Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Phạm Văn Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì và thực hiện: Công an tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2001.
Đề tài được tổng kết.
I . MỤC TIÊU
Đánh giá đúng thực trạng, hoạt động kinh tế của các Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty cổ phần (CP), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 1991 - tháng 6/2001. Tổng hợp và đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng cảnh sát kinh tế (CSKT) đối với tội phạm kinh tế trong lĩnh vực này.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN từ năm 1991 đến tháng 6/2001.
Thực trạng hoạt động kinh tế của các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN từ khi Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực ngày 31/12/1997 đến tháng 6/2001: tỉnh Hải Dương có 318 doanh nghiệp (Công ty TNHH: 135, Công ty CP: 12, DNTN: 171). Tổng số vốn pháp định là 270.278,4 triệu đồng. UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định thành lập, cấp giấy phép kinh doanh cho 243 Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN (Công ty TNHH: 145, Công ty CP: 1, DNTN: 87). Tổng số vốn pháp định là 88.408.133.000 đồng bằng 23,3% tổng số vốn đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp do địa phương quản lý. So với năm 1997 tăng 75 doanh nghiệp.
Các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN nêu trên thường tập trung chủ yếu ở thành phố Hải Dương là 165 doanh nghiệp, huyện Kinh Môn là 21 doanh nghiệp, huyện Chí Linh là 26 doanh nghiệp, số còn lại nằm rải rác ở các huyện trong tỉnh.
Kết quả khảo sát cho thấy trong quá trình sản xuất kinh doanh, số Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN làm ăn có hiệu quả mới đạt khoảng 70%, số còn lại 30% làm ăn kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, phải giải thể, bị thu hồi giấy phép hoạt động. Một số ít đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động hoặc lợi dụng danh nghĩa Công ty TNHH, DNTN để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như chiếm đoạt đất đai, hoạt động để ngoài hệ thống sổ sách kê toán thống kê nhằm mục đích trốn thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Tính từ năm 1991 đến tháng 6/2001 đã có 121 Công ty TNHH, DNTN bị thu hồi giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh, trong đó Công ty TNHH: 66, Công ty CP: 1, DNTN: 54. Trong số này khối thương mại - dịch vụ chiếm tỷ lệ cao so với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
2. Tình hình tội phạm trong các doanh nghiệp, Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN từ năm 1991 đến tháng 6/2001.
Theo số liệu khảo sát thực tế từ năm 1991 đến tháng 6/2001 đã phát hiện điều tra xác minh 34 vụ án kinh tế trong các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN gây thiệt hại 54.343 triệu đồng. Điển hình như năm 2000 xẩy ra 22 vụ, chủ yếu là các tội lừa đảo, buôn lậu, trốn thuế lớn gây thất thoát lớn về tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên số vụ phát hiện còn thấp so với tình hình thực tế xẩy ra.
3. Đánh giá kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương đối với loại tội phạm trong các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN từ năm 1991 đến tháng 6/2001.
Từ năm 1991 đến tháng 6/2001, lực lượng CSKT từ cấp tỉnh đến cấp huyện (được sắp xếp bố trí theo mô hình chung của Bộ Công an), bằng sự nỗ lực, trách nhiệm kết hợp vận dụng linh hoạt các biện pháp trinh sát (sử dụng đặc tình, cơ sở bí mật...) với các biện pháp công khai cán bộ, chiến sỹ công an đã làm rõ được hành vi phạm tội của đối tượng, phát hiện và điều tra xác minh được 34 vụ án xẩy ra trong các Công ty TNHH, DNTN để đưa ra truy tố trước pháp luật.
4. Những giải pháp của lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh.
4.1. Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Đảm bảo hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế trong và ngoài quốc doanh là một yêu cầu khách quan. Nhà nước tôn trọng nguyên tắc và cơ chế hoạt động khách quan của thị trường, không can thiệp vào thị trường: tạo môi trường pháp lý và kinh tế cho các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN hoạt động năng động, hiệu quả, có trật tự, kỷ cương, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công khai, minh bạch, điều tiết hoạt động và phân phối bình đẳng bằng cách thông qua việc sử dụng các công cụ ngân sách, thuế, tín dụng...; Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo đúng chính sách, pháp luật.
Để thực hiện được những điều đó trước tiên là đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật Nhà nước. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải luôn phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong nắm tình hình, tìm ra, phát hiện và xử lý tội phạm. Đồng thời phải có một cơ chế rõ ràng, thực hiện đúng quy chế dân chủ của Chính phủ, giảm tối đa các hoạt động kiểm tra không cần thiết, chồng chéo, trùng dẫm, gây phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN.
4.2. Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong Công ty TNHH, Công ty CP và DNTN.
- Cơ cấu tổ chức hợp lý đủ sức đáp ứng yêu cầu phòng và chống tội phạm kinh tế nói chung trong đó có tội phạm kinh tế ngoài quốc doanh nói riêng. Đối với phòng CSKT bố trí từ 30-35 cán bộ chiến sỹ, trong đó đội kinh tế ngoài quốc doanh từ 3 - 5 đồng chí; cấp Công an huyện, thành phố bố trí 1 đội CSKT từ 3 - 5 đồng chí.
- Căn cứ vào đặc điểm loại hình doanh nghiệp, quy mô hoạt động lớn hay nhỏ, phức tạp hay ít phức tạp để phân cấp quản lý địa bàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho phù hợp. Doanh nghiệp có trụ sở chính ở địa phương nào thì lực lượng CSKT ở địa phương đó chịu trách nhiệm quản lý địa bàn, mở hồ sơ điều tra cơ bản. Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở kinh doanh ở địa phương khác thì CSKT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính phải chủ động thông báo và phối hợp với CSKT nơi doanh nghiệp đó đặt chi nhánh để nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Riêng lực lượng CSKT cấp tỉnh nên tập trung vào các doanh nghiệp được xác định là trọng điểm, hoạt động liên quan đến nước ngoài, vốn lớn, nghề nghiệp phức tạp. Khi mở hồ sơ điều tra cơ bản phải thông báo thống nhất với CSKT cấp huyện, thành phố để tránh trùng dẫm, chồng chéo.
- Việc phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa CSKT và An ninh kinh tế được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về phân công phối hợp giữa an ninh kinh tế và CSKT trong công tác đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn.
- Nâng cao trình độ, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ CSKT.
4.3. Nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng CSKT.
- Chấn chỉnh công tác sưu tra, xác minh hiềm nghi. Quá trình tiến hành sưu tra, nắm tình hình về các doanh nghiệp cần sử dụng tối đa các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính.
- Tăng cường công tác xây dựng và sử dụng màng lưới bí mật.
- Đẩy mạnh công tác đấu tranh chuyên án điều tra, làm rõ, xử lý tội phạm.
- Kết thúc điều tra vụ án, lực lượng trinh sát phải tổ chức rút kinh nghiệm quá trình tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, chiến thuật điều tra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng. Đồng thời xác định những sơ hở, thiếu sót trong các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước, trong quá trình thực hiện của các cơ quan chức năng đề xuất, kiến nghị biện pháp khắc phục góp phần loại trừ nguyên nhân, điều kiện của tội phạm.
- Xây dựng tư cách của người công an xã hội chủ nghĩa: Một vấn đề không kém phần quan trọng cần chú ý trong quá trình điều tra vụ án kinh tế xẩy ra ở trong các Công ty TNHH, Công ty CP, DNTN là đối tượng phạm tội thường tìm cách mua chuộc cán bộ thụ lý vụ án. Do vậy, kế hoạch điều tra của cán bộ CSKT phải chặt chẽ, tỷ mỷ, dự kiến được những tình huống nghiệp vụ của trinh sát trong chuyên án phải được báo cáo bằng văn bản và phải được lãnh đạo phê duyệt. Công tác phát hiện và điều tra khám phá tội phạm phải tập trung vào những vụ lớn, điều tra xử lý để răn đe tội phạm, rút ra những kinh nghiệm để chủ động phòng ngừa, tấn công tội phạm.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Giúp cho Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác lãnh đạo, quản lý chỉ đạo các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh;
- Giúp cho lực lượng công an, theo dõi, nắm tình hình và giúp các giám đốc doanh nghiệp tổ chức quản lý, phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, chống các biểu hiện tiêu cực ở các cơ quan, xí nghiệp;
- Giúp các doanh nghiệp xây dựng được cơ chế quản lý và lề lối làm việc, hạn chế, ngăn ngừa các loại tội phạm.