Chủ nhiệm đề tài:
Cử nhân Đào Xuân Thế, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Cục Thống kê tỉnh Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2001.
Kết quả nghiệm thu, xếp loại: Khá.
I. MỤC TIÊU
Đề tài được triển khai nhằm thống nhất nội dung, phương pháp tính các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp chủ yếu đối với cấp huyện tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001 - 2005.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng việc sử dụng hệ thống chỉ tiêu thống kê trong phân tích đánh giá tình hình kinh tế - xã hội ở cấp huyện.
Trong thời gian vừa qua, việc tính các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp như tổng giá trị sản xuất, tổng sản phẩm xã hội trong huyện và nhiều chỉ tiêu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội khác của các huyện, thành phố không thống nhất, làm cho sự so sánh giữa các huyện gặp nhiều khó khăn.
- Phương pháp tính, toán và hệ thống chỉ tiêu giữa các huyện không thống nhất, không ít huyện còn sử dụng sai, nhầm lẫn nội hàm của nhiều chỉ tiêu.
- Đến các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, thành phố, khi chuẩn bị văn kiện trình Đại hội, các huyện, thành phố mới chỉ đạo tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp, số liệu thiếu, phương pháp sai, nên kết quả không thống nhất.
2. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
2.1. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, sai sót.
- Chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể, hướng dẫn chi tiết, có tính khả thi và chỉ đạo thực hiện thống nhất đối với cấp huyện, thành phố.
- Trình độ những người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ tổng hợp ở cấp huyện còn hạn chế, mặt khác đội ngũ cán bộ thống kê chưa được trang bị kịp thời, đầy đủ những kiến thức cơ bản về hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) dùng để tính toán, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế, xã hội phục vụ yêu cầu về quản lý của địa phương.
- Tư tưởng thành tích, phương pháp làm việc thiếu khoa học vẫn tồn tại ở một số cán bộ dẫn đến đánh giá còn mang tính chất cảm tính, không tôn trọng khách quan.
2.2. Giải pháp khắc phục.
- Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu nhằm áp dụng thống nhất cho cấp huyện trong đánh giá, phân tích tình hình kinh tế - xã hội hàng năm, nhiều năm.
- Trang bị kịp thời những kiến thức cơ bản về hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế, nhất là những người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ tổng hợp.
- Nâng cao chất lượng số liệu thống kê đặc biệt trong báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm, chấn chỉnh công tác hệ thống hoá và lưu trữ số liệu lịch sử ở cấp huyện.
- Đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc nghiêm túc, tôn trọng thực tế khách quan; khắc phục tư tưởng thành tích, làm việc thiếu khoa học, nhận định đánh giá chủ quan, cảm tính.
3. Nhu cầu thông tin để quản lý, chỉ đạo ở cấp huyện.
Các thông tin chủ yếu cần thiết giúp cấp uỷ Đảng và chính quyền cấp huyện trong việc quản lý và định hướng các chiến lược phát triển kinh tế, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Các thông tin về kết quả sản xuất, tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế.
- Các thông tin về dân số, lao động và việc làm.
- Các thông tin về đời sống dân cư.
- Các thông tin phản ánh kết quả chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, về hoạt động giáo dục, văn hoá.
4. Hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu áp dụng ở cấp huyện.
- Chỉ tiêu tổng hợp: Tổng giá trị sản xuất, tổng sản phẩm trong huyện, tốc độ phát triển kinh tế, tổng sản phẩm trong huyện bình quân đầu người.
- Chỉ tiêu về nông, lâm, thuỷ sản: Giá trị sản xuất, tốc độ phát triển giá trị sản xuất, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính v.v...
- Chỉ tiêu về công nghiệp, xây dựng: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp xây dựng, tốc độ phát triển, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.
- Chỉ tiêu ngành thương mại, dịch vụ: Giá trị sản xuất ngành thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng,... giá trị sản xuất ngành vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc.
- Chỉ tiêu về tài chính: Thu, chi ngân sách huyện, thành phố.
- Chỉ tiêu dân số và lao động: Dân số trung bình, lao động làm việc trong các ngành, cơ cấu lao động trong các ngành, tỷ lệ sinh hàng năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên.
- Chỉ tiêu ngành giáo dục: Tỷ lệ trường chuẩn, tỷ lệ học sinh vào lớp 10, số học sinh phổ thông trên 1 vạn dân, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi vào nhà trẻ mẫu giáo.
- Chỉ tiêu về y tế: Số nhân viên y tế trên 1 vạn dân, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng, số trạm y tế và số trạm y tế có bác sỹ.
- Chỉ tiêu về đời sống văn hoá, xã hội: Số làng, số khu dân cư văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá, số máy điện thoại trên 100 dân, chiều dài đường nông thôn trải vật liệu cứng, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ có nhà kiên cố.
5. Nội dung và phương pháp tính các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu ở cấp huyện.
5.1. Chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế.
Việc tính chỉ tiêu này gặp không ít khó khăn, đối với nhiều ngành kinh tế, nhất là các ngành kinh tế dịch vụ, ở cấp huyện rất khó khăn trong việc thu thập số liệu. Một số lĩnh vực phải do cấp tỉnh tính toán và phân bổ cho cấp huyện, thành phố hoặc phối hợp chặt chẽ với cấp huyện để thành phố tính toán.
Việc tính giá trị sản xuất các ngành kinh tế dịch vụ theo giá so sánh, nhìn chung xuất phát từ giá trị sản xuất của ngành đó theo giá trị hiện hành và các chỉ số giá phù hợp của năm báo cáo so với năm gốc.
5.2. Tính chỉ tiêu tổng sản phẩm trong huyện.
Tổng sản phẩm trong huyện là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, quan trọng nhất, thường dùng để đánh giá tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, năng suất lao động xã hội hiệu quả của đồng vốn, tỷ lệ động viên tài chính, chỉ số giảm phát, sự phân chia lợi ích, các quan hệ cân đối lớn của nền kinh tế.
Để tính toán chỉ tiêu tổng hợp phản ánh sát thực tế, nhất là đối với chỉ tiêu thông qua việc thu thập báo cáo từ cơ sở thì sau một số năm cần tiến hành điều tra để kịp thời bổ sung, xử lý cho phù hợp.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội với các huyện, thành phố và hướng dẫn phương pháp tính toán. Ngành thống kê đã thống kê và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho các cấp huyện, thành phố.
Tuy vậy, các cấp uỷ Đảng và chính quyền cấp huyện, thành phố chưa chỉ đạo sát sao để các đơn vị chuyên môn tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo hướng dẫn, mà vẫn làm theo ý kiến riêng của các huyện, thành phố.