Giải pháp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

ĐỀ TÀI NHỮNG GIẢI PHÁP VỀ AN NINH CHÍNH TRỊ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC MÂU THUẪN Ở NÔNG THÔN TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Trung tá Vũ Huy Tuấn, Trưởng phòng PA 39 Công an tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1999-2000.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Đánh giá thực trạng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tìm nguyên nhân dẫn đến các mẫu thuẫn nội bộ nhân dân, rút ra những kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội ở nông thôn. Dự báo tình hình trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp với Tỉnh uỷ, UBND, các đoàn thể để giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư ở nông thôn, góp phần đưa các mặt kinh tế - xã hội nông thôn tỉnh nhà tiến lên những bước mới, cùng với cả nước xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Thông qua công tác nghiên cứu ở 126 điểm mâu thuẫn nội bộ nhân dân ở tỉnh Hải Dương và 5 tỉnh khác như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, đề tài đã tiến hành các nội dung:

- Nghiên cứu về mâu thuẫn nội bộ nhân dân, "điểm nóng" về cộng đồng dân cư ở nông thôn Hải Dương.

- Đánh giá thực trạng tình hình dẫn đến mâu thuẫn nội bộ nhân dân tỉnh Hải Dương, từ đó xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan.

- Tổng kết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, vai trò của lực lượng Công an tỉnh, sự phối hợp của lực lượng Công an với các ngành trong công tác nắm tình hình, giải quyết tình hình mâu thuẫn nội bộ nhân dân tỉnh Hải Dương.

- Dự báo tình hình, rút ra những kinh nghiệm, bài học, đề xuất các giải pháp đấu tranh của lực lượng Công an để bảo đảm an ninh quốc gia.

2. Để giữ vững an ninh nông thôn ở Hải Dương, đề tài đã kiến nghị một số nội dung sau:

- Tỉnh uỷ, UBND dựa vào các văn bản của Trung ương nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thiết chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 30/CT của Bộ Chính trị, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời xây dựng cơ chế đảm bảo thiết chế dân chủ, nhất là cơ chế phối hợp giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Ban hành chính sách cụ thể về nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới. Tỉnh uỷ, UBND cần chỉ đạo các ngành tiến hành sơ kết và ban hành những quy chế trên một số lĩnh vực như quản lý đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý sử dụng ngân sách xã, lập và sử dụng các loại quỹ, vốn, các hình thức phí và lệ phí..., chính sách cán bộ. Các chính sách khi đã đưa ra cần khẩn trương hướng dẫn chặt chẽ, chi tiết, thống nhất từ trên xuống cơ sở, tránh tình trạng mỗi nơi làm theo kiểu riêng của địa phương mình, không để kẽ hở cho một số cán bộ thoái hoá biến chất lợi dụng tham nhũng, tham ô. Điều quan trọng nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật phải được phổ biến, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân.

- Sau khi nhà nước ban hành Pháp lệnh Công an xã, các cấp uỷ, chính quyền tổ chức quán triệt sâu rộng, có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng công an chính quy và lực lượng công an xã.

- Quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động của cơ sở để khắc phục những thiếu sót. Tiếp tục mở đợt sinh hoạt chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương VI (lần 2), làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thống nhất ý chí và hành động trong từng chi bộ, đảng bộ cơ sở, đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong quần chúng thật sâu rộng nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

- Đối với lực lượng Công an nhân dân, tăng cường lực lượng trinh sát an ninh nông thôn đủ về số lượng, nâng cao trình độ hiểu biết và kiến thức về an ninh nông thôn. Tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền về tình hình mâu thuẫn nội bộ nhân dân, có chủ trương, biện pháp giải quyết tình hình. Lực lượng công an phụ trách xã phải tận tuỵ, liêm khiết, nhạy bén trong mọi tình huống khi có biểu hiện mâu thuẫn nội bộ nhân dân. Quan tâm đến phụ cấp cho lực lượng công an làm công tác an ninh nông thôn.

3. Một số kết luận rút ra từ đề tài:

Bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế, nhiều vấn đề xã hội liên quan đến phát triển con người và thực hiện công bằng xã hội đang nổi lên gay gắt trong đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng về mặt kinh tế, xã hội, dân tộc bao giờ cũng làm nảy sinh "các vấn đề xã hội" cần xử lý hoặc điều chỉnh để tạo ra cân bằng, ổn định và phát triển xã hội. Thông thường, các vấn đề xã hội này được xử lý và điều chỉnh bằng hệ thống luật pháp hoặc bằng sức mạnh của dư luận, phong tục, tập quán, truyền thống, bằng những quy ước của cộng đồng. Trong các vấn đề xã hội, có thể có những "vấn đề xã hội gay cấn" hay những "điểm nóng". Về thực chất, đó thường là những vấn đề xã hội bức xúc, có quy mô và cường độ đạt tới hoặc quá điểm "giới hạn", gây ra phản ứng hoặc hiệu ứng tiêu cực trong xã hội, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây nguy hiểm hoặc nguy hại cho xã hội, gây mất an toàn và ổn định xã hội.

Để đánh giá quá trình hình thành và phát triển các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và phát sinh "điểm nóng" ở Hải Dương, tuy chưa phức tạp so với một số tỉnh trong toàn quốc như Thái Bình, Nam Hà... nhưng qua nghiên cứu, tổng hợp, thống kê và giải quyết tình hình mâu thuẫn nội bộ nhân dân và "điểm nóng" cho thấy, Hải Dương cũng là một trong những tỉnh có nhiều điểm mâu thuẫn và "điểm nóng", trong cộng đồng dân cư đã có diễn biến không bình thường, do tác động nhiều thành phần tham gia khiếu kiện, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản của nhà nước, tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, tình hình mâu thuẫn nội bộ nhân dân và "điểm nóng" không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà phải thảo gỡ khó khăn từng bước, phải được tiến hành thanh tra một cách thận trọng, có căn cứ kết luận chính xác... Tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cần được chấn chỉnh, củng cố, bổ sung đội ngũ cán bộ thực sự có đủ đức, đủ tài, được nhân dân tin tưởng.

Tỉnh Hải Dương đã cơ bản giải quyết tình hình mâu thuẫn nội bộ nhân dân đạt kết quả tốt. Các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an đã tham gia giải quyết làm ổn định tình hình, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học để Công an tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc giải quyết mâu thuẫn ở nông thôn, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh..


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây