Chủ nhiệm đề tài: Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Ban Dân vận Tỉnh uỷ Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 1999 - 2000.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.
I. MỤC TIÊU
Xác định thực trạng, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình thực hiện liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ở tỉnh Hải Dương trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng cường, củng cố liên minh công - nông - trí thức.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng về liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ở tỉnh Hải Dương.
1.1. Thực trạng giai cấp công nhân.
- Đội ngũ công nhân Hải Dương đã thể hiện bản lĩnh của mình: vững vàng về chính trị tư tưởng, ý thức được vai trò lãnh đạo của Đảng, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chủ động khắc phục khó khăn, ra sức phấn đấu góp phần cùng nhân dân trong tỉnh tạo nên những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đội ngũ công nhân và công tác xây dựng đội ngũ công nhân Hải Dương còn bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải nhanh chóng khắc phục.
- Hàng năm ngành công nghiệp Hải Dương đã đóng góp gần 60% số thu ngân sách của tỉnh. Trong số thu trên chủ yếu là thu từ công nghiệp Trung ương. Công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng nhỏ, vốn ít, điểm xuất phát thấp, trang bị kỹ thuật, công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu nên chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Những năm gần đây khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã được chú ý phát triển nhưng chưa rộng, khối lượng vốn đầu tư thấp. Việc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần đang điều chỉnh, thu hẹp hoặc chuyển hướng sản xuất kinh doanh để cạnh tranh và sàng lọc lao động,... là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp có chiều hướng gia tăng.
- Khi khảo sát nghiên cứu bằng điều tra xã hội học vào tháng 8/1999 ở 500 công nhân thuộc một số doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp liên doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy, tâm trạng của công nhân phản ánh một số khó khăn vướng mắc như vấn đề công bằng xã hội có 53,2% công nhân được hỏi cho đó là một trong những khó khăn, vướng mắc chủ yếu cần được giải quyết. Phân hoá giàu nghèo trong giai cấp công nhân cũng ngày càng rõ.
Việc học hành của con em các công nhân cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc. Nhìn vào việc làm, thu nhập của phần lớn công nhân lao động cũng đã thấy gánh nặng của họ trong việc nuôi con ăn học.
1.2. Thực trạng giai cấp nông dân.
- Đời sống giai cấp nông dân được cải thiện, tăng số hộ giầu, giảm tỷ lệ hộ nghèo, không còn hộ đói. Số hộ có điện sinh hoạt trên 90%, dùng nước hợp vệ sinh từ 50% năm 1997 lên 63% năm 2000.
- Qua khảo sát tháng 8/1999, có 7,2% số nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật nông nghiệp, 11% có trình độ sơ, trung cấp; 1,8% có trình độ đại học, cao đẳng (chủ yếu là học tại chức); 79,2% nông dân sinh hoạt trong tổ chức Hội nông dân Việt Nam, 58,6% tham gia trong các hợp tác xã, 2,02% nông dân sinh hoạt trong tổ chức Đảng. Trong xã hội nông thôn hiện nay có khoảng 3,41% số cán bộ hưu trí Nhà nước, 8,99% số hộ phi nông nghiệp, 17,4% có vợ (chồng) hoặc con là công nhân, cán bộ thoát ly.
- Theo kết quả điều tra xã hội học (8/1999) có 81,8% người trả lời cho rằng tiêu thụ sản phẩm là vấn đề khó khăn, vướng mắc hàng đầu của nông dân hiện nay; 73,0% số người được hỏi cho rằng việc khám chữa bệnh là một trong những khó khăn vướng mắc chủ yếu mà nông dân đã và đang gặp phải; 61,4% số nông dân được hỏi cũng nhận xét thầy thuốc và bệnh viện đối với nông dân chưa tốt.
- Chính sách ruộng đất, hay nói đầy đủ hơn là vấn đề ruộng đất của nông dân cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc lớn. Có 69,6% số nông dân được hỏi ghi nhận diện tích đất canh tác bình quân đầu người quá thấp lại phân tán manh mún.
- Một trong những khó khăn, vướng mắc không chỉ của nông dân mà của cả công nhân và trí thức là vấn đề công bằng xã hội. Đã có 54,2% số nông dân được hỏi (8/1999) xác định điều này. Nhiều nông dân được hỏi (51,4%) cũng coi việc học hành của con em là một trong những khó khăn, vướng mắc chủ yếu của nông dân.
1.3. Thực trạng đội ngũ trí thức.
- Đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương về số lượng còn ít (chiếm 1,37% dân số) thiếu cán bộ khoa học có trình độ cao, thạo công nghệ, giỏi quản lý, am hiểu thị trường. Lực lượng tri thức phân bố không đồng đều. Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học chỉ chiếm 4,2%. Đội ngũ trí thức thành thạo về ngoại ngữ, tin học còn chiếm tỷ lệ thấp (15%).
- Tuy số lượng ít, tỷ lệ nhỏ nhưng trí thức đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham gia hoạch định chính sách, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đông đảo nhất là đội ngũ trí thức làm việc ở các ngành giáo dục - đào tạo, y tế trực tiếp phục vụ nhân dân mà chủ yếu là công - nông.
- Đội ngũ tri thức là lực lượng tích cực trong việc đấu tranh phê phán các tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, cơ hội. Những tệ nạn này làm cho công bằng xã hội ngay trong đội ngũ trí thức cũng bị vi phạm. Một số trí thức chân chính và tài năng chưa được đánh giá đúng, sử dụng hợp lý, phát huy vai trò, đãi ngộ không thoả đáng. Bên cạnh đó có một bộ phận năng lực hạn chế, nhân cách kém, cơ hội lại được xếp đặt vào những vị trí quan trọng, có thu nhập cao.
- Việc học hành của con em trí thức có điều kiện thuận lợi hơn con em công - nông. Thực tế cho thấy việc học tập của con em trí thức ở các bậc học phổ thông gặp trở ngại ít. Nhưng tỷ lệ các gia đình trí thức có con em đang học đại học, cao đẳng 27,2%, trong khi đó tỷ lệ tương ứng với công nhân là 14,8%, ở nông dân là 5%.
1.4. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình thực hiện liên minh công - nông - trí thức ở tỉnh Hải Dương.
Với những kết quả khảo sát và phân tích thực tiễn và thực trạng những khó khăn vướng mắc của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ở tỉnh Hải Dương trong quá trình liên minh có thể rút ra kết luận:
- Giai cấp công nhân đã thể hiện vai trò là giai cấp tiên phong cùng với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Quá trình liên minh công - nông - trí thức ở tỉnh cơ bản được duy trì ở mức bình thường.
Tuy nhiên, trong quá trình liên minh mỗi giai cấp, tầng lớp có bộc lộ một số bức xúc cần giải quyết như về lao động, việc làm, thu nhập, nhà ở, việc học hành của con cái, công bằng xã hội về các tệ nạn xã hội... Quá trình liên minh công - nông - trí thức ở tỉnh Hải Dương còn bộc lộ một số khó khăn vướng mắc về lĩnh vực kinh tế, về chính trị, về văn hóa, xã hội cần phải tiếp tục xây dựng các giải pháp để giải quyết.
2. Giải pháp cơ bản nhằm củng cố khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ở tỉnh Hải Dương.
Đề tài đã đưa ra hệ thống các nhóm giải pháp, đó là:
- Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện liên minh về kinh tế.
- Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp về vai trò của liên minh và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Nhóm giải pháp về vấn đề cán bộ, công chức.
- Nhóm giải pháp về xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.
- Nhóm giải pháp về xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/4/2002 về xây dựng đội ngũ công nhân Hải Dương đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, đồng thời là căn cứ để đề xuất phương án để tỉnh thành lập Trường Trung cấp Nông nghiệp và Trường Công nhân kỹ thuật và Tỉnh uỷ xây dựng quy chế công tác dân vận của cấp uỷ.