Quy trình gieo cấy giống lúa sạch bệnh

1. Khái niệm: Trên hạt giống nói chung và giống lúa nói riêng, thường tồn tại nhiều mầm bệnh. Trong đó có nhiều loại bào tử nấm, vi khuẩn, tuyến trùng. Hạt giống sạch bệnh là hạt không có hoặc có rất ít các mầm bệnh nói trên.
Quy trình gieo cấy giống lúa sạch bệnh
2.Một số yêu cầu kỹ thuât chủ yếu

2.1. Thời vụ:

- Vụ xuân: Tuỳ theo giống mà có thể gieo từ 25/11 đến trước lập xuân khoảng 5 -7 ngày. Có thể gieo mạ sân, mạ dược hoặc gieo vãi. Gieo vào thời vụ này thường hay gặp rét nên phải chống rét cho mạ bằng cách che phủ nilon. Cấy khi mạ được 3-4 lá và trời ấm ( nhiệt độ > 170C).

- Vụ mùa: Gieo từ 5/6 - 25/6 tuỳ nhu cầu gieo trồng cây vụ đông của từng địa phương. Nếu cần gieo vụ đông sớm thì nên gieo khoảng 5/6.

2.2. Lượng giống và cách ngâm ủ

- Mỗi sào đất cấy cần 1 kg giống hay gần 30 kg/ha.

Trước khi ngâm hạt nên loại bỏ hạt lép lửng bằng nước muối 15%. Ngâm hạt từ 24- 48 giờ cho hạt hút đủ nước, sau đó rửa sạch, để ráo nước và trộn với 2g Thiram 80 WP, để trong 24h sau đó ủ hạt bình thường để diệt các mầm bệnh truyền qua hạt (nếu không có Thiram thì có thể dùng 2g Dithane 45 M). Gieo mạ nên gieo thưa để cho cây non dễ phát triển.

2.3. Chọn đất và làm đất:

Nên chọn khu đất tốt, chủ động tưới tiêu nước để làm khu ruộng sản xuất giống. Khu đất này nên luân canh lúa với các cây màu khác. Ruộng cần được vệ sinh kỹ trước khi làm đất. Đất cần được làm kỹ. Ruộng cần phải được san phẳng. Xung quanh nên đánh rãnh sâu, nên chia ruộng thành các băng rộng khoảng 1,5 m để tiện đi lại chăm sóc. Giữa các băng nên đánh rãnh sâu để dễ tưới tiêu nước.

2.4. Mật độ cấy: Tuỳ theo chất lượng đất mà có thể cấy từ 35- 45 khóm/m2. Bình thường cấy khoảng 40 khóm/m2. Khoảng cách; 20:12,5 cm.

Cấy nông tay, 1 dảnh/khóm.

2.5. Phân bón

Lượng phân cụ thể cho một sào Bắc bộ tuỳ theo từng giống. Nhưng cũng có thể tham khảo một mức bón như sau:

- Phân chuồng: 500 kg;

- Phân đạm: Ure: 8- 10 kg;

- Phân lân: 15 kg Super lân. Nếu bón lân nung chảy thì tốt hơn vì trong lân này có khoảng 20% Si lic, rất cần cho lúa. Khoảng 25- 30 kg/sào;

- Phân Kali Clorua: 8- 10 kg.

- Nếu có phân tổng hợp NPK thì càng tốt. Lượng bón căn cứ vào chất tác dụng ghi trên vỏ bao để tính toán cụ thể.

2.6. Cách bón như sau:

- Lót: 100% phân chuồng+ 100% lân +60% đạm + 60% kali (bón trước khi cấy).

- Thúc đẻ nhánh: khi lúa hồi xanh bón 10% đạm và 10% kali.

- Bón đón đòng: Trước khi lúa phân hoá đòng 5 ngày: 20% đạm +20% kali.

- Bón nuôi hạt: Khi lúa trỗ hoàn toàn bón 10% đạm + 10% kali. Có thể phun phân qua lá khi bộ rễ hoạt động kém trên các chân đất ngập nước thường xuyên.

Tóm lại: công thức bón Đạm và kali là: 6:1:2:1 tương ứng với lót, thúc đẻ nhánh, thúc đón đòng và thúc nuôi hạt. Đây là các lần bón rất quan trọng, không nên bỏ qua bất kỳ một lần bón nào.

2.7. Tưới nước:

Đây là khâu rât quan trọng. Sau cấy nên giữ một lớp nước mỏng. Đến khi lúa đẻ đủ nhánh thì nên tháo khô ruộng để tăng cường hô hấp cho bộ rễ và giảm sâu bệnh. Khi cần bón phân mới đưa thêm nước vào ruộng. Khi lúa đã trỗ hoàn toàn thì nên tháo khô kiệt (chỉ để ẩm là được).

2.8. Phòng trừ sâu bệnh: như các giống khác. Tuy nhiên, nên phun phòng bệnh lem lép hạt sau khi lúa trỗ bằng Tilt super 0,1% để chống tái nhiễm.

2.9. Khử lẫn: là việc loại bỏ các cây khác dạng, cây bệnh, cây khác giống, lúa cỏ, lồng vực...khỏi ruộng lúa giống để đảm bảo độ thuần cho ruộng lúa.Việc khử lẫn cần được thực hiện suốt cả vụ cho đến khi thu hoạch

2.10. Thu hoạch: Sau khi lúa trỗ hoàn toàn 28 ngày là có thể gặt được, không nên gặt muộn hơn vì rụng ngoài đồng và chuột phá hoại. Tr­ước khi đưa lúa vào máy tuốt phải vệ sinh máy, sân phơi, bao bì và các dụng cụ khác để tránh lẫn tạp. Đồng thời phải phơi riêng để không bị lẫn giống. Bao bì phải gắn nhãn để tránh nhầm lẫn. Phơi ngay sau khi gặt, tránh để lúa bị mốc. Độ ẩm tối đa là 13%. Lúa giống cần đư­ợc rê kỹ tr­ớc khi bảo quản. Sau khi phơi khô cần để lúa nguội rồi mới đóng vào bao bì. Lúa giống nên được bảo quản kín trong bao nilon, bình gốm...Nếu có lá xoan thì nên cho một ít vào bao giống để chống mọt.

TS. Hà Văn Nhân (Trưởng bộ môn công nghệ hạt giống, Viện cây LT-Cây TP)



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây