Chủ nhiệm đề tài:
Cử nhân Bùi Mậu Quân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương.
Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2001-2002.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
Đánh giá thực trạng hoạt động, phát triển của lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTTTNN) trên địa bàn tỉnh, thực trạng công tác an ninh và hoạt động của các thế lực thù địch thông qua ĐTTTNN tại tỉnh Hải Dương. Dự báo và giải pháp cơ bản về công tác bảo vệ an ninh kinh tế trong lĩnh vực ĐTTTNN tại tỉnh Hải Dương.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng tình hình hoạt động ĐTTTNN trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 6 - 2001 đã có 38 dự án nước ngoài của 17 quốc gia, vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaixia, Triều Tiên, Nhật Bản, Australia, Pháp, Bỉ, Anh, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Canada, Lào) đầu tư vào Hải Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 541.400.000 USD. Trong đó, 32 dự án với tổng vốn đầu tư 522 triệu USD còn hiệu lực pháp luật, đưa Hải Dương lên hàng thứ 10 trong toàn quốc.
* Hiệu quả hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Dương:
- Tỉnh đã phát huy được những tiềm năng thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, đã sử dụng 215 ha đất góp vốn liên doanh và sử dụng 25 ha đất cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuê dài hạn.
- Về lao động, đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho 2.800 lao động kỹ thuật và hàng chục ngàn lao động thời vụ trong nông nghiệp.
- Đáp ứng một phần nhu cầu về vốn, trung bình mỗi năm có khoảng 250 tỷ đồng được đưa vào đầu tư phát triển, tạo ra năng lực sản xuất mới, góp phần vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 9,2%/năm (tính đến thời điểm tháng 6/2002).
- Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 1996 chiếm 1,6% trên địa bàn, đến năm 2000 đã đạt 11,4%.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất kinh doanh nhiều giống cây có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (dưa chuột, dưa gang, cải xa lat, ngan Pháp...).
- Một số công nghệ mới tiên tiến đã được đưa vào sản xuất như chế tạo bơm cỡ lớn, lắp ráp ô tô, cắt may bằng hệ thống vi tính, chế biến nông sản...
- Hàng năm đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Riêng năm 2000 các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5 triệu USD, thuế và các khoản thu nộp ngân sách là 5,7 triệu USD, trong khi thuế nhập khẩu là 2,6 triệu USD.
* Tuy nhiên, ĐTTTNN thời gian qua cũng bộc lộ một số mặt hạn chế. Nếu không kịp thời khắc phục sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển dài hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh kinh tế nước ta. Đó là:
- Sự phá vỡ các loại hình liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài: trong 38 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép có 18 dự án liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, tới thời điểm tháng 6/2001 còn lại 8/18 dự án.
- Một số dự án liên doanh sau thời gian hoạt động bị thua lỗ phải giải thể chuyển thành 100% vốn nước ngoài như liên doanh dâu tằm tơ Việt - Triều, hợp tác kinh doanh chế tác kim cương...
- Một số liên doanh đã được cấp giấy phép nhưng không thực thi như liên doanh chế biến gỗ, liên doanh sân gôn (golf) ngôi sao Hoàng Gia, liên doanh sứ KARAT...
- Việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư nói chung phát sinh nhiều mâu thuẫn, quần chúng kéo đi các cấp khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
- Cán bộ trong nước làm việc tại các liên doanh thiếu kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, không nắm vững pháp luật... nên chưa phát huy được vai trò chủ sở hữu Nhà nước trong các liên doanh.
- Tình trạng phổ biến là các cơ quan quản lý thường thiếu thông tin về đối tác đầu tư, không nắm được năng lực tài chính và quá trình hình thành, phát triển và uy tín của đối tác ở nước sở tại, nên còn xảy ra các dấu hiệu lừa đảo, gian lận trong đầu tư nước ngoài. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động ĐTTTNN còn bộc lộ nhiều mặt yếu kém đã tạo kẽ hở để đối tác nước ngoài lợi dụng.
- Vấn đề quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn ĐTTTNN cũng là một khía cạnh cần xem xét cả trên góc độ kinh tế và an ninh. Một vấn đề lớn khác có tính chất tiêu cực thẩm thấu lâu dài về mặt quan hệ kinh tế, sự phân hoá xã hội, về mặt ý thức hệ, về tâm lý và đạo đức, lối sống đó là mối quan hệ "chủ - thợ" trong các doanh nghiệp ĐTTTNN, nhất là ở các xí nghiệp 100% vốn nước ngoài hình thành lên một sự bất bình đẳng trong lao động và đời sống xã hội.
2. Đề tài đã đánh giá kết quả công tác bảo vệ an ninh kinh tế trên lĩnh vực ĐTTTNN tại địa bàn tỉnh Hải Dương và dự báo thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch đối với đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.
3. Nội dung cơ bản các giải pháp bao gồm:
- Đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, nâng cao vai trò, phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh Quốc gia và kinh tế ĐTTTNN tại địa bàn Hải Dương.
- Tuyên truyền nâng cao cảnh giác cách mạng cho cán bộ, công chức trước âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
- Thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ĐTTTNN trên địa bàn tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, làm sạch môi trường đầu tư nước ngoài tại địa bàn.
- Nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng an ninh. Xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh kinh tế giỏi về nghiệp vụ, nắm vững khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu công tác đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch và các hoạt động tội phạm trên lĩnh vực kinh tế ĐTTTNN.
- Chủ động điều tra thu thập tích luỹ các tài liệu về tình hình hoạt động của các đối tác nước ngoài, các đối tượng từ khâu thăm dò tìm hiểu thị trường, lập dự án tiền khả thi tới quá trình triển khai và hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phát hiện âm mưu của các loại đối tượng chống phá, chủ động trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm; tập trung vào các nội dung, mục tiêu ý đồ của địch, nguồn tài chính của đối tác đầu tư, nhân thân và hoạt động hiện hành của đối tượng, các vi phạm pháp luật Việt Nam, các đối tượng phản động lưu vong lợi dụng đầu tư để xâm nhập hoạt động móc nối phá hoại.
- Tập trung mọi biện pháp nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả các chuyên án, đối với địch bao vây ngăn chặn vô hiệu hoá không để kẻ địch hoạt động xâm hại an ninh quốc gia.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh trật tự trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại, xây dựng phương án kế hoạch nghiệp vụ tại các địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch có điều kiện, khả năng xâm nhập, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện chiến đấu chủ động đánh địch không để kẻ địch hoạt động.
- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chiến đấu của lực lượng bảo vệ an ninh kinh tế, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh kinh tế, đề xuất trang bị các phương tiện nghiệp vụ hiện đại phù hợp cho công tác nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ an ninh kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Giúp cho Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác lãnh đạo, quản lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
- Giúp cho lực lượng công an, theo dõi, nắm tình hình giúp các giám đốc doanh nghiệp, tổ chức quản lý, phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm gây ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế, chống các biểu hiện tiêu cực ở các cơ quan xí nghiệp.