Chủ nhiệm đề tài: Ông Hoàng Hữu Vân, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương.
Thời gian thực hiện: 1998-1999.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Khảo sát, khái quát hoá những vấn đề có tính phổ biến ở các tổ chức cơ sở Đảng, đúc rút những kinh nghiệm về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể củng cố và phát huy vai trò tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn trước yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2000 - 2005 và những năm tiếp theo.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Đánh giá khát quát thực trạng tình hình tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên ở xã, phường, thị trấn, những ưu điểm, yếu kém và nguyên nhân chủ yếu.
1.1. Ưu điểm:
- Số đông tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống "diễn biến hoà bình", chống địch phá hoại về tư tưởng chính trị của các tầng lớp nhân dân ở các địa phương.
- Đội ngũ cán bộ cấp uỷ ở xã, phường, thị trấn nhiệt tình, có kinh nghiệm thực tiễn, số đông cấp uỷ cơ sở biết vận dụng, thực hiện đúng đắn chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.
- Đa số đảng viên ở xã, phường, thị trấn có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, rất tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
- Đa số quần chúng nhân dân ở cơ sở cần cù, chịu khó, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tâm huyết tham gia xây dựng Đảng và chính quyền ở cơ sở.
1.2. Nhược điểm, yếu kém:
- Công tác tuyên truyền, tổ chức học tập quán triệt chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân ở một số cơ sở xã, phường, thị trấn còn hạn chế.
- Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa tốt, thậm chí có nơi có lúc còn vi phạm, gây hậu quả phức tạp, làm mất lòng tin của đảng viên, của nhân dân, làm mất ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.
- Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu xa rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ cơ sở, gây giảm sút sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng.
- Đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn nhìn chung còn yếu và thiếu về chuyên môn, lý luận. Khả năng, năng lực lãnh đạo điều hành rất hạn chế.
1.3. Nguyên nhân chủ yếu của yếu kém.
- Nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn thiếu thốn, nghèo nàn.
- Sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng ở cơ sở không theo kịp sự thay đổi cơ chế, chính sách, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, chưa kịp tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh.
- Tình hình tiêu cực trong Đảng có chiều hướng gia tăng, các thế lực thù địch lợi dụng cơ hội công kích, chống phá Đảng và Nhà nước về nhiều mặt.
- Cấp uỷ cấp trên chưa thật sâu sát cơ sở, có nơi buông lỏng quản lý, dẫn đến cơ sở làm sai nguyên tắc, sai chính sách, pháp luật, nhưng không nắm được và không giải quyết kịp thời.
- Bệnh ham thành tích, báo cáo sai sự thật để vụ lợi danh dự cho tập thể, cá nhân nhất thời còn tồn tại.
- Một số tổ chức Đảng ở xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đúng mức tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
- Trong công tác xây dựng Đảng ở một số xã, phường, thị trấn bị buông lỏng, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng không được duy trì.
- Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng không thường xuyên; công tác quản lý đảng viên, phân công công tác, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở chưa tốt.
- Nhận thức của đảng viên ở nông thôn còn thấp, không đồng đều.
2. Chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Hải Dương.
2.1. Xây dựng Đảng bộ cơ sở về chính trị, tư tưởng.
- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho tất cả đảng viên nhận thức được rõ về nền tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng đó là bảo vệ lợi ích của nhân dân.
- Thường xuyên giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng làm cho mọi đảng viên kiên định lập trường đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.
- Làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ và năng lực của Đảng.
2.2. Xây dựng Đảng bộ cơ sở về tổ chức.
- Các tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn phải thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy các cấp và của chi bộ; thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên trong tổ chức Đảng. Chống cách làm hình thức, không sửa chữa khuyết điểm.
- Mỗi chi bộ, mỗi cấp uỷ phải thực hiện tốt công tác quản lý chặt chẽ đảng viên, không để một đảng viên nào đứng ngoài trách nhiệm quản lý của tổ chức Đảng.
- Tiếp tục xây dựng và củng cố các chi bộ thuộc Đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn - là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân, trực tiếp tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
2.3. Nâng cao chất lượng đảng viên.
- Cần phải làm cho mọi đảng viên ở cơ sở nhận thức được tình hình mới hiện nay, người đảng viên phải có trình độ giác ngộ cách mạng cao, trình độ trí tuệ cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, phẩm chất đạo đức tốt.
- Mọi đảng viên đều được tổ chức Đảng quản lý và phân công nhiệm vụ công tác cụ thể, hàng năm phân tích chất lượng đảng viên trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên.
- Công tác phát triển đảng viên mới cần phải coi trọng hơn nữa. Phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
- Việc phân công công tác cho đảng viên, nên nghiên cứu khả năng và điều kiện của từng đồng chí để phân công cho phù hợp.
- Các cấp uỷ Đảng, đặc biệt là cấp uỷ chi bộ cần quan tâm động viên tới từng đồng chí đảng viên; khắc phục ngay tình hình thiếu sót khuyết điểm hiện nay là chỉ biết giao nhiệm vụ mà không chú ý tới đời tư.
2.4. Vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn.
- Phải rà soát, sắp xếp điều chỉnh, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có, trước hết là các chức danh lãnh đạo ở cấp xã. Đối với cán bộ chủ chốt kiến thức năng lực yếu không đảm đương nổi nhiệm vụ cần điều chỉnh, bố trí công việc thích hợp, ở những nơi trì trệ, yếu kém, cán bộ chủ chốt có sai phạm cần làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
- Nên có kế hoạch và động viên số cán bộ đương chức học chuyên môn và nghiệp vụ, chọn hình thức đào tạo cho phù hợp với điều kiện công tác cơ sở.
2.5 Về công tác vận động nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
- Trước hết, giáo dục và động viên đảng viên, tạo điều kiện cho đảng viên liên hệ chặt chẽ với quần chúng, thông qua sự liên hệ, đảng viên tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng đến với quần chúng với Đảng.
- Cấp uỷ cơ sở phải có kế hoạch chăm lo thường xuyên tới các đoàn thể quần chúng, phân công đảng viên làm công tác quần chúng, tạo cho mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân gắn bó hơn.
- Đảng lãnh đạo thông qua chủ trương, định hướng bằng chương trình kế hoạch, không can thiệp sâu vào việc điều hành của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể.
2.6. Về đổi mới phương thức hoạt động, lãnh đạo của đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện quy chế làm việc, đưa các hoạt động của tổ chức Đảng vào nền nếp, đúng chức năng, rõ nhiệm vụ.
- Cải tiến và nâng cao chất lượng ra nghị quyết chi bộ, nghị quyết Đảng uỷ và nghị quyết Đảng bộ, làm cho nghị quyết sát thực tế, phù hợp với đa số cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.
- Tăng cường công tác kiểm tra, coi công tác kiểm tra là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp uỷ trên các lĩnh vực hoạt động.