Chủ nhiệm đề tài: Thạc sĩ Hoàng Ngọc Huyên, Văn phòng HĐND tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Thường trực HĐND các huyện, thành phố.
Thời gian thực hiện: năm 2001 - 2002.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
Đánh giá thực trạng tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong mối liên hệ tác động qua lại giữa hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp đảm bảo cho quyền làm chủ của nhân dân ở các cấp hành chính ngày càng được nâng cao.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
1.1. Tình hình thực hiện dân chủ ở xã (phường) từ khi có Quy chế dân chủ đến nay.
Qua thực hiện quy chế dân chủ, nhân dân đã có nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, quyền hạn và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Bước đầu hạn chế và khắc phục tình trạng vi phạm dân chủ và tình trạng lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương vẫn còn yếu, chưa thường xuyên và chưa phù hợp với từng loại đối tượng ở từng cơ sở, địa bàn khác nhau.
Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ về nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt học tập Quy chế dân chủ còn nặng về hình thức phổ biến văn bản, ít tổ chức thảo luận kỹ, ít liên hệ với thực tế ở địa phương.
Các Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở hầu hết các xã, phường, thị trấn nhưng phần nhiều hoạt động còn lúng túng, hiệu quả còn đạt thấp.
1.2. Khái quát về tình hình tổ chức HĐND các cấp.
Qua khảo sát 630 đại biểu HĐND xã và 355 đại biểu HĐND huyện cho thấy:
- Đại biểu HĐND đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm của mình, tích cực thảo luận, tham gia đóng góp ý xây dựng phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Thực hiện đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri do tổ đại biểu phối hợp với Mặt trận tổ quốc tổ chức trước và sau mỗi kỳ họp.
- Thường xuyên liên hệ với Thường trực HĐND cùng cấp bằng phiếu hoạt động đại biểu hàng tháng và phản ánh trực tiếp tình hình kinh tế - xã hội, về hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở địa phương mình, cơ quan mình, những đề nghị, kiến nghị của nhân dân cần giải quyết.
- Đa số ý kiến các đại biểu HĐND cho rằng hầu hết các đại biểu HĐND là kiêm chức, thời gian dành cho hoạt động nhiệm vụ đại biểu là còn ít.
- Đa số đại biểu HĐND tỉnh, huyện sống và làm việc ở nơi xa với nơi cử tri khó có điều kiện gặp gỡ thường xuyên cư tri, để phản ảnh tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
- Nhiều đại biểu HĐND coi việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND là "công việc làm thêm", vì thế hoạt động của HĐND còn mang nặng tính hình thức.
- Hầu hết đại biểu HĐND các cấp chưa thực hiện hoạt động tiếp dân.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng của HĐND để thực hiện tốt quy chế dân chủ của nhân dân.
2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND thể hiện trên các mặt sau:
+ Lãnh đạo công tác tổ chức của HĐND, ưu tiên bố trí những cán bộ có trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn vào các vị trí trong tổ chức của HĐND, nhất là chức danh chủ chốt.
+ Lãnh đạo thường xuyên quá trình hoạt động của HĐND. Cấp uỷ địa phương cần thường xuyên nghe và cho ý kiến chỉ đạo về hoạt động của HĐND tại các kỳ họp và giữa các kỳ họp.
+ Củng cố tổ chức Đảng, Đoàn, HĐND bảo đảm làm cầu nối giữa cấp uỷ và các đại biểu HĐND cùng cấp, đảm bảo sự thống nhất cao trong HĐND, trước hết là giữa các đại biểu HĐND với các đảng viên.
2.2. Nâng cao nhận thức về vai trò của HĐND.
Nâng cao nhận thức về vai trò của HĐND làm cho mọi đối tượng, từ trong cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, xã hội, lực lượng vũ trang và nhân dân.
2.3. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.
HĐND phải không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để đáp ứng được với yêu cầu của giai đoạn cách mạng trong điều kiện hiện nay.
2.4. Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.
Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trước hết là nâng cao chất lượng của các kỳ họp. Trong kỳ họp cần đổi mới phương pháp trình bày báo cáo, cải tiến hình thức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND và cử tri đối với các cơ quan Nhà nước cùng cấp; đổi mới phương pháp điều hành kỳ họp; đảm bảo quy trình soạn thảo và thông qua nghị quyết của kỳ họp.
Đổi mới hoạt động tiếp dân, giám sát và tiếp xúc cử tri. Đảm bảo tốt mối quan hệ công tác giữa HĐND, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng cùng cấp. Đảm bảo chế độ cung cấp thông tin kịp thời cho các đại biểu HĐND cùng cấp.
2.5. Nhóm giải pháp về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Thực hiện đúng nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục bổ sung hoàn thiện nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Thực hiện quy chế dân chủ phải gắn liền với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội ở địa phương, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế bền vững.
- Nâng cao dân trí và phát triển dân sinh. Phát triển kinh tế - xã hội cần phải chú trọng nâng cao trình độ văn hoá, chính trị, trình độ nhận thức, cũng như hiểu biết căn bản về pháp luật cho nhân dân.
- Nâng cao vai trò hoạt động của trưởng thôn, trưởng khu dân cư, giới thiệu người vào chức danh trưởng thôn, trưởng khu dân cư phải có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt và nhiệt tình trong các phong trào. Thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác cho trưởng thôn, trưởng khu dân cư; có chế độ phụ cấp thoả đáng và động viên kịp thời.
- Kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Xử lý nghiêm minh các hành vi và đối tượng vi phạm nội dung quy chế dân chủ.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Kết quả đề tài được áp dụng vào hoạt động của HĐND các cấp trên phạm vi toàn tỉnh.
- Tăng cường thông tin giữa Thường trực HĐND với các đại biểu (2 chiều): Chiều xuống là đảm bảo thông tin từ các nguồn báo chí từ Trung ương đến địa phương để thông tin và truyền đạt các văn bản pháp luật từ Trung ương đến các thông tin từ địa phương để các đại biểu nắm rõ. Chiều lên là hàng tháng các đại biểu đều phải gửi phiếu báo cáo hoạt động, cung cấp thông tin và các kiến nghị của cử tri từ dưới cơ sở lên.
- Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri theo các chuyên đề, đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát của HĐND.