Hiện trạng xoá đói, giảm nghèo và những đề xuất

ĐỀ TÀI ĐIỀU TRA HIỆN TRẠNG XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở NÔNG THÔN TỈNH HẢI DƯƠNG

Chủ nhiệm đề tài: Th.S Phạm Duy Khiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

Thời gian thực hiện: 1997 - 1999.

Đề tài được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Điều tra thực trạng đói nghèo ở các địa phương, các biện pháp giải quyết của các ngành, các địa phương trong việc giải quyết tình hình đói nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất giải pháp phù hợp xoá đói, giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra hiện trạng tình hình đói nghèo ở các xã.

Điều tra ở 15 xã trong tỉnh tại thời điểm tháng 11/1997 đại diện cho 10 huyện với vùng núi Chí Linh, Kinh Môn, vùng xa, vùng sâu của một số huyện và một số xã có kinh tế phát triển như Hưng Đạo (Tứ Kỳ), Cổ Dũng (Kim Thành), Gia Khánh (Gia Lộc), Long Xuyên (Bình Giang)... Kết quả điều tra như sau:

1.1. Hoạt động đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho người nghèo.

- Tổng số tiền vốn đầu tư cho các hoạt động xoá đói giảm nghèo những năm 1993 - 1996 là 57.397 triệu đồng. Trong đó: Vốn cho vay lãi xuất ưu đãi 0,8% là 34.784 triệu đồng, vốn cho vay lãi suất 1,0% là 19.516 triệu đồng.

- Tiêu chí xác định hộ nghèo chưa thống nhất nên vốn vay theo lãi suất ưu đãi đầu tư chưa đúng đối tượng.

- Kết quả điều tra 15 xã cho thấy 50,8% hộ nghèo được vay vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ mức thu nhập đã tăng nên rõ rệt.

1.2. Nguyên nhân của các hộ lâm vào tình trạng đói nghèo.

- Thiếu vốn phục vụ sản xuất. Kết quả điều tra ở 15 xã cho thấy 55% hộ nghèo là do không có vốn để sản xuất.

- Trình độ dân trí thấp. Nhiều hộ nghèo không biết làm ăn, làm việc gì cũng thua lỗ, năng suất lao động thấp, không tiếp cận được tiến bộ khoa học. Không biết quản lý sản xuất và tiêu thụ.

- Thiên tai: Bão lụt, sâu bệnh, mất mùa v.v... làm cho các hộ thất thu, đã nghèo lại càng nghèo thêm.

- Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên.

- Trong gia đình có người ốm yếu, bệnh tật kinh niên, khuyết tật không thể lao động, hao tiền tốn của cho việc chữa trị bệnh.

- Một số hộ nghèo do lười lao động.

2. Kết quả hỗ trợ của các tổ chức trong việc xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoạt động cho vay, xoá đói giảm nghèo có hiệu quả.

- Hội Phụ nữ các cấp đã thành lập Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở. Thành lập các quỹ tín dụng, tổ chức chuyển giao công nghệ, tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học về cây, con phục vụ xoá đói giảm nghèo.

- Hội Nông dân tín chấp cho 53.712 lượt người nghèo vay 1,7 tỷ đồng phát triển sản xuất, mở nhiều lớp chuyển giao khoa học công nghệ, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi... đã góp phần tích cực giúp nhiều hộ nông dân thoát cảnh đói nghèo.

- Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên có nhiều hình thức hoạt động tạo vốn, giải quyết công ăn việc làm giúp các hộ hội viên nghèo có vốn và cách làm ăn nên đã đạt nhiều kết quả.

- Hợp tác xã tín dụng nhân dân được hình thành và phát triển đóng góp rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh.

3. Những giải pháp xoá đói giảm nghèo ở nông thôn tỉnh Hải Dương.

3.1. Triển khai và thực hiện nghiêm túc Quy định số 54-QĐ/TW.

- Triển khai và thực hiện nghiêm túc Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị và Quy định số 05-QĐ/TU ngày 3/5/2000 của Tỉnh uỷ Hải Dương về chế độ học tập chính trị trong Đảng. Việc học tập nâng cao trình độ và kết quả học tập theo nội dung quy định phải được gắn với việc tiêu chuẩn hoá, phải là một trong những tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ cơ sở.

- Phải làm cho tất cả các Đảng bộ cơ sở nhận thức sự nghiệp CNH - HĐH nông thôn và kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ cụ thể của mình, phải có ý thức, có kế hoạch chăm lo xây dựng cho cơ sở mình có đủ các yếu tố và điều kiện để vươn lên làm giàu.

- Từng địa phương phải có quy hoạch tổng thể và từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Lãnh đạo địa phương phải biết khai thác và huy động mọi nguồn vốn. Phải phân bổ sử dụng nguồn vốn đúng chương trình, mục tiêu, đúng mục đích, đúng đối tượng, quỹ hỗ trợ người nghèo phải đến được với người nghèo.

3.2. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác xoá đói giảm nghèo.

Việc xoá đói giảm nghèo phải dựa vào các lực lượng chính trị, xã hội ở nông thôn. Trước hết là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.

3.3. Giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong chủ trương xoá đói giảm nghèo.

Thường xuyên quan tâm đến đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, cân đối giữa nhiệm vụ nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Ngoài kinh phí đầu tư cho hệ thống giáo dục phổ thông cần đầu tư thoả đáng cho giáo dục dạy nghề.

- Có chính sách khuyến nông, quan tâm xây dựng tổ chức khuyến nông ở các cấp.

- Tăng cường tập huấn, hướng dẫn giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có điều kiện tiếp thu, đưa được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

- Kiến nghị với Nhà nước có chính sách hỗ trợ, trợ giá đầu vào (thuỷ lợi phí, phân bón ...) và thu mua trợ giá đầu ra để nông dân sản xuất có lãi.

- Tăng cường đầu tư hỗ trợ xây dựng điện, đường, trường, trạm ở nông thôn để có sự công bằng giữa người dân thành thị và nông thôn.

- Hỗ trợ nông dân kiên cố hoá kênh mương, tiết kiệm diện tích đất nông nghiệp, giảm thất thoát, hạ giá điện thuỷ lợi, đặc biệt là trợ giá lúc bơm chống úng.

Tập trung mọi nguồn vốn hỗ trợ người nghèo, cho vay với lãi suất ưu đãi, nhất là các hộ nghèo do hoàn cảnh đặc biệt: trí tuệ hạn chế, tàng tật v.v...

3.4. Một số giải pháp cụ thể.

- Củng cố Ban xoá đói giảm nghèo của xã, cử cán bộ chủ chốt trực tiếp làm trưởng ban, có các đoàn thể tham gia.

- Đánh giá đúng mức thu nhập và đời sống của các hộ gia đình trong xã, thôn. Xác định chính xác các hộ đói, nghèo ở địa phương. Xác định rõ số lượng hộ đói, hộ nghèo thiếu vốn, thiếu trí tuệ, thiếu nhân lực... để xây dựng kế hoạch và có biện pháp hỗ trợ cụ thể.

- Dành một lượng vốn cho diện nghèo vay qua chương trình đầu tư vật nuôi (trâu, bò) có kỹ thuật đơn giản và thu lại vốn bằng sản phẩm để tiếp tục đầu tư mở rộng.

- Kiện toàn các tổ chức khuyến nông, xây dựng các dự án chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Kết quả của đề tài chưa được chuyển hoá thành văn bản chỉ đạo của cấp uỷ Đảng nhưng cũng đã là cơ sở để chỉ đạo xoá đói giảm nghèo ở địa phương.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây