Nghiên cứu những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU NHỮNG MÂU THUẪN TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ NÔNG THÔN, GIẢI PHÁP NGĂN NGỪA NHỮNG MÂU THUẪN PHÁT SINH, TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM TRA ĐẢNG Ở CƠ SỞ

Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Danh Trình, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hải Dương.

Cơ quan chủ trì và thực hiện: Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 5/1998 đến tháng 5/2000.

Kết quả nghiệm thu: xếp loại khá.

I. MỤC TIÊU

Điều tra và thu thập tư liệu có liên quan, phân tích làm rõ cơ sở lý luận về mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư nông thôn, những giải pháp ngăn ngừa những mâu thuẫn phát sinh. Tổng kết thực tiễn kinh nghiệm giải quyết những mâu thuẫn cho phù hợp với điều kiện Hải Dương, rút ra quy trình chỉ đạo giải quyết cụ thể.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Đánh giá hiện trạng tình hình mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư ở tỉnh Hải Dương.

- Trong nông thôn, tổ chức cơ sở Đảng và các chi bộ thôn giữ vai trò, vị trí rất quan trọng, là hạt nhân lãnh đạo mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng. Trong những năm 1994-1998, vai trò đó được phát huy mạnh mẽ. Tuy vậy, trong nội bộ Đảng cũng đã xuất hiện những mâu thuẫn.

- Đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư ở 12 huyện, thành phố về mâu thuẫn nổi cộm trong nội bộ cấp uỷ tại 30 xã, thị trấn trong 5 năm từ 1994-1998 xảy ra 16 trường hợp ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ở cấp uỷ đã phát sinh mâu thuẫn, thường có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cơ sở không có sự thống nhất cao, nhiều phong trào đi xuống.

- Đề tài đã nghiên cứu mâu thuẫn giữa cấp uỷ với bộ phận đảng viên, mâu thuẫn giữa đảng viên với đảng viên. Nguyên nhân của những mâu thuẫn chủ yếu do tập thể cấp uỷ có những chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế không phù hợp với chính sách, pháp luật. Thể hiện rõ nét nhất là trong chủ trương tạo nguồn vốn để xây dựng công trình hạ tầng cơ sở và phúc lợi công cộng, vi phạm chế độ quản lý tài chính, quản lý và sử dụng đất đai, dẫn đến bất bình trong một bộ phận đảng viên.

- Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn chính quyền cơ sở từng bước được kiện toàn, hiệu lực quản lý điều hành được tăng cường. Các Ban Thanh tra nhân dân, các tổ chức hoà giải của cơ sở được kiện toàn, phát huy tốt trong việc phối hợp với chính quyền để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở.

2. Kết quả áp dụng quy trình giải quyết mâu thuẫn, tăng cường công tác kiểm tra Đảng ở cơ sở.

Công tác kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt các nội dung:

- Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ giúp cấp uỷ triển khai thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ Đảng, giải quyết phát sinh ở cơ sở.

- Từ năm 1997-1999 Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã tham mưu giúp cấp uỷ xây dựng 10 chương trình kiểm tra; Uỷ ban Kiểm tra các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc xây dựng 140 cuộc kiểm tra.

Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ trực tiếp thụ lý và giúp cấp uỷ xử lý kỷ luật 1.770 cán bộ, đảng viên. Trong đó, khiển trách 711 đảng viên, cảnh cáo 607 đảng viên, cách chức 114 đảng viên, khai trừ ra khỏi đảng 266 đảng viên.

3. Những giải pháp chính nhằm ngăn ngừa phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư nông thôn.

3.1. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, củng cố tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo trong cộng đồng:

- Trước hết, cần quan tâm lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt, các cấp uỷ thực sự có năng lực, phẩm chất chính trị, nhiệt tình với phong trào. Quá trình lựa chọn phải công khai, khách quan.

- Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ ở cơ sở xã, phường, thị trấn cần bố trí hợp lý một tỷ lệ cán bộ nghỉ hưu vào một số vị trí để tăng cường sức mạnh tổng hợp cho đội ngũ lãnh đạo ở cơ sở.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, làm cho đảng viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; khắc phục tình trạng đảng viên sa sút ý chí, theo đuôi quần chúng tham gia khiếu kiện đông người.

- Tăng cường công tác kiểm tra của cấp uỷ Đảng cơ sở và Uỷ ban Kiểm tra cơ sở nhằm nắm bắt kịp thời tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của cấp uỷ, khắc phục, điều chỉnh kịp thời những mặt thiếu sót để thực sự đưa nghị quyết vào cuộc sống.

3.2. Tăng cường củng cố xây dựng chính quyền vững mạnh, đủ sức thực hiện chức năng quy định quản lý điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội ở cơ sở:

- Trước hết, thông qua bầu cử HĐND cơ sở cần tuyên truyền, vận động nhân dân sáng suốt lựa chọn những đại biểu HĐND đủ tiêu chuẩn đức, tài, thực sự là đại biểu của nhân dân, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân để quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội của cơ sở, bảo đảm đúng luật, sát thực tế địa phương.

- Cải tiến phương thức quản lý, điều hành của UBND cơ sở, trước hết các thủ tục hành chính phải gọn, nhẹ, tránh gây phiền hà cho nhân dân. Các hoạt động an ninh, tư pháp phải được củng cố chặt chẽ đúng luật, duy trì an ninh, trật tự thôn, xóm, trấn áp những kẻ cố tình gây rối, phá hoại.

- Trong quản lý tài chính, chính quyền cơ sở phải nắm chắc mọi hoạt động tài chính và nguồn tài chính của thôn, xóm, tránh tình trạng thôn, xóm tự lập quỹ, thu, chi tuỳ tiện, cán bộ biển thủ công quỹ, gây bất bình trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc "Quy chế thực hiện dân chủ ở xã".

- Tổ chức, hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá.

3.3. Phát huy vai trò, chức năng của các đoàn thể, tổ chức quần chúng của cơ sở, bảo đảm đủ sức để tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

- Tích cực vận động, thu hút quần chúng tham gia sinh hoạt trong đoàn thể, hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giáo dục, thuyết phục quần chúng.

- Tổ chức vận động quần chúng là hội viên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.

- Phối hợp kịp thời với chính quyền, nắm bắt, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để âm ỉ kéo dài dẫn đến diễn biến phức tạp.

3.4. Trách nhiệm của các cấp, các ngành:

- Các cấp, các ngành phải tích cực tuyên truyền và thực hiện Luật khiếu nại tố cáo bằng nhiều hình thức, trong đó nên thông qua phương tiện phát thanh, truyền hình để phổ biến từng điều luật để nhân dân hiểu và thực hiện. Đồng thời phải làm hết trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, tránh tình trạng, đùn đẩy, lòng vòng.

- Thực hiện chế độ tiếp dân nghiêm túc, thông qua tiếp dân, nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại của công dân.

- Khi có các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh các cấp, các ngành cần giải quyết dứt điểm và tuân thủ trình tự và thủ tục giải quyết. Giải quyết các khiếu nại tố cáo của nhân dân cần chú trọng làm rõ và xử lý nghiêm minh những người sai phạm.

- Cần xác định rõ và xử lý nghiêm đối với những người lợi dụng dân chủ, tố cáo sai sự thật nhằm bôi nhọ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm, kiên quyết trong công tác.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu được sử dụng trong quá trình tham mưu cho Tỉnh uỷ, các huyện, thành uỷ tập trung giải quyết các điểm nóng ở các địa phương trong tỉnh, tăng cường củng cố cấp uỷ Đảng, chính quyền ở những địa phương có mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Từ năm 2001 đến 2005 tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây