Chủ nhiệm đề tài: Lại Thị Hồng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương.
Đơn vị chủ trì: Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2006.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Xuất sắc.
I. MỤC TIÊU
- Đánh giá thực trạng công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác phát triển đoàn viên, tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
- Đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo kịp tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh nhà.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Tình hình phát triển doanh nghiệp và đội ngũ công nhân lao động trên địa bàn tỉnh:
Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương phần lớn được thành lập từ năm 2000 đến nay. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ, ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 12 năm 2006 các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang giải quyết việc làm cho trên 13 vạn lao động thuộc các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, cơ chế kinh tế thị trường có những tác động trái ngược, tồn tại một số bất cập trong việc thực hiện đầu tư, quản lý kinh tế, quản lý nhân lực, đặc biệt là những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ lao động, đó là mối quan hệ chủ - thợ. Việc thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS ngoài quốc doanh là nhu cầu cần thiết, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống người lao động.
2. Thực trạng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và chất lượng hoạt động CĐCS ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương:
2.1. Chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong công tác phát triển đoàn viên Công đoàn.
Trong những năm gần đây, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động, phát triển Công đoàn và tổ chức CĐCS các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đồng thời, các cấp, các ngành thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật doanh nghiệp tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.
2.2. Hoạt động của LĐLĐ tỉnh đối với công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS ngoài quốc doanh vững mạnh.
Để triển khai thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước quy định về quyền công đoàn, đồng thời bám sát chỉ đạo của Tỉnh uỷ Hải Dương và Tổng LĐLĐ Việt Nam về phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS khu vực ngoài quốc doanh, LĐLĐ tỉnh Hải Dương đã cụ thể hoá bằng một số văn bản hướng dẫn chỉ đạo triển khai ở các CĐCS.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động và người sử dụng lao động về quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật doanh nghiệp; tuyên truyền tác dụng của việc thành lập tổ chức CĐCS đối với doanh nghiệp, quyền lợi nghĩa vụ người lao động khi gia nhập tổ chức công đoàn và trách nhiệm của CĐCS; hướng dẫn các CĐCS ngoài quốc doanh về phương pháp, nội dung hoạt động để thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng của tổ chức Công đoàn.
3. Các giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn ngoài quốc doanh.
3.1. Công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động và chủ sử dụng lao động.
Vận động chủ sử dụng lao động tạo điều kiện cho việc thành lập công đoàn cơ sở và tạo điều kiện để CĐCS hoạt động theo quy định của pháp luật. Đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS khu vực ngoài quốc doanh.
Thông qua tuyên truyền vận động làm cho công nhân, lao động và chủ sử dụng lao động hiểu một cách đầy đủ về bản chất của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nâng cao nhận thức về tổ chức Công đoàn.
Vận động công nhân lao động tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn và tích cực tham gia các hoạt động do Công đoàn tổ chức.
3.2. Giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của CĐCS khu vực ngoài quốc doanh.
- Giải pháp này được tập trung vào việc nâng cao năng lực đại diện của CĐCS tham gia bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Trong đó, CĐCS đại diện cho người lao động tham gia xây dựng nội quy và các quy chế của doanh nghiệp. Ban Chấp hành CĐCS phải hiểu luật, tìm hiểu tình hình sản xuất trong doanh nghiệp, các hành vi trong quan hệ lao động thường xảy ra ở doanh nghiệp, từ đó có ý kiến đúng, cụ thể, rõ ràng trong việc xây dựng nội quy và các quy chế.
- Ban Chấp hành CĐCS cần nâng cao năng lực trong việc tư vấn, hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động và giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
- Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động xã hội của Công đoàn; đổi mới phương pháp hoạt động của CĐCS; đổi mới nội dung hoạt động của tổ Công đoàn.
3.3. Đổi mới công tác cán bộ.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới; phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, không chuyên trách đủ về số lượng, có trình độ, năng lực, phẩm chất và bản lĩnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
- Nâng cao giác ngộ giai cấp công nhân cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào công đoàn để lựa chọn, đào tạo cán bộ.
- Công tác cán bộ phải thực hiện đồng bộ từ tuyển chọn, bố trí, phân công công tác, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ.
- Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách bảo vệ đãi ngộ cán bộ công đoàn: Phải đảm bảo công bằng, khuyến khích lợi ích cả về vật chất và tinh thần, kích thích tài năng, đủ sức hấp dẫn cán bộ CĐCS. Chính sách đãi ngộ cán bộ công đoàn phải hài hoà, không mâu thuẫn với chính sách đãi ngộ cán bộ nói chung của Đảng, Nhà nước.
3.4. Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS trong các thành phần kinh tế.
3.4.1. Tăng cường sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa thành lập tổ chức cơ sở Đảng để chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Công đoàn. Đồng thời, tình trạng vi phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động đang còn diễn ra phổ biến, nhưng chưa được xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời. Để khắc phục hạn chế của CĐCS các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay, rất cần được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự hướng dẫn, chỉ đạo của Công đoàn cấp trên. Sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang thực sự trở thành vấn đề cấp thiết.
3.4.2. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong việc tập hợp công nhân, lao động và tổ chức các hoạt động công đoàn khu vực ngoài quốc doanh.
Để phát huy vai trò của hệ thống chính trị, thực hiện tốt vị trí là cầu nối giữa Đảng với quần chúng công nhân, lao động các cấp công đoàn cần tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ công tác.
LĐLĐ tỉnh cần tham mưu với Tỉnh uỷ có giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với các đoàn thể nhằm nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền giáo dục đoàn viên, hội viên về tinh thần đoàn kết, ý thức chính trị, từ đó làm cơ sở cho việc tập hợp phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh trong các thành phần kinh tế.