Chương trình phát triển Dịch vụ (2001-2005)

ĐỀ TÀI TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ DỊCH VỤ GIAI ĐOẠN 2001-2005 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN 2006 - 2010 CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Cử nhân Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cơ quan chủ trì: Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Hải Dương.

1. Kết quả thực hiện chương trình phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001 - 2005.

Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 11,9%/năm (mục tiêu 9%-10%/năm). Thị trường đô thị phát triển, thị trường nông thôn khởi sắc; các loại dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tín dụng, bảo hiểm, tư vấn... phát triển khá tốt; các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, xây dựng thương hiệu được tăng cường. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 393 triệu USD (mục tiêu 300 triệu USD), tăng 19,1%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng bình quân 9,7%/năm.

Đến năm 2005 về cơ sở hạ tầng thương mại có trên 25.000 cửa hàng kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, 147 chợ cả, 4 cửa hàng tổ chức kinh doanh theo mô hình siêu thị. Thị trường Hải Dương có hàng hoá đa dạng và phong phú, đáp ứng tốt các nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của dân cư.

Doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu: Số lượng các doanh nghiệp có vốn Nhà nước giảm, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh ngày càng tăng. Mặt hàng xuất khẩu chính của Hải Dương là các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo, hàng dệt may, giày dép, nông sản thực phẩm. Việc tìm kiếm thị trường mới, những thị trường có dung lượng lớn, ổn định vẫn chưa nhiều.

Tài nguyên du lịch của tỉnh phong, phú đa dạng, có sức thu hút với khách trong nước và quốc tế, được phân bố đều trên phạm vi toàn tỉnh và tập trung nhiều tại hai huyện miền núi Chí Linh và Kinh Môn. Toàn tỉnh có trên 1000 di tích lịch sử, văn hoá. Trong đó có 97 di tích đã được Nhà nước xếp hạng với kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa của kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, kiến trúc phương Đông và phương Tây, gắn với các lễ hội truyền thống văn hoá dân gian, các làng nghề truyền thống. Cơ sở lưu trú, điểm dừng chân du lịch, hoạt động lữ hành phát triển nhanh. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, lực lượng lao động trong ngành du lịch phát triển về số lượng và chất lượng phục vụ. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm công tác du lịch được nâng cao. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn đạt được tốc độ tăng trưởng khá, tổng số trong 5 năm đã đón 2.942.100 lượt khách, tăng 25,7%/năm.

Dịch vụ vận tải có khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 28,5%/năm, hành khách tăng 30,9%/năm.

Dịch vụ bưu chính, viễn thông ngày càng phát triển. Số máy điện thoại bình quân đạt 8 máy/100 dân (tăng gấp 2 lần so với mục tiêu), 100% số thôn có máy điện thoại.

2. Mục tiêu, phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ lên 33-34% vào năm 2010. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng 11 - 13%/năm; xuất khẩu tăng 25%/năm, đến năm 2010 đạt 300 - 350 triệu USD.

Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ còn nhiều tiềm năng như du lịch, bảo hiểm, vận tải, kho bãi, bưu chính viễn thông, xuất khẩu lao động. Tạo môi trường thuận lợi để phát triển một số ngành dịch vụ mới như: tài chính, thị trường vốn, kiểm toán, kinh doanh bất động sản, tư vấn pháp luật và chuyển giao công nghệ, giải quyết việc làm... Quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước và trong tỉnh, nhất là thị trường nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển thương mại, mở rộng mạng lưới hiện đại kết hợp truyền thống, thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động thương mại, kiểm soát thị trường, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, có trật tự và kỷ cương. Kêu gọi đầu tư nâng cấp, xây dựng các cơ sở hạ tầng thương mại, chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh tại các chợ trên địa bàn sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ.

Phát huy các nguồn lực sẵn có, tranh thủ mọi nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân đạt 22%/năm. Tăng cường nhận thức của toàn dân về vai trò của du lịch. Đầu tư xây dựng và phát triển khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Xây dựng và phát triển các khu vui chơi giải trí tại đô thị phía Tây thành phố Hải Dương và khu vực Sao Đỏ, Chí Linh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Cải tạo, nâng cấp các bến xe khách, mở rộng một số tuyến xe buýt nội tỉnh, đầu tư xây dựng cảng nội địa gắn với việc hình thành kho trung chuyển hàng hoá vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phấn đấu khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng bình quân 16%/năm và 18%/năm về tấn km luân chuyển tăng bình quân 18%/năm và 15%/năm về lượt khách luân chuyển.

Phát triển và hiện đại hoá hệ thống bưu chính viễn thông, nâng cao chất lượng thông tin, đến năm 2010 có 20-25 máy/100 dân. Nâng cấp trạm bưu điện khu vực, chú trọng ở các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu các xã đều có điểm bưu điện - văn hoá.

Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Hiện đại hoá hoạt động của hệ thống ngân hàng. Phấn đấu nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 20%/năm trở lên; tổng dư nợ cho vay tăng 25%/năm. Trong đó, dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng 27,1%/năm; dư nợ hộ sản xuất tăng 28,9%/năm.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây