hiện đề tài và một số cơ quan báo chí của tỉnh Hải Dương. Tại hội thảo Ban chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tình hình cấy, chăm sóc lúa SH2. Lúa SH2 phát triển tốt, cây cứng, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, năng xuất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, chất lượng gạo tốt, khi nấu cơm có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo, mềm. Tại hội thảo các đại biểu đã nhận xét giống lúa SH2 cấy vụ xuân muộn phù hợp với một số địa phương của tỉnh Hải Dương đang cấy thử nghiệm và có khả năng cho năng suất cao hơn nếu được thâm canh tốt. Các đại biểu đề nghị cơ quan chuyển giao công nghệ tiếp tục nghiên cứu chọn lọc để đảm bảo tính thuần cao hơn và khuyến cáo với nông dân khi cấy nên cấy mạ gieo trên nền đất cứng, cấy ít dảnh, chăm bón tập trung giai đoạn đầu.

NVV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây