Quy chế dân chủ ở cấp Xã của tỉnh Hải Dương

ĐỀ TÀI THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Thạc sĩ Phạm Văn Thẩm, Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.

 

 Đơn vị chủ trì thực hiện: Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 3 năm 2001 đến tháng 3 năm 2002.

Đề tài đã được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Điều tra thực trạng việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở các xã của tỉnh Hải Dương từ năm 1998 đến năm 2002, từ đó rút ra những mặt mạnh, mặt yếu cơ bản. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp chủ yếu để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn các nội dung của Nghị định 29/CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã của tỉnh Hải Dương.

Kết quả điều tra xã hội học trên địa bàn tỉnh Hải Dương về quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở xã có 1.072 người bằng 92,7% cho rằng dân phấn khởi; 1.062 người bằng 91,7% cho rằng phong trào địa phương phát triển tốt; có 1.066 người bằng 92,1% cho rằng niềm tin của nhân dân đối với Đảng tăng; 1.074 người bằng 92,8% cho rằng tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn bộc lộ một số tồn tại như nhận thức về dân chủ còn nhiều mặt hạn chế, nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách, lâu dài của vấn đề dân chủ nói chung và thực hiện quy chế dân chủ nói riêng; nhiều người thờ ơ hoặc chưa quan tâm đến vấn đề về chế độ chính sách, chỉ thấy quyền lợi mà coi nhẹ nghĩa vụ, trách nhiệm, thậm chí nhiều người còn lợi dụng dân chủ để gây mất trật tự, an ninh ở nông thôn.

1.1. Nguyên nhân của kết quả đã đạt được trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Qua điều tra xã hội học và phỏng vấn 1.157 người ở 60 xã, phường trong 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xác định nguyên nhân chính như sau:

- Cần có sự chỉ đạo và ban hành kịp thời các chỉ thị, quyết định của Đảng và Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, có các văn bản về thực hiện dân chủ ở cấp xã.

- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể (từ tỉnh, huyện, xã) đã nhanh chóng tổ chức thực hiện ở địa phương. Từ việc thành lập Ban chỉ đạo ở các cấp, tiến hành làm điểm và nhân ra diện rộng ở tỉnh ta triển khai trong 2 năm 1998 - 1999 ở tất cả 263 xã, phường, thị trấn, do đó đã tạo ra sự phát triển toàn diện trên các mặt của nông thôn Hải Dương.

- Cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở xã bắt đầu từ việc tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, làm cơ sở để lôi cuốn quần chúng.

- Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định 29/CP của Chính phủ, đại đa số quần chúng nhân dân có sự đồng tình cao. Đây là chủ trương rất thiết thực đối với nông thôn. Quần chúng nhân dân đã tích cực thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị định 29/CP, nhất là những vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, những việc nhân dân giám sát, kiểm tra, những nội dung về thực hiện hương ước, quy ước khu dân cư.

1.2. Nguyên nhân của những hạn chế trong  thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Một số xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về các văn bản của Đảng và Nhà nước các cấp về nội dung của quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là nội dung Nghị định 29/CP của Chính phủ.

- Ở một số địa phương khi triển khai thực hiện quy chế dân chủ, một bộ phận, đảng viên chưa nhận rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, khi triển khai thiếu nhiệt tình gương mẫu đi đầu phong trào.

- Vai trò của một số tổ chức trong hệ thống chính trị ở các địa phương chưa được phát huy trong quá trình triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Cấp uỷ Đảng và chính quyền một số huyện, thành phố chưa kiểm tra, đôn đốc sát sao cấp cơ sở, phong trào không đồng đều ở các địa phương.

2. Một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của quy chế dân chủ. Những nội dung cơ bản của quy chế dân chủ phải được phổ biến đến từng hộ gia đình, từng người dân, mà trước hết, trong cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể, đến đội ngũ cán bộ đảng viên, trưởng thôn, khu dân cư.

- Kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền về quy chế dân chủ với tuyên truyền phổ biến về pháp luật. Tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật, mở rộng dân chủ trong nhân dân, tiến hành công khai hoá những nội dung quy chế đã nêu, xây dựng và cải tiến cơ chế để nhân dân tham gia công tác kiểm tra, giám sát.

- Thực hiện đúng nội dung quy chế dân chủ ở cấp xã theo Nghị định 29/CP của Chính phủ và tiếp tục bổ sung hoàn thiện nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Thực hiện quy chế dân chủ phải gắn liền với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội ở cơ sở, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế bền vững.

- Nâng cao dân trí và đảm bảo phát triển dân sinh, đảm bảo cho nhân dân nhận thức và thực hiện quyền làm chủ đúng đắn, có hiệu quả. Cần phải quan tâm nâng cao trình độ văn hoá, chính trị, trình độ nhận thức, cũng như hiểu biết căn bản về pháp luật cho nhân dân.

- Nâng cao vai trò hoạt động của trưởng thôn, trưởng khu dân cư: Thôn, khu dân cư có vị trí quan trọng liên quan đến việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cấp xã, vì vậy nhất thiết phải nâng cao vai trò hoạt động của trưởng thôn, trưởng khu dân cư với các giải pháp cụ thể là: Giới thiệu người vào danh sách bầu trưởng thôn, trưởng khu dân cư phải có trình độ, năng lực tốt; phải bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ công tác; có chế độ phụ cấp thoả đáng và động viên kịp thời.

- Kiểm tra đôn đốc thường xuyên  quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xử lý nghiêm minh các vi phạm nội dung quy chế dân chủ: Đi liền với quá trình tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, cần phải có quy trình kiểm tra chặt chẽ và sát sao. Thông qua quá trình kiểm tra, phát kiện những cán bộ, đảng viên vi phạm quy chế dân chủ, cần phải xử lý kịp thời, đúng quy định.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Cơ quan chủ trì đề tài chưa tham mưu trực tiếp cho cấp uỷ Đảng và chính quyền cấp tỉnh về vốn để thực dân chủ ở cơ sở. Kết quả thực hiện đề tài chỉ phục vụ cho công tác giảng dạy trong trường Chính trị tỉnh.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây