Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hữu Cát, quyền Trưởng ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hải Dương.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 1998 - 1999.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Nghiên cứu, phân tích làm rõ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm đường lối của Đảng ta về công nghiệp hoá, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nền kinh tế quốc dân và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông thôn Hải Dương khi tiến hành công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.
- Lựa chọn, đề xuất nội dung bước đi, các giải pháp cơ bản thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Hải Dương đến năm 2010.
- Lượng hoá mô hình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cho một xã điểm làm cơ sở thực tiễn triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thực trạng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương.
1.1. Phát triển lực lượng sản xuất.
- Xây dựng và củng cố hạ tầng phục vụ nông nghiệp:
Thuỷ lợi hoá: Đã sớm hoàn thành hệ thống thuỷ lợi với 889 trạm bơm, 1.939 máy bơm các loại.
Cơ giới hoá: Cơ giới hoá khâu làm đất năm 1997 đã đạt 46%, năm 1999 là 55%. Toàn tỉnh có 1.554 máy kéo có khả năng giải quyết trên 60% cơ giới hoá khâu làm đất, 100% khâu tuốt lúa, 100% xay xát gạo và 50% vận tải nông thôn.
Điện khí hoá: Điện khí hoá nông thôn cơ bản đã hoàn thành. Đến nay đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia, 95% số hộ đã được dùng điện.
Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh: Tất cả các xã vùng sâu, vùng xa đều có đường ô tô vào trung tâm xã.
Các cơ sở phục vụ công cộng được đầu tư phát triển khá như: Hệ thống trường học được xây dựng khang trang, các điểm bưu điện văn hoá xã phát triển, trạm y tế các xã được quan tâm nâng cấp.
- Về sử dụng đất nông nghiệp: Thực hiện chương trình 773, toàn tỉnh đã tích cực khai thác, cải tạo đất hoang hoá, mặt nước chưa sử dụng... thành đất sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm (1994-1998) đã cải tạo, đưa 800 ha đất chưa sử dụng vào trồng cây hàng năm và nuôi cá, đưa 3.325 ha đất đồi núi trọc thành đất lâm nghiệp trồng rừng; cải tạo được 70% trong tổng số 4.306 ha đất vườn.
- Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Về trồng trọt, chăn nuôi: Đã triển khai chương trình cấp 1 hoá giống lúa, đưa vào sử dụng một tập đoàn các giống mới, ngô lai có năng suất cao nên năng suất và sản lượng thóc của tỉnh tăng lên. Hàng năm khối lượng thóc hàng hoá của tỉnh đạt 20 vạn tấn.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản cũng phát triển mạnh và rộng khắp. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học và các quy trình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản thích hợp nên năng suất và chất lượng đã được nâng lên rõ rệt.
- Công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn: Nhờ chính sách kinh tế nhiều thành phần, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển khá phong phú, đa dạng về sở hữu và tương đối ổn định.
- Phát triển nguồn nhân lực: Kết quả điều tra năm 1998 cho thấy, số lao động trong khu vực nông thôn là 832 ngàn người (chiếm 89%). Tuy nhiên, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn nói chung còn thấp.
1.2. Củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất ở nông thôn.
- Phát triển các thành phần kinh tế ở nông thôn: Năm 1999 tỉnh ta có 28 doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản. Trong đó có 12 xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi, 6 xí nghiệp sản xuất giống lúa, màu; 4 xí nghiệp sản xuất giống cá; 1 trung tâm giống gia súc; 1 công ty đầu tư dâu tằm tơ; 1 công ty cơ điện nông nghiệp; 2 doanh nghiệp lâm nghiệp; 1 công ty vật tư nông nghiệp. Ngoài ra còn có Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông.
- Kinh tế hợp tác xã: Thực hiện Luật Hợp tác xã, đến hết tháng 10/1998 toàn tỉnh có 378 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện đại hội và chuyển đổi 306 hợp tác xã (bằng 81%); đã cấp giấy kinh doanh cho 239 hợp tác xã.
- Kinh tế hộ: Khu vực nông thôn, chủ yếu là hộ nông dân với 35,5 vạn hộ, từ sau khi được giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định, lâu dài, hộ nông dân thực sự đơn vị kinh tế tự chủ. Kinh tế hộ trong nông nghiệp ngày càng phát triển. Số hộ làm ăn khá và giầu tăng lên chiếm trên 30%, số hộ nghèo giảm xuống còn 6,6%.
- Hợp tác với nước ngoài: Đến năm 1999 toàn tỉnh có 30 dự án được cấp giấy phép, với tổng vốn đăng ký là 509,7 triệu USD. Trong đó có 22 dự án đã và đang đi vào hoạt động với vốn đăng ký là 464,7 triệu USD. Trong số các dự án này có 8 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm, với vốn đăng ký là 33,9 triệu USD.
- Hoạt động của hệ thống chính trị không ngừng được đổi mới, quyền làm chủ của nhân dân từng bước được phát huy.
2. Nội dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đề tài đã tiến hành xây dựng một số nội dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Hải Dương sau bao gồm các yếu tố chủ yếu:
- Xây dựng cơ sở, vật chất - kỹ thuật phục vụ nông nghiệp: hệ thống điện, thuỷ lợi, giao thông nông thôn, hệ thống dịch vụ nông nghiệp, hệ thống đê kè.
- Cơ giới hoá, thay lao động thủ công bằng lao động sử dụng máy móc trong các khâu làm đất, vận chuyển, xay xát, tuốt đập...
- Xây dựng những công trình phúc lợi công cộng như, trường học, trạm xá; thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; xây dựng nhà văn hoá, sân thể thao...
- Phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn.
- Cải tạo và khai thác, tận dụng đất đai gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng chuyên canh.
- Phát triển các thành phần kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
- Áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện dân chủ hoá ở nông thôn.
3. Một số giải pháp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Hải Dương.
- Tổ chức thị trường cho nông nghiệp, nông thôn:
Tổ chức lại hệ thống thương mại nông thôn một cách hợp lý, bao gồm nhiều loại hình tổ chức khác nhau như: doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, các đại lý cung ứng vật tư, các tổ chức liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp và hộ nông dân trong việc đảm bảo các yếu tố đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh vật tư nông nghiệp để từng bước điều chỉnh các yếu tố đầu vào một cách hợp lý nhằm đảm bảo cho nông dân đỡ bị thiệt thòi khi giá hàng hoá nông sản thấp, không ổn định, còn giá vật tư cao và có nhiều yếu tố bất hợp lý.
Cần có chính sách hỗ trợ và bảo hộ cho nông dân trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
- Giải pháp huy động vốn cho đầu tư phát triển từ nhiều nguồn: Ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương); tín dụng, liên doanh với các tỉnh, thành phố; nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân; nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI).
- Giải pháp chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn bao gồm chính sách: thuế, giá cả, lãi suất tín dụng, khoa học và công nghệ, bảo hiểm sản xuất, quỹ hỗ trợ nông nghiệp, giải quyết việc làm cho nông dân, chính sách đất đai và hỗ trợ giáo dục - đào tạo, xoá đói, giảm nghèo.
- Giải pháp phát triển nguồn lực cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế - xã hội. Kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
4. Thí điểm áp dụng các nội dung, giải pháp về thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách.
- Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch giao thông, thuỷ lợi.
- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Phát triển thủ công nghiệp, dịch vụ. Bảo đảm nhu cầu đầu tư.
- Hoàn thiện hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp về tổ chức, quy mô, phương thức hoạt động cho phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của xã làm trợ thủ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kết quả nghiên cứu mới chỉ được áp dụng thử nghiệm tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, chưa chuyển hoá thành chủ trương chung của tỉnh để chỉ đạo áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.