Chủ nhiệm đề tài: KS. Vũ Đình Xuân, Trưởng phòng Nuôi cấy mô, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn NAB (150 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội).
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2006 đến tháng 12/2006.
Đề tài được tổng kết khi kết thúc.
I. MỤC TIÊU
Áp dụng chế phẩm sinh học Bio-plant và Pro-lant vào sản xuất phân lân hữu cơ vi sinh và ứng dụng phân bón sinh học Bio-plant và Pro-lant cho mô hình sản xuất cây lúa, cây rau, cây đậu đỗ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái tại một số huyện trong địa bàn tỉnh Hải Dương.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-plant và Pro-lant trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Áp dụng tại 17 hộ ở xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh. Chế phẩm Bio-plant pha với nước thải từ chuồng trại hoặc nước tự nhiên, tưới trộn đều với phân chuồng, cỏ, rơm, rạ, lá cây, trấu tươi v.v..., chất thành đống đậy kín bằng nilon hoặc rơm, rạ sau mục đem bón ruộng.
Bảng theo dõi kết quả sử dụng phân hữu cơ vi sinh cho cây đậu tương đông so với đối chứng:
Chỉ tiêu theo dõi |
ĐT sử dụng phân hữu cơ vi sinh |
ĐT không sử dụng phân hữu cơ vi sinh |
Tỷ lệ nảy mầm |
95% |
90% |
Chiều cao cây |
58 cm |
55 cm |
Phân cành |
5 - 6 cành |
4 - 5 cành |
Số lần phun sâu, bệnh |
2 lần |
3 lần |
Năng suất |
29,8 tạ/ha |
27,8 tạ/ha |
2. Ứng dụng phân bón Bio-plant và Pro-plant cho mô hình cây lúa.
- Địa điểm áp dụng:
Vụ xuân, tại HTX dịch vụ nông nghiệp xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, qui mô 1ha của 51 hộ nông dân.
Vụ mùa tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tam Cường, xã An Đức, huyện Ninh Giang, qui mô 1ha của 28 hộ nông dân.
- Đầu tư phân bón sinh học theo quy trình kỹ thuật cho các hộ sản xuất: Phân bón sinh học Bio-plant 10 lít, phân bón sinh học Pro-plant 4,45 lít.
- Kỹ thuật bón phân:
+ Bón lót: Dùng 160 ml Bio-plant pha với 10 lít nước trộn với 400 kg phân chuồng hoặc trộn với cát thay phân chuồng, rắc trên mặt ruộng.
+ Bón qua lá: 5ml Bio-plant và 20ml Pro-plant pha với 20 lít nước, phun đều trên lá cao cho 360 m2 (một sào Bắc bộ) vào các thời kỳ: đợt 1 sau khi cấy 10 - 15 ngày (giai đoạn lúa bén rễ hồi xanh), đợt 2 giai đoạn lúa đẻ nhánh, đợt 3 giai đoạn lúa phân hóa đòng, đợt 4 - thời kỳ trước trỗ.
- Kết quả: Hai giống HT1 và PC6 sử dụng phân Bio-plant và Pro-plant sinh trưởng, phát triển đồng đều hơn, ít nhiễm bệnh, năng suất vượt so với đối chứng trong cùng điều kiện sản xuất.
- Hiệu quả kinh tế: Nếu tính cho 1 sào Bắc bộ thì kinh phí đầu tư phân bón sinh học Bio-plant và Pro-plant thấp hơn so với đối chứng là 16.442 đồng/sào, trong khi đó năng suất lại tăng hơn đối chứng là 19,8 kg/sào.
3. Kết quả thực hiện phân sinh học Bio-plant và Pro-plant cho mô hình sản xuất cây đậu xanh.
Thời vụ: Vụ xuân 2006.
Qui mô và địa điểm áp dụng: 2 ha, trong đó vụ xuân 1 ha, vụ hè thu 1 ha trên đất bãi ven sông tại xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh.
a. Kết quả thực hiện.
- Tổ chức tập huấn cho 62 lượt hộ nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón sinh học Bio-plant và Pro-plant.
- Đầu tư phân bón sinh học: Phân sinh học Bio-plant 2 lít, Pro-plant 1,6 lít cho 7 hộ sản xuất thuộc 2 thôn Tế Sơn và Trụ Hạ.
Bón lót: Do điều kiện các hộ nông dân không có phân chuồng nên cán bộ kỹ thuật đã chỉ đạo pha 60 ml dung dịch Bio-plant vào 20 lít nước phun vào đất trước khi trồng.
Bón chăm sóc: Khi đỗ xanh có 2 - 3 lá thật phun đợt 1 với lượng phân 5 ml Bio-plant và 20 ml Pro-plant pha với 20 lít nước phun cho 1 sào (360 m2).
- Khi cây đỗ phân cành phun đợt 2 với lượng phân: 5 ml Bio-plant và 20 ml Pro-plant pha với 20 lít nước/sào.
- Khi cây hình thành quả, hạt phun đợt 3, lượng phân như đợt 1 và đợt 2.
b. Chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển.
Đậu xanh được bón phân bón sinh học cây mọc đều hơn, cành nhiều, nhiều đốt, nhiều quả hơn, lá xanh hơn, sâu bệnh ít hơn so với đối chứng.
c. Chỉ tiêu năng suất.
- Đậu xanh có bón phân sinh học năng suất đạt 22 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với đối chứng (19,9 tạ/ha).
- Năng suất đậu xanh vụ hè thu 2006: Đậu xanh được bón phân sinh học năng suất đạt 21 tạ/ha; đối chứng đạt 19,1 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha.
- So sánh đầu tư kinh phí: Đầu tư kinh phí cho trồng đậu xanh bón phân sinh học theo quy trình kỹ thuật của Công ty trách nhiệm hữu hạn NAB rẻ hơn so với đậu xanh đối chứng là 9.971 đồng/sào.
4. Kết quả thực hiện phân sinh học Bio-plant và Pro-plant cho mô hình sản xuất cây đậu tương.
a. Chọn điểm.
Mô hình được áp dụng tại HTX dịch vụ nông nghiệp Chi Đoan, huyện Nam Sách với quy mô 2 ha của 18 hộ nông dân.
b. Kết quả.
- Tổ chức tập huấn và cung cấp các tài liệu quy trình kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón sinh học trên cây đậu tương.
- Đầu tư phân bón sinh học Bio-plant và Pro-lant theo quy định cho 18 hộ sản xuất 4 lít phân sinh học Bio-plant, 3,2 lít phân sinh học Pro-plant.
- Kỹ thuật bón phân (tính cho 360m2):
+ Mỗi đợt sử dụng 5ml Bio-plant và 20ml Pro-plant pha với 20 lít nước phun đều trên tán lá của cây.
+ Phun đợt 1 sau khi gieo hạt: Pha 60ml Bio-plant pha với 20 lít nước, phun trực tiếp vào hàng đã gieo hạt.
+ Phun đợt 2 khi cây đậu có 2 - 3 lá thật; Phun đợt 3 khi cây đậu tương đã phân cành; Phun đợt 4 khi đậu tương đã hình thành quả, hạt.
- Chỉ tiêu sinh trưởng, tính chống chịu: Đậu tương sử dụng phân bón sinh học cây mọc đều hơn, khả năng phân cành tốt có 3 - 4 cành, quả ra tập trung, mật độ quả cao, có cây cao 55 - 60 quả; sâu bệnh ít hơn.
- Chỉ tiêu năng suất đậu tương ĐT22 vụ xuân 2006: Đậu tương ĐT22 sử dụng phân sinh học số quả và hạt đều tăng hơn so với đối chứng ( ĐT22, bón phân thường), năng suất tăng trung bình là 7%.
- Hiệu quả kinh tế: So sánh đầu tư kinh phí (tính cho 360m2) trồng đậu tương bón phân sinh học thấp hơn đối chứng là 13.471 đồng/1 sào, trong khi đó năng suất lại tăng hơn là 7%, tương ứng với 6,6 kg đậu/sào x 7.000 đồng/kg = 46.200 đồng. Như vậy, trừ chi phí tăng vẫn còn 42.600 đồng/sào (chưa tính tới giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật).
5. Kết quả thực hiện phân sinh học Bio-plant và Pro-plant cho mô hình sản xuất cây bắp cải, cây ớt vụ đông năm 2006.
Địa điểm áp dụng: Thực hiện tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tam Cường, xã An Đức, huyện Ninh Giang.
a. Mô hình cây bắp cải.
- Qui mô thực hiện: 2 ha, có 72 hộ nông dân tham gia.
- Đầu tư vật tư, phân bón (tính cho diện tích 360 m2): Phân chuồng 400 - 450 kg/sào; NPK 10 kg/sào.
Toàn bộ phân chuồng, phân NPK được bón lót trước khi trồng, sau khi trồng phun 3 đợt phân Bio-plant và Pro-plant theo đúng kỹ thuật.
- Chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và tính chống chịu:
Kết quả cho thấy, với diện tích bắp cải được phun phân bón lá sinh học phát triển tốt hơn, cây đồng đều hơn, ít sâu bệnh hơn.
Bắp cải có bón phân Bioplant và Proplant đạt 1.400 - 1.450 kg/sào. Năng suất cao hơn 10 - 12% so với đối chứng đạt 1.250 - 1.300 kg/sào. Hàm lượng nitơrat (NO3-) và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với bắp cải trồng bón phân hoá học.
b. Mô hình cây ớt.
- Qui mô trồng: 2 ha; số hộ tham gia thực hiện: 60 hộ.
- Thời vụ: Gieo hạt từ 25/8 - 30/8/2006.
- Kỹ thuật chăm sóc theo tài liệu hướng dẫn của Công ty NAB như sau:
+ Lượng phân dùng cho cây ớt tính cho diện tích 360 m2: Phân chuồng 400 - 500 kg, Phân NPK: 10 kg
+ Xử lý hạt giống trước khi gieo hạt bằng phân Bio - plant: 1cc Bio-plant pha với 4 lít nước ngâm hạt từ 5 - 10 giờ sau đó đem gieo.
+ Khi cây ớt có 2 - 3 lá thật thì phun Bio- Plan.
- Chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển: Cây ớt được sử dụng phân sinh học Bio-plant và Pro-plant cho thấy hạt sau khi gieo mọc đều hơn, cây ít bị bệnh nở cổ rễ hơn, cây sinh trưởng, phát triển đồng đều, số cành nhiều hơn, năng suất cao hơn từ 10 - 11%.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Từ năm 2007 phân bón vi sinh Bio-plant và Pro-plant đã được ứng dụng để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cây trồng tại nhiều địa phương thuộc huyện Gia Lộc và Thanh Miện đạt kết quả tốt.