Kết quả trình diễn giống Lúa ĐT 122 tại Hải Dương

ĐỀ TÀI KẾT QUẢ TRIỂN KHAI TRÌNH DIỄN SẢN XUẤT GIỐNG LÚA ĐT122 TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG VỤ XUÂN NĂM 2006  

Chủ nhiệm đề tài: KS. Hoàng Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm ng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn NAB (150 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội).

Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2006 đến tháng 2/2006.

Đề tài được tổng kết khi kết thúc.

I. MỤC TIÊU

- Tiếp thu qui trình kỹ thuật thâm canh giống lúa mới ĐT122 do Viện Di truyền nông nghiệp lai tạo, chọn lọc để xây dựng mô hình trình diễn tại Hải Dương phấn đấu đạt năng suất 60 - 65 tạ/ha/vụ.

- Hoàn thiện qui trình kỹ thuật để mở rộng sản xuất ở tỉnh Hải Dương khi đề tài kết thúc.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả thực hiện vụ xuân năm 2006.

- Qui mô, địa điểm thực hiện: Quy mô 5 ha. Trong đó xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn 2,5 ha; xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện 2,5 ha.

- Đầu tư hạt giống ĐT122 nguyên chủng là 415 kg, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) 207,5 kg; xã Ngũ Hùng huyện Thanh Miện 207,5 kg.

1.1. Các biện pháp kỹ thuật.

- Thời vụ:

+ Thời gian ngâm ủ hạt giống: 16/1/2006.

+ Thời vụ gieo mạ sân trên nền đất cứng: 22/1/2006.

+ Số lá đạt được khi đưa mạ đi cấy: 3,5 lá.

+ Thời vụ cấy: 8/2/2006.

- Chân đất gieo cấy và kỹ thuật làm đất: Tại chân đất cao, vàn, vàn thấp. Thành phần cơ giới đất thịt nhẹ đến thịt nặng. Đất cày bừa nhỏ, an phẳng, điều tiết mực nước 3 - 5 cm mới tiến hành cấy lúa.

- Đầu tư phân bón và kỹ thuật bón:

+ Lượng phân bón đầu tư cho 1 ha: Phân chuồng ủ mục 10 tấn; Đạm u rê 150 kg; Lân Supe 450 kg; Kali clorua 200 kg.

+ Kỹ thuật bón: bón lót toàn bộ phân hữu cơ, lân, 1/2 phân đạm urê, 1/2 kali.

+ Bón thúc đợt 1: 1/2 phân đạm u rê và 2/4 phân kali.

+ Bón thúc đợt 2: bón 1/4 phân kali.

- Kỹ thuật gieo cấy:

+ Cấy đúng tuổi mạ khi có 3,5 lá thật.

+ Cấy từ 2 - 3 dảnh/1 khóm, sâu 2 - 3 cm.

+ Mật độ cấy: 45 - 50 khóm/m2.

- Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh:

+ Nước tưới: Điều tiết đủ nước trên ruộng khi cấy ngập mặt ruộng 3 - 5 cm. Đảm bảo đủ nước khi lúa đẻ nhánh, kết thúc đẻ nhánh rút khô ruộng từ 5 - 7 ngày để bộ rễ lúa ăn sâu xuống đất để chống đổ ngã khi dông bão. Khi lúa làm đòng, trỗ bông tưới đủ nước.

+ Bón phân: Đợt 1 (từ 15-17/2/2006) bón thúc phân hoá học, phun thuốc phòng trừ bọ trĩ và sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn. Đợt 2 (từ 20 -24/3/2006) bón thúc phân kali, phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân, đạo ôn, khô vằn.

+ Phòng trừ sâu bệnh: Thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2006 phòng trừ sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu và bệnh khô vằn.

- Theo dõi sinh trưởng, phát triển:

Giống lúa ĐT122 lá có màu xanh nhạt, bản lá hẹp, lá xoè, có mùi thơm ngay từ giai đoạn cây mạ non; Đẻ nhánh tập trung, khoẻ và rộ nhất vào thời gian từ 15 - 20/2/2006; Chiều cao cây trung bình khi lúa đứng cái 68 cm; Chiều cao cây trung bình khi lúa trỗ bông 86 cm.

1.2. Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất.

- Số bông trung bình/m2: 300 bông; Số khóm trung bình/m2: 40 khóm, số bông trung bình/ khóm: 7,5 bông, số hạt chắc trung bình/bông: 105 hạt, khối lượng 1.000 hạt là 26 gam.

- Năng suất lý thuyết đạt 81, 90 tạ/ha. Năng suất thực tế 65, 52 tạ/ha/vụ.

2. Kết quả sản xuất vụ mùa năm 2006.

- Qui mô thực hiện: 5 ha.

- Địa điểm thực hiện: xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn và xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện.

- Số lượng hạt giống sử dụng: 425 kg (mỗi xã 212,5 kg).

Tỷ lệ nảy mầm đạt 75% do sử dụng hạt giống liền vụ (giống siêu nguyên chủng nhân trong vụ xuân 2006).

2.1. Các biện pháp kỹ thuật.

- Thời vụ hạt giống đem ngâm ủ 1/6/2006 gieo mạ non trên nền đất cứng vào 4/6/2006.

- Thời vụ cấy bằng mạ non: 15/6/2006 khi mạ có 3 lá thật, chỉ cấy trên ruộng cao, vàn để lúa không bị ngập úng.

- Lượng phân bón đầu tư cho 1 ha: Phân chuồng ủ mục 10 tấn, đạm Urê 150 kg, Supe lân 450 kg, Kali Clorua 200 kg. Cách bón như sau:

+ Bón toàn bộ phân chuồng, lân + 1/2 phân đạm + 1/4 phân Kali.

+ Bón thúc đợt 1: 1/2 phân đạm + 2/4 phân Kali.

+ Bón thúc đợt 2: Bón 1/4 phân Kali còn lại.

- Kỹ thuật cấy: Cấy khi mạ có 3 lá thật, cấy 2- 3 dảnh/khóm với độ sâu 1 - 2 cm, mật độ cấy 45 - 50 khóm/m2.

2.2. Chăm sóc phòng trừ sâu bệnh.

+ Nước tuới: điều tiết nước trên mặt ruộng khi cấy 3 - 5cm. Đảm bảo có đủ nước khi lúa đẻ nhánh, kết thúc đẻ nhánh rút nước để ruộng khô 5 - 7 ngày. Khi lúa làm đòng trỗ bông phải điều tiết nước vừa đủ.

+ Bón thúc, phòng trừ sâu bệnh: Bón thúc phân đợt 1 vào 22 - 25/6/2006 bằng phân đạm và phân Kali kết hợp phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ bằng các loại thuốc đặc hiệu. Bón thúc đợt 2 gọn trong tháng 7/2006 bằng phân Kali, kết hợp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn....

3. Theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển.

Giống lúa ĐT122 cấy trong vụ mùa lá xanh nhạt hơn vụ xuân, lá xoè, bản lá hẹp, lá có mùi thơm, đẻ nhánh tập trung rõ nhất trong tháng 7/2006.

Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất: Số bông trung bình 300 bông/m2, số khóm trung bình 40 khóm/m2, số bông trung bình 7,5 bông/khóm, số hạt chắc trung bình 102 hạt/bông, khối lượng 1000 hạt là 25 gam. Năng suất lý thuyết đạt 76,50 tạ/ha, năng suất thực tế đạt 61,20 ta/ha, giảm hơn vụ xuân 4,32 tạ/ha. Năng suất bình quân cả 2 vụ trong năm là 63,35 tạ/ha, đạt mục tiêu của đề tài.

4. Một số nhận xét bước đầu về giống lúa ĐT122.

- Giống ĐT122 là giống lúa thuần có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa vào gieo cấy trong vụ xuân muộn và vụ mùa sớm đạt kết quả tốt, được các hộ nông dân 2 huyện Kinh Môn và Thanh Miện tiếp thu nhanh chóng đưa vào cơ cấu sản xuất mùa vụ trong năm.

- Là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, đẻ nhánh khoẻ, tập trung trong thời gian ngắn, làm đòng trỗ bông gọn, chín tập trung, thích hợp cấy trà xuân muộn trong vụ xuân và trà mùa sớm trong vụ mùa nên tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích trồng vụ đông.

- ĐT122 cấy trên chân đất cao, vàn, vàn thấp đều sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất khá, đặc biệt trên chân đất cao trồng cây vụ đông. Lúa trỗ thoát, không bị bớt đầu bông, tỉ lệ hạt chắc cao. Hạt gạo dài, trong, có mùi thơm; khả năng kháng sâu bệnh khá.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Vụ xuân và mùa 2007 giống lúa ĐT122 đã được sản xuất mở rộng tại các huyện Kinh Môn và Thanh Miện đạt kết quả rất tốt.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây