Đậu Xanh DX 14 và Đậu Tương AGS 346

ĐỀ TÀI ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT ĐƯA GIỐNG ĐẬU XANH ĐX 14 VÀ ĐẬU TƯƠNG AGS 346 VÀO SẢN XUẤT TẠI HẢI DƯƠNG  

Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Đình Xuân, Trưởng phòng Nuôi cấy mô, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đậu - đỗ, Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2006 đến tháng 12/2006.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Tiếp thu các giống cây trồng mới: giống đậu xanh ĐX 14 và giống đậu tương rau đưa vào sản xuất, phấn đấu đạt năng suất 18 - 20 tạ/ha (giống đậu xanh ĐX 14). Giống đậu tương rau: quả non vụ đông đạt 8 - 10 tấn/ha; hạt khô 28 - 30 tạ/ha.

- Hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện của Hải Dương.

- Đánh giá khả năng nhân rộng, tuyên truyền khuyến cáo sản xuất.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thực hiện mô hình sản xuất giống đậu xanh ĐX14 vụ xuân 2006.

Địa điểm: tại xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh.

Nguồn giống: 45 kg, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu - đỗ cung cấp.

a. Kỹ thuật trồng, chăm sóc.

- Kỹ thuật trồng:

+ Thời gian trồng: trồng từ ngày 8 - 12/3/2006.

+ Mật độ, khoảng cách trồng: Hàng cách hàng 50 cm. Mật độ: 3 - 4 hạt/hốc.

- Chế độ bón phân( tính cho 1ha):

+ Bón lót: Thời kỳ chuẩn bị đất, liều lượng: Vôi bột 400 - 450 kg, đạm Urê 50 kg, Supe lân 400 - 450 kg.

+ Bón thúc: Bón khi cây có 4 - 5 lá kép. Liều lượng: Đạm Urê 50 kg; Kalyclorua 80 - 90 kg.

- Chăm sóc:

+ Sau khi cây có 2 - 3 lá thật, sâu cuốn lá bắt đầu gây hại ở tuổi 1 - 3, phòng trừ kịp thời bằng thuốc Suprathion 40 EC, Regent 800 WP, kết hợp vun đất cho cây.

+ Khi cây có 4 - 5 lá thật bón thúc bằng đạm và kali kết hợp vun cao chống đổ.

b. Các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của giống đậu xanh ĐX14 so với giống đậu xanh cũ trồng tại địa phương:

Giống đậu xanh ĐX14 có nhiều ưu điểm hơn so với giống đậu xanh cũ trồng tại địa phương: Độ đồng đều của cây sau gieo hạt đều hơn; cành nhiều, nhiều đốt, nhiều quả hơn; lá xanh hơn; sâu bệnh ít hơn.

Bảng so sánh Chỉ tiêu năng suất của đậu xanh ĐX14 với giống đậu xanh cũ trồng tại địa phương:

Chỉ tiêu

Giống đậu xanh ĐX14

Giống đậu xanh cũ trồng tại địa phương

Số khóm/m2

30

30

Số quả/khóm

9,5

8,3

Số hạt/quả

11,2

9,8

P1000 hạt (gam)

69

67

Năng suất lý thuyết (tạ/ha)

22,0

16,3

Năng suất thực thu (tạ/ha)

19,6

14,5

2. Thực hiện mô hình sản xuất giống đậu xanh ĐX 14 vụ hè thu 2006.

a. Khảo sát chọn hộ.

Triển khai tại xã Tiền Phong (Thanh Miện), trên đất bãi ngoài đê ở 2 thôn Mi Động và Đồng Chấm với 105 hộ tham gia.

Tại xã Đồng Lạc (Chí Linh) qui mô 3,5 ha cũng được trồng trên đất bãi ngoài đê của 3 thôn Trụ Hạ, Tế Sơn, Mạc Ngạn với 13 hộ tham gia.

b. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân, cán bộ Hội Nông dân tham gia thực hiện đề tài.

Nội dung tập huấn: Tập huấn kỹ thuật trồng, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hoá học Vofatox 40EC, Regen 800wp để hạn chế sâu bệnh.

c. Kết quả chỉ tiêu năng suất đậu xanh ĐX14 trồng trong vụ hè thu tại xã Tiền Phong huyện Thanh Miện và xã Đồng Lạc huyện Chí Linh so với giống đậu xanh cũ trồng tại địa phương có cùng thời gian sinh trưởng.

Các chỉ tiêu số khóm/m2; số quả/khóm; số hạt/quả; P1000 hạt (gam)... của giống đậu xanh ĐX14 được trồng ở hai địa phương trên đều tăng hơn so với giống đậu xanh cũ trồng tại địa phương.

3. Thực hiện mô hình sản xuất giống đậu tương rau AGS 346 trong vụ đông tại xã Đồng Lạc, huyện Chí linh.

a. Khảo sát, chọn hộ, chọn diện tích triển khai đề tài.

- Số hộ tham gia: 10 hộ.

- Diện tích trồng là 10.000 m2, trong đó đất ngoài bãi 5.080 m2, đất trong đồng 4.920m2.

b. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia thực hiện đề tài.

Các nội dung tập huấn: Kỹ thuật làm đất; thời vụ, mật độ khoảng cách trồng; kỹ thuật trồng; lượng phân bón và kỹ thuật bón phân; chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch và bảo quản.

c. Tiếp nhận giống đậu tương rau AGS 346 của Viện Nghiên cứu rau quả về gieo trồng tại 3 thôn của xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh.

Số lượng hạt giống là 100 kg cho qui mô sản xuất là 1 ha (theo qui trình hướng dẫn của Viện Nghiên cứu rau quả).

- Kỹ thuật trồng:

+ Thời vụ: Từ ngày 28/9/2006 đến 5/10/ 2006. Khoảng cách trồng: 40 x 15 cm.

+ Cách trồng: Rạch hàng, bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân, lấp đất nhẹ sau đó tiến hành gieo hạt, sau lấp kín bằng đất nhỏ.

- Lượng phân bón và cách bón (cho 1 sào Bắc bộ - 360 m2):

+ Phân chuồng hoai mục: 350 kg; Đạm urê: 3.6 - 3.7 kg/sào; Supe lân: 10 kg/sào; Kaliclorua: 3.3 - 3.5 kg/sào.

- Cách bón (cho 1 sào Bắc bộ - 360 m2):

+ Bón lót vào thời kỳ chuẩn bị đất: phân chuồng 350 kg; Supe lân: 10 kg.

+ Bón thúc lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật: đạm Urê 1,8 kg; Kaliclorua: 1,7 kg.

+ Bón thúc lần 2 khi cây bắt đầu có hoa: dùng đạm, kali như lần 1.

- Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

Sau khi trồng, thường xuyên giữ ẩm đất để cây sinh trưởng, khi cây có 2 - 3 lá thật bón thúc lần 1 kết hợp xới thoáng gốc. Khi cây bắt đầu ra hoa bón thúc lần 2, kết hợp vun cao.

Có nhiều loại sâu hại, đặc biệt là sâu xám và sâu cuốn lá đầu vụ. Trừ sâu xám bằng cách soi đèn bắt sâu vào thời điểm 8 - 10 giờ tối có hiệu quả tốt. Với sâu cuốn lá dùng thuốc đặc hiệu Regent phun diệt trừ kết quả cao.

d. Các chỉ tiêu năng suất.

Số cây/m2: 32; số quả/cây: 18; số quả có 3 hạt: 5; số quả có 2 hạt: 13; P100 hạt (gam): 26; năng suất lý thuyết (tạ/ha): 34; năng suất thực thu (tạ/ha): 30.

4. Đánh giá hiệu quả kinh tế.

Qua thực tế cho thấy trồng 1 ha đậu xanh ĐX14 thu lãi 17.990.000 đồng, còn trồng đậu tương rau AGS 346 cho lãi 15.540.000 đồng.

5. Hoàn thiện qui trình kỹ thuật với cây đậu xanh ĐX14 và đậu tương rau AGS 346 tại Hải Dương.

Đối với giống đậu xanh ĐX14 cơ bản theo qui trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống đậu xanh ĐX14 của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đậu - đỗ, chỉ điều chỉnh thời vụ sản xuất trong vụ hè thu sớm hơn so với qui trình từ 5 - 7 ngày để tránh lũ do đất trồng thuộc khu vực ngoài đê.

Đối với giống đậu tương rau AGS 346 cơ bản theo qui trình hướng dẫn của Viện Nghiên cứu rau quả, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương. Cụ thể như sau:

- Làm đất: Để thuận tiện cho việc tưới tiêu và giữ ẩm cho đất cần lưu ý đất ngoài bãi lên luống thấp hơn, chiều rộng luống rộng hơn (luống cao 10 cm, rộng 2,5 m), đất trong đồng lên luống cao hơn, chiều rộng của luống nhỏ hơn (luống cao 15 cm, rộng 1,8 - 2 m).

- Phòng trừ sâu bệnh:

+ Đối với đất trong đồng, phòng trừ sâu xám bằng cách sau khi lên luống dùng thuốc hoá học Basurin rắc xử lý đất với lượng 1 kg/sào.

+ Với sâu cuốn lá trên đậu tương rau phải dùng thuốc đặc hiệu Regent phòng trừ mới có hiệu quả.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau khi đề tài được tổng kết, vụ xuân 2007, giống đậu xanh ĐX14 và đậu tương rau AGS346 đã được sản xuất mở rộng 10ha, trong đó 5 ha tại xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh, 5 ha tại xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện đạt kết quả tốt.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây