Văn bia Hải Dương

ĐỀ TÀI VĂN BIA HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Tăng Bá Hoành, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 02/2001 đến tháng 12/2002.

Kết quả nghiệm, xếp loại: Khá.

I. MỤC TIÊU

Khảo sát, nghiên cứu, thống kê phân loại và từng bước dịch những văn bia tiêu biểu làm cơ sở cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương cũng như đất nước, góp phần tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đề tài đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực trạng về văn bia tỉnh Hải Dương, thu thập phân tích 36 văn bia ở các di tích: chùa, đền, đình, nhà thờ họ, mộ chí, tháp sư, hang động, văn miếu, văn chỉ, cầu. Các văn bia tiêu biểu đã được thống kê ở tỉnh Hải Dương gồm:

1. Sùng Thiên tự bi là tấm bia cổ nhất còn lại trên đất Hải Dương, cao 146 cm, rộng 86 cm, dầy 17 cm đặt trên lưng rùa, chân bia có hình sóng nước, hình núi, một đặc điểm của bia Lý - Trần. Bia được làm bằng đá xanh, khắc dựng năm Khai Hựu thứ 3 (năm 1331), đến năm Thiệu Phong thứ 2 được khắc tiếp phần ruộng đất đặt tại chùa Sùng Thiên, giữa cánh đồng thôn Thị Đức, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc ngày nay.

2. Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) đặt trước chùa Thanh Mai, nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh nói về tiểu sử Pháp Loa đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam và việc xây dựng tháp Viên Thông. Bia cao 131 cm, rộng 82cm, dầy 14cm đặt trên một con rùa dài 140cm. Chân bia có sóng nước hình núi, một đặc điểm của bia thời Trần.

3. Thanh Hư động - Côn Sơn Tư Phúc tự bi đặt ở trước Thanh Hư Động nay di về trước sân chùa Côn Sơn, thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh. Bia cao 163cm, rộng 92 cm dầy 17cm đặt trên lưng rùa. Văn bia cho biết Côn Sơn là chốn Phật tổ. Bia ghi lại kỷ niệm sâu sắc về những năm cuối đời của Trần Nguyên Đán vào thế kỷ XIV.

4. Côn Sơn Tư Phúc tự bi là bia chùa Tư Phúc Côn Sơn, dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1607). Bia có 6 mặt, cao 180cm, mỗi mặt bên rộng 32 cm, khắc khoảng 3.200 chữ. Đây là tấm bia Bác Hồ đọc ngày 15/2/1965 khi Người về thăm Côn Sơn. Nội dung bia ca ngợi nhà sư Mai Trí Bản có công lớn trong việc tu tạo chùa và ghi khá chi tiết những cá nhân, tập thể tham gia tôn tạo chùa Côn Sơn.

5. Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự là bia chùa Côn Sơn, nhưng trong bia tên chùa thêm chữ Thiên. Bia dựng năm Hoàng Định thứ 15 (1614), kiểu Long đình, cao 75 cm rộng 40 cm, dầy 28,5 cm, khắc 4 mặt khoảng 900 chữ. Nội dung ghi lệnh dụ của Chúa Trịnh Tráng về việc cho thôn Chúc Đình, xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn làm tạo lệ chùa Côn Sơn. Phần dưới ghi văn bản của vua Trần Nhân Tông về cấp người phục vụ và vàng bạc cho chùa để gìn giữ di tích. Cuối bia ghi tên người công đức cho chùa.

6. Đông Dương tự bi là bia lớn, điêu khắc đẹp vào loại nhất của tỉnh, dựng năm Đức Long thứ 4 (1632) tại khu đền chùa thôn Đoàn Xá, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ. Bia cao 192 cm, rộng 133 cm, dầy 26 cm. Nội dung bia ca ngợi công trạng Nguyễn Thế Mỹ tự Vạn Phúc, người bản xã, là lực sĩ, từng giữ chức Nội giám, Đô sát, Tổng Thái giám có nhiều công trạng với triều đình Lê - Trịnh.

7. Lưu truyền phụng tự Trọng tướng bi minh. Bia lưu truyền việc thờ phụng trọng tướng Đinh Văn Tả, thuộc phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, năm 1990 được chuyển về Bảo tàng tỉnh. Bia cao 113cm, rộng 80cm, dầy 17,5cm, khắc dựng năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), bia có khoảng 1.500 chữ. Nội dung ca ngợi công đức của tướng quân Đinh Văn Tả cùng chính thất Nguyễn Thị Thân và thứ thất Nguyễn Thị Ngọc Huống, phần còn lại ghi ruộng đất của gia đình cấp cho một số người cầy cấy để thờ phụng vợ chồng tướng quân.

8. Công thần điền tư thổ bi minh lưu truyền là bia kiểu long đình cao 210cm, 4 mặt rộng 78-75 cm dựng trước lăng trọng tướng Đinh Văn Tả tại phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, dựng năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), khắc 4 mặt khoảng 4.300 chữ văn bia gồm Tiểu sử Đinh Văn Tả và ruộng đất.

9. Chiêu Nghi tự sự bi ký là bia ghi việc thờ tự bà Chiêu Nghi tại Lăng Chiêu Nghi Đặng Thị Cúc, tại thôn Ổi Lỗi, xã Hoa Xá, huyện Gia Phúc, nay thuộc xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc. Bia kiểu Long đình, cao 157cm, 4 mặt mỗi mặt rộng 137cm x 75cm, dựng năm Đức Nguyên thứ 2 (1675).

10. Kiến khai Cửu phẩm liên hoa bi ký là bia vuông kiểu Long đình ghi việc xây dựng Cửu phẩm liên hoa, dựng tại chùa Đồng Ngọ xã Cập Nhất, nay thuộc xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà vào năm Chính Hoà thứ 13 (1692). Bia cao 110 cm, các mặt rộng 48 cm. Văn bia được khắc 4 mặt với 3.700 chữ, nội dung ca ngợi thắng cảnh chùa Động Ngọ.

11. Sùng Ân tự bi ký là tấm bia dựng trước chùa Sùng Ân, xã Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, nay thuộc xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang. Bia trán dẹt cao 89 cm, rộng 50 cm, dầy 15 cm, dựng tháng 12 năm Chính Hoà 19 (1698). Văn bia khoảng 700 chữ, nội dung ghi tên những người công đức xây dựng chùa.

12. Bia tháp Phổ Quang gắn trên tháp Phổ Quang trước chùa Thanh Mai nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh cao 84 cm, rộng 53 cm, dầy 15 cm, dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702), khoảng 900 chữ. Văn bia ghi tiểu sử Tuệ Mệnh hoà thượng, hộ quốc thiền sư họ Nguyễn, quê tại xã Cam Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, nay thuộc xã Hồng Khê, huyện Bình Giang.

13. Văn bia Chùa Nghiêm Quang xã An Tràng, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, nay đã được chuyển về xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Chùa Nghiêm Quang từ thời Trần, Đại danh y Tuệ Tĩnh thiền sư từng chủ trì và làm thuốc chữa bệnh tại đây. Bia dựng tháng 3 năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cao 96 cm, rộng 49 cm, dầy 16 cm, có khảng 1.900 chữ. Văn bia ghi việc 3 gia đình ở An Tràng xuất tiền đúc tượng A di đà. Cuối văn bia có bài minh và họ tên những người tham gia công đức.

14. Bia Tân tạo tiền đường, thượng các Khánh Linh tự bi ký dựng trước chùa Khánh Linh, thôn Mẫu (Mũ), xã Tứ Kỳ Hạ, huyện Tứ Kỳ, nay thuộc xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, cao 121 cm, rộng 70 cm, dầy 19 cm. Văn bia khoảng 2.100 chữ, khắc dựng xong vào tháng 9 năm Chính Hoà thứ 25 (1704). Văn bia ghi cảnh đẹp của chùa, việc làm mới tiền đường, cuối bia có bài minh và họ tên những người công đức.

15. Bia Trùng quang tập kỷ ghi lại quá trình trùng tu tôn tạo chùa Thanh Mai vào thế kỷ XVII dựng ở bên phải trước sân chùa, trán dẹt cao 110 cm, rộng 49 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt, khoảng 1.000 chữ, dựng xong tháng 9 năm Đinh Hợi (Vĩnh Thịnh-1707).

16. Hành dịch đăng gia sơn là một tấm bia ghi lại một bài thơ của Phạm Sư Mạnh (dân gian quen gọi là Mệnh) bên vách trái Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn. Thợ đá khắc theo bài thơ của Phạm Sư Mệnh viết trực tiếp vào vách núi ngày 5 tháng 9 năm 1369.

17. Hoàng Việt Kinh Bắc thừa ty lại phụ Phạm Thị chi mộ là tấm bia mộ chí của bà Phạm Thị Thế, quê tại làng Bất Nạo, nay thuộc xã Kim Anh, huyện Kim Thành. Văn bia khắc vào năm Cảnh Thống thứ 5 (1502). Bia là một khối hộp chữ nhật kích thước khoảng 60 cm x 40 cm x 15 cm, nội dung tự sự sâu sắc và cảm động.

18. Tô quận công thần đạo bi minh là tấm bia ca ngợi công đức của Lê Quang Bí (1504-1566) đặt tại nhà thờ họ Lê, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, cao 121cm, rộng 68 cm, dầy 17 cm khắc hai mặt khoảng 1.900 chữ. Nội dung văn bia nói về tiểu sử Lê Quang Bí và ruộng đất thế nghiệp của ông.

19. Tiểu tông thế khoa đường ký là bia của một chi họ Vũ Mộ Trạch, tổ chi là cụ Vũ Bạt Tuỵ. Bia dựng tại nhà thờ Thế Khoa, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang cao 113 cm, rộng 73 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt ngót 2000 chữ. Bia ca ngợi chi thứ họ Vũ Mộ Trạch nhiều người đỗ đại khoa, làm quan lớn trong triều và hiển đạt.

20. Bia xã Đỗ Xá ghi việc cần biết về tranh chấp cổ tích đã được xử lý dứt điểm theo pháp luật. Bia hình trụ, khắc 6 mặt, cao 135 cm, chiều rộng các mặt 36 - 40 cm trước nghè thôn Đỗ Xã, xã Hoàng Tiến, huyện Chí Linh. Khắc dựng năm Khánh Đức thứ 4 (1652), khoảng 3.000 chữ trong đó có gần 50 chữ đã bị mòn, mờ.

21. Đồng tri phủ chính thất Phạm thị chi mộ chí là bia dựng kiểu Long đình cao 205,4 cm, rộng từ 62 - 63 cm được khắc dựng năm Vĩnh trị thứ 4 (1679) trước lăng Phạm Thị tại xã An Tân, huyện Gia Phúc, nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Lộc.

22. Hậu thần nhị vị bi ký là bia dựng tại nhà thợ họ Phạm, xã Bồ Dương, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang. Bia trán dẹt cao 120 cm, rộng 80 cm, dầy 17 cm. Bia 2 mặt khắc khoảng 3.400 chữ ghi tiểu sử Phạm tướng công huý Vinh tự Đức Uy quê làng Bồ Dương, huyện Vĩnh Lại.

23. Khánh Đức Nham sơn Hàm Long tự tạo lập bi ký là bia kiểu Long đình, cao 130 cm, rộng 72 cm, dầy 42 cm dựng trước động Hàm Long, xã Minh Tân, huyện Kinh Môn. Bia khắc 4 mặt, khoảng 4.200 chữ dựng vào mùa đông năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Nội dung nói về việc xây dựng, tôn tạo chùa và bài minh tả cảnh đẹp động Hàm Long.

24. Trùng tu Trúc Lâm Đệ nhị tổ tháp bi là bia gắn trên tháp Viên Thông, phía sau chùa Thanh Mai, xã Đỗ Xá, huyện Phượng Nhãn, nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, có kích thước 74 cm x 74 cm x 15 cm. Bia có khoảng 1.600 chữ, dựng tháng 9 năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718).

25. Sái phụ Nguyễn Thị Trị sản chí phú tự sự bi ký là bia kiểu Long đình, cao 155 cm, 4 mặt rộng như nhau (64 cm) ghi tiểu sử và tài sản của bà Nguyễn Thị Trị vợ Sái công. Bia khoảng 2.300 chữ, dựng xong vào tháng 4 năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720).

26. Hậu thần bi ký là bia kiểu Long đình, cao 115 cm, các mặt bên rộng từ 53 - 55 cm dựng tại bên phải hậu cung đình làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang ca ngợi bà Nhữ Thị Nhuận là di duệ Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Văn bia có khoảng 1.500 chữ.

27. Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo là bia hình chữ nhật cao 200 cm, rộng 117 cm, dầy 20 cm dựng tại cánh đồng Tràng bên phải Văn miếu hàng tỉnh, thuộc xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Văn bia khoảng 570 chữ ca ngợi chế độ giáo dục thời Quang Trung, thống nhất Bắc Hà. Văn bia Tân Dậu là một cơ sở khoa học cho việc trùng tu văn miếu.

28. Chí Linh bát cổ dựng tại Văn chỉ phủ Nam Sách, nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách. Bia kiểu Long đình cao 180cm các mặt bên rộng từ 50 - 65 cm, khắc 4 mặt, khoảng 3000 chữ, không ghi tên tác giả. Văn bia gồm 9 bài thơ, một bài tựa về bát cổ của Chí Linh.

29. Trùng tu Minh Khánh tự bi ký là bia trán dẹt cao 170 cm, rộng 90 cm, dầy 18 cm khắc hai mặt khoảng 4.200 chữ, dựng bên phải chùa Minh Khánh thuộc thị trấn Thanh Hà hoàn thành mùa thu năm Quý Mão (1843).

30. Đường An Văn chỉ bi - Lịch đại tiên hiền ký là bia trán dẹt, cao 180 cm, rộng 60 cm, dầy 18 cm, khắc 2 mặt, khoảng 2.000 chữ, dựng mùa hạ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), tại Văn chỉ huyện Đường An, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang. Bia là tư liệu quý để nghiên cứu các vị đỗ đại khoa của huyện Bình Giang và tỉnh Hải Dương.

31. Mã kiều bi ký là bia trán dẹt, cao 134 cm, rộng 65 cm, dầy 18 cm dựng trước chùa Đông Dương, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, khoảng 650 chữ, hoàn thành tháng 9 năm Tự Đức thứ 8 (1855). Văn bia ghi tác dụng của cầu và phía cuối có bài minh ca ngợi người bắc cầu Đoàn Xá.

32. Chu Văn An hành trạng là bia trán dẹt cao 100 cm, rộng 52 cm, dầy 16 cm, khắc 2 mặt, khoảng trên 1.200 chữ dựng bên phải đền Phượng Hoàng, trên núi Phượng nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh được hoàn thành xong tháng 5 năm Tự Đức thứ 10 (1857). Bia Chu Văn An hành trạng là tư liệu quý để nghiên cứu tiểu sử danh nhân và di tích Phượng Hoàng.

33. Vạn Yên - Dược Sơn linh từ bi ký là bia trán dẹt cao 132 cm, rộng 92 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt khoảng 750 chữ dựng trong tường ngăn bên trái đền Kiếp Bạc. Văn bia nói sơ lược lịch sử Đền Kiếp Bạc và việc đại tu đền từ năm Bính Tỵ (1876) đến năm Kỷ Mão (1879).

34. Hương Đạo vương từ bi ký là bia trán dẹt, cao 143 cm, rộng 90 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt, khoảng 1.500 chữ dựng trong tường ngăn bên phải đền Kiếp Bạc, hoàn thành rằm tháng 8 năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái (1895). Văn bia ghi lại công trạng của Trần Hưng Đạo, cảnh đẹp Kiếp Bạc và sơ lược việc trung tu đền Kiếp Bạc.

35. Bia đền Kiếp Bạc (vô đề) là bia trán dẹt cao 145 cm, rộng 83 cm, dầy 17 cm, khắc hai mặt, khoảng 1.100 chữ, dựng trong tường nằm bên trái đền Kiếp Bạc, hoàn thành tháng 10 năm Khải Định thứ 6 (1921). Bia không trang trí, nội dung cho biết vài nét về lịch sử di tích và quá trình trùng tu vào thời Khải Định.

36. Hải Dương Chí tri hội là bia dựng bên gốc đa phía trái cổng trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự, phố Nguyễn Văn Tố, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương khắc xong trung tuần tháng 5 năm Khải Định thứ 9 (1924). Bia Hội Chí tri là một tư liệu quý để nghiên cứu về giáo dục và lịch sử thành phố Hải Dương đầu thế kỷ XX.

II. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đây là tài liệu gốc để nghiên cứu lịch sử, văn hoá của Hải Dương dưới thời đại phong kiến trước mắt và lâu dài.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây