Vụ xuân năm 2015, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học triển khai dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất lúa hàng hoá trên địa bàn tỉnh Hải Dương" với quy mô 100 ha. Dự án xây dựng mô hình sản xuất ba giống lúa là Nghi hương 2308, Nàng Xuân và Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, tại các xã Minh Đức (TỨ Kỳ), Hiệp Cát (Nam Sách), Hồng Thái (Ninh Giang), Hồng Khê (Bình Giàng) và Đoàn Kết (Thanh Miện).
Hầu hết các địa phương đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, trong đó các xã Đoàn Kết (Thanh Miện), Hồng Khê (BÌnh Giang), Minh Đức (Tứ Kỳ) xây dựng mô hình chỉ có 1 vùng. Qua theo dõi trên đồng ruộng cho thấy giống lúa lai Nghi Hương 2308, các giống lúa thuần Nàng Xuân, Bắc thơm số 7 KBL trong điều kiện thời tiết vụ chiêm xuân 2015 khả năng sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung. Khả năng chống chịu của giống lúa lai và các giống lúa thuần trong mô hình tốt nhiễm nhẹ đối với bệnh đạo ôn, khô vằn. Trong đó, giống lúa lai Nghi Hương 2308 khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nhất; các giống lúa thuần Nàng Xuân và Bắc thơm số 7 KBL ở mô hình gieo vãi bị bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá gây hại nặng hơn ở điểm 1-2. Trong điều kiện vụ chiêm xuân 2015 it mưa và mưa nhỏ nên đến nay các giống đều không bị đổ.
Về năng suất, qua theo dõi cho thấy giống Nghi Hương 2308 đạt năng suất lý thuyết, năng suất thực thu (dự kiến) cao, đạt 79,28 tạ/ha (tương đương 2,85 tạ/sào). Các giống lúa thuần có năng suất lý thuyết và năng suất thực thu (dự kiến) ở giống lúa Nàng Xuân: 51,76-54,45 tạ/ha (tương đương 1,86- 1,96 tạ/ sào); Bắc thơm số 7 KBL: 51,13tạ/ha (tương đương 1,84 tạ/ sào). Bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế giống lúa lai Nghi Hương 2308 tại các cơ sở đạt 32.150.000 đ/ha. Năng suất của các giống lúa thuần trong dự án triển khai năng suất thấp hơn so với giống lúa lai nên hiệu quả kinh tế chỉ đạt 22.443.000-24.918.000đ/ha với giống lúa Nàng Xuân, đạt 23.286.000 đ/ha với giống lúa Bắc thơm số 7 KBL.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Miện, những năm trước giống lúa Nàng Xuân chỉ có diện tích nhỏ lẻ, tự phát. Song đến năm nay, có thôn đã mở rộng diện tích lên đến 20 ha, đã khẳng định ưu thế và hiệu quả của giống lúa này. Năm nay mặc dù thời tiết bất thuận nhưng lúa Nàng xuân không bị lép, không bị bớt đầu, thể hiện khả năng chống chịu sâu bệnh tốt của Nàng xuân.
Tại xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, vụ xuân năm 2015, HTX DVNN thực hiện mô hình gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá với diện tích 20 ha. So với giống lúa Bắc thơm số 7, giống lúa kháng bạc lá đã giảm được tỷ lệ nhiễm khuẩn, cháy đầu lá, năng suất lúa đạt 2,1-2,2 tạ/sào, cao hơn so với giống cũ (chỉ đạt 1,7-1,8 tạ/sào).
Bên cạnh đó, giống lúa lai Nghi hương 2308 cũng chiếm được cảm tình của nông dân nhờ năng suất vượt trội. Ông Bùi Xuân Hiến, chủ nhiệm HTXDVNN Hiệp Cát (Nam Sách) đánh giá, 10ha lúa Nghi hương 2308 tại xã Hiệp Cát đều có khả năng chống đổ khá, trỗ bông tập trung hơn so với các giống lúa lai khác, cho năng suất từ trung bình từ 2,5-2,7 tạ/sào, có hộ đạt 3 tạ/sào.
Kết quả trên đã khẳng định những ưu thế của các giống lúa hàng hóa do Dự án lựa chọn để xây dựng mô hình. Đây là ba giống lúa năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa tại các xã xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo mở rộng các mô hình ra sản xuất đại trà. Ngoài ra, nông dân cần đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyên