Chủ nhiệm đề tài: Ông Lê Văn Tuyến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 3/2001 đến tháng 3/2002.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Đánh giá vai trò quan trọng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung và phương pháp lãnh đạo của Đảng với Nhà nước.
- Đề xuất phương hướng nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới nhằm đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Một số vấn đề chung về tổ chức bộ máy.
1.1. Về vai trò của tổ chức:
Tổ chức có vai trò hết sức quan trọng. Trong một tổ chức, các thành viên có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, liên kết mọi thành viên trong tổ chức thành một khối vững chắc.
Đảng ta là một đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đảng lãnh đạo bằng việc xác định đường lối, đề ra các chủ chương chính sách, song phải được cụ thể hoá và thông qua tổ chức thực hiện trong thực tiễn.
1.2. Những yếu tố hình thành và phát triển tổ chức:
- Mục tiêu nhiệm vụ chính trị: Mục tiêu là điểm khởi đầu của tổ chức. Sự ra đời của tổ chức, cơ cấu, quy mô, phương thức hoạt động của tổ chức đảm bảo cho nó thực hiện được chức năng nhiệm vụ được giao.
- Cơ cấu tổ chức: Tổ chức bộ máy xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, từ vị trí chức năng của từng bộ phận làm cho bộ máy hoạt động có hiệu lực. Cơ cấu tổ chức phải phù hợp với các yêu cầu khách quan và chức năng nhiệm vụ cụ thể của tổ chức đó.
- Cơ chế hoạt động của tổ chức: Là tổng hợp những yếu tố, động lực, biện pháp có liên quan để nâng cao hoạt động hiệu quả của tổ chức. Cơ chế hoạt động của tổ chức bộ máy của Đảng quy định chặt chẽ các quy tắc, thể lệ và tiêu chuẩn hoạt động mà mọi thành viên phải tuân theo.
- Con người trong tổ chức: Con người là yếu tố cơ bản, năng động nhất của bộ máy, nếu con người được bố trí và sử dụng đúng chỗ, đúng sở trường thì có thể phát huy cao hiệu lực của bộ máy.
- Điều kiện vật chất: Theo nghĩa rộng là cơ sở vật chất - kỹ thuật, điều kiện kinh tế chính trị, xã hội, phong tục tập quán... Theo nghĩa hẹp là các phương tiện cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho hoạt động tổ chức như: Nhà cửa, công cụ, thiết bị, tiền lương, vốn...
- Yếu tố thời gian: Yếu tố thời gian khẳng định tính ổn định tương đối của tổ chức, là cơ sở để xác định tính phù hợp của mô hình tổ chức với hoàn cảnh cụ thể, tạo nên tính đồng bộ, tính kỷ luật trong hoạt động tổ chức, nó khắc phục tình trạng tuỳ tiện, lề mề trong công tác.
- Yếu tố kiểm tra: Kiểm tra gắn liền với hoạt động tổ chức vì mọi yếu tố tổ chức phải luôn bổ sung, hoàn thiện. Coi trọng yếu tố kiểm tra sẽ nâng cao được chất lượng của hệ thống chính trị.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ thường xuyên có tính quy luật.
Hệ thống tổ chức và bộ máy luôn luôn vận động, phát triển. Cùng với sự phát triển xã hội, hệ thống tổ chức vận động tuân theo những quy luật chung và quy luật riêng của mỗi loại hình tổ chức - bộ máy nhất định. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy cần phải chú ý đến quy luật này.
2.1. Đảm bảo thống nhất giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan:
- Điều chỉnh, thay đổi tổ chức bộ máy bao gồm sát nhập, giải thể, hình thành tổ chức mới hoặc mở rộng chức năng, nhiệm vụ; đổi mới cơ cấu, cơ chế hoạt động...
- Khi điều kiện khách quan thay đổi, những mô hình tổ chức cũ không phù hợp phải thay đổi theo. Chính hiệu quả của tổ chức bộ máy là thước đo sự phù hợp của nó với điều kiện khách quan.
2.2. Đổi mới kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy cần nắm vững tính hệ thống và sự tác động qua lại giữa các yếu tố cấu thành tổ chức:
Vai trò quan trọng của chủ thể xây dựng tổ chức ở chỗ phải kịp thời xác định các yếu tố chi phối. Từ đó, phải tập trung kiện toàn và đổi mới yếu tố có tính chất chi phối và chỉ đạo đó, không nên dàn trải, phiến diện.
Hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung là một chỉnh thể thống nhất. Trong quá trình kiện toàn, đổi mới cần kiên quyết chống khuynh hướng chia tách thành những bộ phận biệt lập hoặc gây ra sự rối loạn trong sự chỉ đạo, điều hành của tổ chức.
3. Thực trạng tổ chức bộ máy trong hệ thống cơ quan Đảng ở cấp tỉnh và cấp huyện.
3.1. Bộ máy cơ quan Đảng cấp tỉnh gồm có:
- Văn phòng Tỉnh uỷ: Có 2 phòng, và 2 bộ phận. Biên chế có 23 người.
- Ban Tổ chức Tỉnh uỷ: Gồm có văn phòng ban và ba phòng chuyên môn giúp việc cho lãnh đạo. Biên chế có 25 người trong đó số người tham gia công tác ngành dưới 5 năm là 20%. Còn lại đều đã từng công tác từ 10 năm trở lên.
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ: Mô hình tổ chức bộ máy gồm có lãnh đạo ban, gồm: 01 trưởng ban, 03 phó ban, văn phòng và 4 phòng chuyên môn. Biên chế có 21 người với trình độ chuyên môn trên 5 năm.
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ: Thực hiện theo mô hình tổ chức bộ máy gồm có Văn phòng và 2 bộ phận, 5 tỉnh uỷ viên chuyên trách. Biên chế toàn cơ quan là 21 người.
- Ban Dân vận Tỉnh uỷ: Có 01 Trưởng ban là Tỉnh uỷ viên, 04 chuyên viên được phân công theo dõi các huyện và đoàn thể dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo.
- Báo Hải Dương: Gồm 01 Tổng biên tập, 1 Phó Tổng biên tập, 6 ban chuyên môn là những bộ phận tham mưu và trực tiếp xử lý công việc.
- Trường Chính trị tỉnh: Gồm 7 khoa, 03 phòng với 75 cán bộ, công nhân viên, trong đó 38% là giáo viên.
- Ban Kinh tế Tỉnh uỷ: Trước khi giải thể có 11 người, cơ cấu tổ chức gồm 3 phòng. Ban Kinh tế Tỉnh uỷ đã thực hiện chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ trong việc xây dựng đề án, chương trình Nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội; tham gia vào công tác kiểm tra việc thực hiện những Nghị quyết lớn về kinh tế.
- Ban Nội chính Tỉnh uỷ: Biên chế trước khi giải thể có 5 người, tổ chức bộ máy theo mô hình chuyên viên theo dõi, tổng hợp tham mưu trực tuyến cho lãnh đạo.
3.2. Bộ máy các cơ quan Đảng ở cấp huyện, thành phố.
Trong toàn tỉnh, các cơ quan Đảng ở cấp huyện, thành phố được tổ chức theo một mô hình thống nhất: Gồm Văn phòng cấp uỷ, Ban Tổ chức, Uỷ ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị.
Nhìn chung mô hình như vậy là hợp lý, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cấp uỷ. Các cơ quan đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, không có sự chồng chéo. Tuy nhiên về cơ chế hoạt động, hiện nay các huyện, thành phố còn vướng mắc về tổ chức hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị chưa phát huy và thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ.
4. Phương hướng nâng cao chất lượng hệ thống chính trị.
4.1. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Đảng theo Nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII. Đổi mới kiện toàn tổ chức, bộ máy Đảng, hoàn thiện phương thức lãnh đạo. Nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức, bộ máy của Đảng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm đảm bảo thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Sắp xếp kiện toàn lại các ban tham mưu và đơn vị sự nghiệp trong bộ máy Đảng theo hướng xác định rõ chức năng nhiệm vụ, tinh gọn, tăng cường chất lượng cán bộ của các ban Đảng.
4.2. Nâng cao chất lượng các cơ quan trong quản lý nhà nước theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, thể hiện rõ tính chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hoàn thiện tổ chức, chức năng nhiệm vụ của HĐND và đại biểu HĐND. Phân định rõ chức năng nhiệm vụ từng tổ chức, khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đồng thời với đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cần phải thực hiện sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tinh giảm biên chế và thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về mọi mặt.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kết quả nghiên cứu đã được Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sử dụng trong quá trình tham mưu cho Tỉnh uỷ nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức Đảng các cấp tỉnh, huyện.