Chương trình phát triển nông nghiệp Hải Dương

ĐỀ TÀI TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HẢI DƯƠNG THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HÀNG HOÁ GIAI ĐOẠN 2001 - 2005 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2006 -2010

 

Chủ nhiệm đề tài: KS Hoàng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương.

 

1. Kết quả thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp Hải Dương theo hướng sản xuất hàng hoá giai đoạn 2001 - 2005.

* Chương trình phát triển nông nghiệp Hải Dương theo hướng sản xuất hàng hoá giai đoạn 2001-2005 được thực hiện bởi 5 Đề án:

- Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm đạt giá trị sản xuất trên 36 triệu đồng một ha đất nông nghiệp.

- Đề án phát triển chăn nuôi, thuỷ sản.

- Đề án kiên cố hoá kênh mương.

- Đề án hướng dẫn nông dân chuyển đổi ruộng từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn.

- Đề án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

* Kết quả thực hiện các đề án đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Kết quả nổi bật của chương trình gồm:

- Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 5%/năm (mục tiêu 4,5 - 5%/năm). Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh và tăng 12,6% vào năm 2005. Vụ đông tiếp tục được mở rộng với diện tích gần 30.000 ha/năm và đạt giá trị ngày càng lớn. Diện tích lúa còn 67.254 ha (mục tiêu 65.000 ha), giảm gần 7.000 ha. Năng suất lúa đạt 120 tạ/ha/năm. Sản lượng lương thực bình quân đầu người 477 kg/năm (mục tiêu 500 kg/năm).

- Giá trị sản phẩm trên một ha đất nông nghiệp đạt 37,7 triệu đồng (mục tiêu 36 triệu đồng); gần 20% diện tích đất nông nghiệp đạt giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha. Từng bước hình thành và nhân rộng một số mô hình sản xuất trang trại, vùng sản xuất tập trung đạt giá trị cao từ 70 - 100 triệu đồng/ha. Mở rộng diện tích trồng rau màu, chuyển mạnh diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thuỷ sản cho giá trị kinh tế cao.

- Chăn nuôi, thuỷ sản phát triển khá; giá trị sản xuất tăng bình quân 10%/năm, trong đó chăn nuôi tăng 9%/năm, thuỷ sản tăng 14,1%/năm. Hình thành một số mô hình chăn nuôi theo qui mô công nghiệp, bán công nghiệp.

- Thực hiện tốt công tác quản lý đê điều, phòng chống lụt bão. Kiên cố hoá mới 747,1 km kênh (mục tiêu 850 - 1.000 km).

- Đến hết năm 2003 việc dồn ô thửa đã hoàn thành. Trước khi chuyển đổi, tổng số thửa là: 2.972.980 thửa, bình quân 255,3 m2/thửa thì sau khi chuyển đổi, số thửa còn 1.370.049 thửa, diện tích bình quân 537 m2/thửa.

- Đã cơ giới hoá 70% khâu làm đất, 99% khâu xay xát, 95% khâu tuốt lúa, 50% khâu vận tải, 80% khâu tưới tiêu.

* Chương trình phát triển nông nghiệp Hải Dương theo hướng sản xuất hàng hoá còn một số mặt hạn chế sau:

- Diện tích cây vụ đông chưa đạt chỉ tiêu. Tỷ lệ lúa lai đạt thấp (chỉ đạt 1,5 - 2% tổng diện tích gieo cấy so với kế hoạch 30%). Việc chuyển đổi ruộng đất và quy hoạch sản xuất chưa gắn với yêu cầu của thị trường và điều kiện đảm bảo.

- Việc xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn là vấn đề nan giải. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát... Việc sản xuất một số cá giống mới còn khó khăn, con giống phần lớn phải mua ở tỉnh ngoài. Thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi và thuỷ sản đều phải nhập từ tỉnh ngoài.

- Mới có 7% kênh mương kiên cố hoá được nối mạng đồng bộ, chưa giảm được thuỷ lợi phí do lợi ích kiên cố hoá kênh mương mang lại.

- Mặc dù bớt manh mún, song quy mô thửa ruộng còn nhỏ nên đã làm hạn chế vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm.

- Các trạm cấp nước tập trung còn quá ít. Phần đông nông dân nông thôn sử dụng nước tương đối hợp vệ sinh là nước mưa, nước giếng khoan, giếng khơi.

- Tỷ lệ hố xí không hợp vệ sinh vẫn còn rất lớn, rác thải có xu hướng trầm trọng thêm, nhất là các thị trấn, thị tứ, chợ, làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

2. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá giai đoạn 2006 - 2010.

- Phấn đấu trồng trọt tăng 2,0 - 2,5%/năm; chăn nuôi tăng 6,5 - 7,0%/năm; thuỷ sản tăng 11 - 12%/năm. Cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ đến năm 2010 là 54 % - 39% - 7%. Giá trị sản xuất đạt 50 - 55 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực 867 ngàn tấn, trong đó thóc 833 - 850 ngàn tấn, bình quân đầu người 490 kg/năm.

- Sản xuất lúa theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ổn định sản lượng và tiếp tục chuyển đổi để giảm diện tích lúa xuống còn 60 - 62 ngàn ha. Mở rộng diện tích vụ đông lên 32 - 35 ngàn ha. Giữ vững vùng vải. Phát triển mạnh các loại rau, củ, quả mới có giá trị cao và vùng rau tập trung. Đưa diện tích cây rau thực phẩm lên 20 - 25% diện tích gieo trồng. Hình thành các vùng trồng hoa, cây cảnh.

- Phát triển chăn nuôi, thuỷ sản thành ngành sản xuất chính. Đưa nhanh các giống lợn, gia cầm, thuỷ sản có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện nạc hoá đàn lợn, sind hoá đàn bò, phát triển đàn gia cầm. Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Khai thác triệt để diện tích mặt nước, tạo bước đột phá trong chăn nuôi thuỷ sản. Phấn đấu đến năm 2010, đàn lợn có 1,1 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 96 ngàn tấn, tăng 5,1%/năm; đàn bò 49 - 50 ngàn con; đàn gia cầm 13 triệu con, sản lượng thịt 25 ngàn tấn; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 10 ngàn ha, sản lượng cá thịt 45,5 ngàn tấn và 150 - 200 tấn thuỷ đặc sản.

- Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động và làm tốt công tác phòng chống lụt, bão, úng.



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây