Thực hiện đề tài: Sưu tầm, tuyển chọn, xây dựng mô hình duy trì, lưu giữ và phát triển hoa lan trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong năm 2014, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương đã tiếp nhận và ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm lưu giữ và nhân giống hoa lan Ngọc Điểm (Đai châu), lan Phi Điệp (Giả hạc) và lan Dendrobium lai tạo.
Trung tâm đã sửa chữa, cải tạo nhà lưới có khung treo nhiều tầng, mái che và lưới cắt giảm ánh sáng di động, hệ thống phun mưa giữ ẩm với diện tích 250 m2.. Sưu tầm, tuyển chọn, lưu giữ một số giống lan quý và có giá trị caonhư: lan Đai Châu(Rhynchostylis gigantea); lan Hoàng Hậu (Cattleya), lan Giáng Hương(Aerides), lan Phi Điệp (Giả Hạc), lan Thủy Tiên (lan Kiều), lan Dendrobium công nghiệpmỗi loại 10 giò. Trung tâm cũng đã thực hiện nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật lan Đai Châu, lan Dendrobium lai tạo, lan Phi Điệp từ 100 đến 200 bình. Xây dựng mô hình sản xuất lan thương phẩmvới quy mô 3000 cây gồm: Lan Đai Châu, Lan Hoàng Hậu (Cát lan), Lan Dendrobium công nghiệp, Lan Phi Điệp với số lượng 1.000 cây.
Kết quả thực hiện đề tài cho thấy: Tỷ lệ sống của các giống lan ngoài vườn ươm tương đối cao: Lan Đai Châu (96%), Lan Phi Điệp (93,9%), lan Dendrobium (82,8%). Với điều kiện nuôi cấy nuôi cấy trong điều kiện có cường độ chiếu sáng 2000 lux trên nền môi trường VW, các giống lan phát triển khỏe mạnh, thân mập; trong đó lan Phi Điệp có tốc độ tăng trưởng chiều cao thân nhanh nhất, tiếp đến là lan Dendrobium và thấp nhất là lan Đai Châu.
Kết quả thực hiện đề tài là cơ sở để Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học bảo tồn nguồn gen và sản xuất một số lượng sản phẩm hoa khá lớn với chuỗi sản phẩm: Bình giống gốc Protocom, cây con, cây nhỡ và cây trưởng thành đáp ứng nhu cầu của thị trường hoa, cây cảnh của tỉnh Hải Dương.
Anh Nguyên