Khoa học quản lý (số 3-2024) -0001-11-30 07:06:30

Những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn xác định cây rau màu vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên các địa phương tập trung chỉ đạo mở rộng sản xuất, nhất là các cây vụ đông giá trị kinh tế cao. Thời tiết được đánh giá là thuận lợi cho cây trồng vụ đông sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao, chất lượng tốt, ít bị sâu bệnh hại. Giá bán các loại rau đều cao hơn so vụ đông năm trước. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.

Các vùng sản xuất rau màu hàng hóa chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì và mở rộng như hành, tỏi, cà rốt, cải bắp, su hào… Xuất hiện thêm nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung; mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ được mở rộng. Các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiếp tục được ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiến sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất như: cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất khoai tây; trồng dưa chuột không sử dụng giàn dóc; mở rộng diện tích sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ.

Trong năm 2024 - 2025, tỉnh Hải Dương tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương tích cực chuẩn bị sớm các điều kiện, các giải pháp phát triển sản xuất vụ đông như: tăng trà lúa mùa sớm, tăng giống ngắn ngày,... để bố trí thời vụ cây vụ đông, nhất là vụ đông sớm; Các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật thâm canh, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ; tăng tích tụ ruộng đất sản xuất lớn; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc rau phục vụ xuất khẩu,...

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2024. Bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 4 - 6/2024 ít có khả năng xuất hiện, từ tháng 7-12/2024 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN, tập trung nhiều vào thời kỳ nửa cuối mùa mưa bão từ tháng 7-9.

 Hiện tượng nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với TBNN. Từ tháng 4 - 6/2024, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1 - 1,50C so với TBNN; từ tháng 7 - 9/2024, phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ; từ tháng 10 - 12/2024 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Dự báo, không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với TBNN khả năng xảy ra rét đậm, rét hại vào cuối năm 2024 ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ; xu thế lượng mưa từ tháng 4 - 6/2024, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN, từ tháng 7 - 9/2024 xu hướng xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ; từ tháng 10 - 12/2024 ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Giải pháp sản xuất vụ mùa năm 2024

Vụ lúa Đông xuân 2023 - 2024 thu hoạch tập trung từ ngày 01 - 15/6/2024, vụ mùa năm 2024, tỉnh Hải Dương gieo cấy 53.200 ha lúa, năng suất 59 tạ/ha, sản lượng 313.970 tấn. Gieo trồng 9.500 ha cây rau màu các loại, trongđó rau các loại 6.700 ha, cây ngô 1.000 ha, cây chất bột 500 ha, cây công nghiệp và cây khác 1.300 ha.

Vì vậy, vụ mùa gieo cấy càng sớm càng tốt, mở rộng diện tích cấy máy, để tạo điều kiện mở rộng quỹ đất cho gieo trồng cây vụ đông và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Mùa sớm, mùa trung cấy tập trung từ 25/6 - 10/7/2024. Hạn chế sử dụng giống nhiễm bệnh vàng lụi, lùn sọc đen, bạc lá, rầy nâu; chủ động tiêu úng kịp thời để đảm bảo năng suất lúa.

- Trà mùa sớm: Chiếm 25% diện tích (khoảng 13.250 ha), cấy chân cao cho thu hoạch trước ngày 05/10/2024 để trồng cây vụ đông sớm. Sử dụng các giống ngắn ngày có thời gian sinh trưởng từ 85 - 105 ngày: Gieo mạ dược, mạ sân trên nền đất cứng, mạ khay, cấy máy; thời vụ cấy từ 15-30/6/2024, gieo thẳng từ 20 - 25/6/2024.

- Trà mùa trung: Chiếm 67% diện tích (khoảng 35.500 ha). Chân cao, chân vàn: Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 95 - 115 ngày để trồng cây vụ đông. Gieo mạ sân trên nền đất cứng, mạ khay cấy máy, cấy từ ngày 01-10/7/2024; gieo thẳng từ ngày 25/6 - 5/7/2024. Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày, gieo mạ dược, cấy từ ngày 05-10/7/2024.

- Trà mùa muộn: Chiếm 8% diện tích (khoảng 4.250 ha), gồm các giống nếp đặc sản. Gieo mạ dược, cấy từ ngày 10 - 20/7/2024, tuổi mạ 25 - 30 ngày.

Tỉnh đã bố trí cơ cấu nhóm giống hợp lý để đảm bảo năng suất và hiệu quả sản xuất. Trong đó: nhóm giống lúa chất lượng gạo cao 80%; nhóm giống lúa năng suất cao 20%. Tăng sử dụng các giống lúa có phẩm chất giống tốt (giống xác nhận, giống nguyên chủng); giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng thời tiết tốt, chống chịu bệnh bạc lá, kháng rầy để tăng năng suất. Nông dân giâm giữ mạ còn thừa sau cấy để cấy dặm; dự phòng thóc giống ngắn ngày để gieo cấy bổ sung nếu mạ, lúa chết do mưa bão gây ngập úng. Thời vụ gieo cấy khắc phục mưa úng kết thúc trước ngày 05/8/2024.

Các địa phương tập trung nhân lực, máy móc để chủ động tranh thủ làm đất ngay sau thu hoạch lúa chiêm xuân. Gặt đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ ngay đến đó, làm đất kỹ. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi bột bón lót để hạn chế bốc chua, tạo điều kiện rơm rạ phân huỷ nhanh, hạn chế nghẹt rễ, phòng bệnh, đặc biệt là trên chân đất chua trũng. Thực hiện gieo cấy đúng lịch thời vụ. Mở rộng diện tích cấy máy bằng mạ khay, mạ sân trên nền đất cứng, gieo vãi ở những nơi có điều kiện tưới tiêu chủ động.

Quy vùng, sản xuất “một vùng - một giống - một thời gian” để tiện cho việc đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ, mở rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng cơ giới đồng bộ để tăng hiệu quả sản xuất lúa. Tập trung chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đảm bảo đủ nước cho làm đất, gieo cấy; xử lý hiệu quả tình huống bơm tiêu úng lúa mới cấy đầu vụ mùa và úng muộn lúc lúa sắp thu hoạch. Đặc biệt quan tâm đến việc phòng trừ bệnh lùn sọc đen, vàng lụi, bạc lá...Diệt chuột đồng loạt theo kế hoạch của tỉnh, huyện. Trọng tâm tập trung từ lúc làm đất đến trước khi gieo cấy.

Đối với rau màu hè thu: Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao theo nhu cầu thị trường và có hợp đồng bao tiêu đảm bảo kế hoạch năm 2024 đề ra. Hỗ trợ và mở rộng mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất rau màu quy mô lớn. Mở rộng diện tích cây rau màu hè thu để có quỹ đất chủ động cho trồng cây vụ đông sớm. Tập trung phát triển cây màu chủ lực, có lợi thế về thời vụ và đầu ra. Thực hiện tốt luân canh cây trồng, xử lý đất trước khi gieo trồng để cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh nhất là trên chân đất trồng dưa lê, dưa hấu. Sử dụng các giống chịu nhiệt, giống ghép để hạn chế sâu bệnh, sản xuất trái vụ để tăng hiệu quả kinh tế. Tăng diện tích trồng rau màu có che phủ nilon, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Giải pháp sản xuất vụ đông năm 2024 - 2025

Vụ đông năm 2024 - 2025 toàn tỉnh gieo trồng 21.500 ha. Trong đó, diện tích rau các loại 18.000 ha. Gồm các cây rau chủ lực như: Hành, tỏi củ 6.500 ha; cà rốt 1.200 ha; bắp cải, su hào, súp lơ 4.500 ha; khoai tây 1.000 ha; ngô 1.500 ha; cây khác 2.000 ha. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 4.800 tỷ đồng, bình quân 223 triệu đồng/ha.

Các địa phương tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ thuận lợi như vùng hành củ, cà rốt, củ đậu, cải bắp, su hào, súp lơ, cà chua,... nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV cho nhóm cây trồng phục vụ xuất khẩu như cà rốt, cải bắp, súp lơ,...; xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để tăng sản lượng xuất khẩu.

- Đối với cây ngô: Các giống ngô tẻ, thời gian sinh trưởng từ 115 - 125 ngày, gieo trồng trên đất bãi ngoài đê, gieo trong xong trước 15/9/2024. Các giống ngô nếp, ngô ngọt, thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, gieo hạt làm bầu tập trung trước 25/9/2024, trường hợp muộn nhất có thể đến ngày  05/10/2024. Thu hoạch sớm để bán bắp tươi và chế biến. Mở rộng tối đa diện tích gieo trồng trên đất 2 lúa, đất rau màu hè thu ở những địa phương có truyền thống trồng ngô. Áp dụng kỹ thuật làm ngô bầu, làm đất tối thiểu, trồng mật độ cao, đạt bầu chỉnh tán lá, trồng lệch vụ, rải vụ để tiêu thụ thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao.

- Đối với cây hành củ, tỏi:Chọn giống từ các ruộng sạch bệnh và được bảo quản tốt từ vụ trước. Thời vụ trồng tập trung từ 25/9-20/10/2024. Diện tích trồng tập trung tại TX. Kinh Môn, huyện Nam Sách, Kim Thành, TP. Hải Dương

- Đối với cà rốt: Lựa chọn giống chất lượng củ tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường. Gieo trồng từ 01/9-15/10/2024. Diện tích trồng tập trung tại huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, TP. Chí Linh.

- Đối với cải bắp, su hào, súp lơ: Lựa chọn các giống chất lượng, có thương hiệu, chống chịu thời tiết tốt, vụ sớm chọn giống chịu nhiệt. Gieo trồng từ ngày 15/8 - 31/12/2024. Diện tích trồng tập trung tại huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện...

- Đối với cây bí xanh, bí ngô: Lựa chọn giống F1 nhập nội chống chịu sâu bệnh, thời tiết tốt, chất lượng quả tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường. Diện tích trồng tập trung tại huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách, Thanh Miện. Gieo trồng trên đất bãi ngoài đê, đất trồng cây hè thu, gieo trước 15/9/2024; đất hai vụ lúa trồng trước 25/9/2024, thời gian bầu 7 - 10 ngày, áp dụng biện pháp làm bầu, trồng xen rạch lúa.

- Đối với cây khoai tây: Sử dụng các giống sạch bệnh, có chứng nhận theo quy định. Diện tích trồng tập trung tại huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà. Trồng tập trung từ ngày 25/10-15/11/2024, tốt nhất từ ngày 01-10/11/2024.

Tỉnh Hải Dương cũng đã thực hiện hỗ trợ để phát triển sản xuất cây vụ đông và các mô hình sản xuất an toàn theo Nghị quyết HĐND tỉnh và đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Chương trình liên kết gắn với tiêu thụ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường chỉ đạo nông dân sản xuất theo quy hoạch, trồng rải vụ thành các đợt trồng, tăng diện tích vụ sớm. Tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người sản xuất ngay từ đầu vụ (nhất là các hộ sản xuất tập trung) để tránh dư thừa, rớt giá. Duy trì và mở rộng các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức người sản xuất, sơ chế tiêu thụ về quy trình sản xuất an toàn (GAP, HACCP). Đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV không có trong danh mục được phép sử dụng và danh mục khuyến cáo sử dụng cho rau. Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, cá nhân mở rộng mô hình thuê đất sản xuất hàng hóa lớn, liên kết sản xuất, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Bài của Hải Ninh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2024.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.