Tổng kết chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ CNH-HĐH

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ HIỆN ĐẠI HOÁ TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2001-2005

Chủ nhiệm đề tài: KS. Hoàng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương.

 

1. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001-2005.

Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2001-2005 khoảng 10.943,4 tỷ đồng (tăng 84% so với chỉ tiêu đặt ra). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.457,6 tỷ đồng (chiếm 22,5%), vốn ngân sách địa phương 1.991,6 tỷ đồng (18,2%), vốn tài trợ 375,7 tỷ đồng (3,4%), vốn tín dụng 3.149,3 tỷ đồng (28,8%), vốn dân doanh 2.969,2 tỷ đồng (27,1%).

Hầu hết các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có vốn đầu tư vượt so với mục tiêu chương trình đề ra. Một số lĩnh vực có vốn đầu tư lớn như: nông, lâm, thuỷ sản 960,6 tỷ đồng (8,7%), giao thông 2.584,1 tỷ đồng (23,6%), điện 625,0 tỷ đồng (5,7%), cấp thoát nước 1.117,8 tỷ đồng (10,2%), hạ tầng công nghiệp 851,7 tỷ đồng (7,8%).

Một số lĩnh vực chưa đề cập trong chương trình nhưng 5 năm qua đã được quan tâm đầu tư như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ giới hoá nông nghiệp, phát triển đô thị và nhà ở, an ninh, quốc phòng với tổng vốn đầu tư 1.933 tỷ đồng (chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư).

Kết quả chính về xây dựng kết cấu hạ tầng ở một số lĩnh vực đầu tư như sau:

- Nông nghiệp: Tổng vốn đầu tư cho hệ thống cây, con, bảo vệ sản xuất là 36,2 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho cơ giới hoá nông nghiệp khoảng 50 tỷ đồng, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 60 tỷ đồng.

- Lâm nghiệp: Tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng (bằng 86,7% mục tiêu), tập trung cho trồng mới và trồng nâng cấp, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, vườn thực vật Côn Sơn và An Phụ.

- Thuỷ lợi: Vốn đầu tư cho hệ thống đê điều 148,8 tỷ đồng; đầu tư cho nạo vét, khơi thông dòng chảy sông trục chính thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải, An Kim Hải... là 23,1 tỷ đồng; đầu tư cho hệ thống trạm bơm 69,5 tỷ đồng; kiên cố hoá kênh mương 365 tỷ đồng; hạ tầng cho nuôi trồng thuỷ sản 185 tỷ đồng.

- Đầu tư hệ thống giao thông với tổng nguồn vốn khoảng trên 2 nghìn tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách của địa phương và ngân sách Trung ương để cải tạo, nâng cao chất lượng các tuyến đường sắt, đường thuỷ, nhà ga, Quốc lộ, tỉnh lộ và phát triển hệ thống nông thôn.

- Hệ thống điện được đầu tư khoảng 625 tỷ đồng, tập trung cho cải tạo, xây dựng hệ thống lưới điện chiếu sáng đô thị, điện nông thôn. Nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi phục vụ, giảm tổn thất điện năng, ổn định điện sản xuất và sinh hoạt.

- Xây mới và cải tạo được 5.866 m2 khoa phòng của bệnh viện tuyến tỉnh; 4.200 m2 khoa phòng của bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, phường được xây dựng kiên cố, với tổng vốn đầu tư 113,5 tỷ đồng.

- Giáo dục và đào tạo được đầu tư 210,5 tỷ đồng cho việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các phòng học, đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học cho bậc học mầm non, các bậc học phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trong tỉnh. Xây dựng 1.450 phòng học cho bậc tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư mới và cải tạo 25.000m2 phòng học cho bậc trung học phổ thông.

- Quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hoá - xã hội như: Trùng tu tôn tạo và mở mang các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh; đầu tư hạ tầng phục vụ chương trình xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tranh tre; đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ của các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động thể dục, thể thao.

- Cơ sở vật chất hệ thống quản lý Nhà nước được quan tâm đầu tư đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan quản lý nhà nước.

- Hệ thống quản lý khoa học và công nghệ từng bước được kiện toàn. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường cả về lượng và chất. Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ năm 2005 tăng gấp 2,3 lần năm 2000.

2. Mục tiêu, giải pháp chính đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2006 - 2010.

2.1. Mục tiêu:

Tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng 5 năm 2006 - 2010 khoảng 16.950 tỷ đồng, tăng 55% so với giai đoạn 2001 - 2005.

2.2. Các nhóm giải pháp:

- Công tác quy hoạch: Nâng cao chất lượng quy hoạch mang tính định hướng lâu dài, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, các huyện, thành phố, cụm, khu công nghiệp đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Gắn quy hoạch phát triển với quy hoạch sử dụng đất.

- Quản lý đầu tư: Chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2001-2005, tiếp tục xây dựng danh mục và triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2006-2010. Đổi mới và tăng cường công tác quản lý đầu tư, dự án đầu tư hàng năm phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đầu tư.

- Giải pháp về vốn: Đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tăng tỷ lệ vốn đầu tư trong ngân sách hàng năm, đa dạng các hình thức đầu tư.

- Về cơ chế, chính sách: Các tổ chức tín dụng cần xây dựng chính sách lãi suất huy động và cho vay vốn linh hoạt, hợp lý để thu hút các nguồn vốn. Xây dựng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng theo các văn bản của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây