Ứng dụng TBKT sản xuất giá thể phục vụ sản xuất mạ khay

Những năm trở lại đây, công nghệ sản xuất mạ khay cấy máy đã được một số địa phương nghiên cứu và áp dụng, trong đó có tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, công nghệ còn chậm phát triển và ở quy mô nhỏ, một phần do hạn chế về nguồn giá thể phục vụ cho sản xuất. Xuất phát từ thực tế trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương đã phối hợp cùng với Công ty cổ phần công nghệ sinh học nghiên cứu và áp dụng công nghệ sản xuất giá thể mạ khay tại hộ gia đình anh Cao Văn Lâm, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện trong năm 2014.
Ứng dụng TBKT sản xuất giá thể phục vụ sản xuất mạ khay

Sau một năm thực hiện đề tài, Trung tâm ứng dụng TBKH đã tổ chức sản xuất được 19,8 tấn giá thể mạ và 4.888 khay mạ công nghiệp. Trong đó có 16,2 tấn giá thể từ mùn rơm rạ có sử dụng chế phẩm Azolua và 4.000 khay mạ công nghiệp có sử dụng chế phẩm Luafin theo quy trình của Công ty cổ phần công nghệ sinh học. 1,8 tấn giá thế mạ không sử dụng chế phẩm Azolua và 444 khay mạ công nghiệp theo quy trình của Công ty cổ phần công nghệ sinh học. 1,8 tấn giá thể mạ và 444 khay mạ công nghiệp theo quy trình của Công ty Kubota.

Quá trình nghiên cứu ứng dụng các phương thức sản xuất giá thể mạ, mạ khay công nghiệp, Ban chủ nhiệm đề  tài đã đánh giá một số kết quả cụ thể. Một là đã lựa chọn được mẫu đất đồi và đất mầu để sản xuất giá thể mạ. Cả hai loại đất đều có giá trị pH đạt 5,1 – 5,7, thích hợp chó cây mạ sinh trưởng và phát triển. Giá thể mạ được sản xuất từ đất đồi, đất màu trộn với mùn hữu cơ ủ từ rơm rạ có chất lượng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao, giá trị pH đạt 6,0 thích hợp cho cây mạ sinh trưởng và phát triển.

Khi gieo trên giá thể mùn rơm rạ bổ sung chế phẩm Azolua và Lufain cho cây mạ sinh trưởng tốt hơn gieo mạ trên nền giá thể mùn rơm rạ không bổ sung chế phẩm Azolua và trên giá thể mùn cưa. Sức nảy mầm tăng từ 3,5 – 10 %; độ đồng đều tăng từ 4,5 – 13,1 %, trọng lượng mạ tăng từ 2 – 12 mg/cây. Về khả năng tách mạ của tay cấy trong cả 3 mô hình gieo mạ khay theo quy trình của Công ty cổ phần công nghệ sinh học và Công ty Kubota đều dễ tách, ít bị đứt rễ.

Mô hình lúa cấy mạ khay áp dụng chế phẩm Azolua và Lufain cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Năng suất lúa đạt từ 4,95 – 5,5 tấn/ha, cao hơn so với mô hình lúa cấy mạ khay không áp dụng chế phẩm từ 280 – 360 kg/ha và hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/ha; so với quy trình của Công ty Kubota tăng từ 370 – 400 kg/ha, hiệu quả tăng từ 3 – 3,1 triệu đồng ha; so với lúa cây tay bằng mạ dược tăng từ 430 – 440 kg/ha và hiệu quả tăng từ 6,8 – 6,9 triệu đồng/ha.

Mô hình sản xuất mạ khay áp dụng cho máy cấy có tổng chi phí sản xuất mạ khay và công cấy máy giảm khoảng 3,2 triệu đồng/ha so với chi phí công sản xuất mạ dược và cấy tay. Với diện tích 22 ha áp dụng mô hình, đề tài đã làm lợi cho cơ sở sản xuất của gia đình anh Cao Văn Lâm trên 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ sản xuất mạ khay bằng mùn rơm rạ sẽ tận dụng được nguồn rơm rạ dư thừa; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ giới hóa sản xuất các khâu trong canh tác lúa. 

Anh Nguyên


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây