TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard cho biết, năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành năm 2010 vẫn đạt 2,78% (năm 2009 đạt 1,83%). Và trong bối cảnh hiện nay, khi đa số các ngành đang phải nhập siêu thì ngành nông nghiệp vẫn có thể xuất siêu. "Kết quả này là sự kết hợp giữa việc phát huy triệt để nội lực của ngành nông nghiệp và tận dụng mọi cơ hội trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những gam màu tối", TS Sơn cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Holger Matthey, đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) khẳng định, xu hướng nông nghiệp toàn cầu hiện nay và trong tương lai gần cho thấy giá cả các mặt hàng vẫn ở mức cao, tính bất ổn vẫn tiếp diễn, giá nông sản cũng sẽ cao lên do nhu cầu NK của các quốc gia Châu Phi, các quốc gia Trung Đông, Nam Mỹ và Caribe... ngày một tăng cao. Chuyên gia này cũng đưa ra dự đoán vào khoảng năm 2019, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia XK gạo lớn nhất thế giới. Ông cũng đưa ra những con số minh chứng rằng năng suất có liên hệ chặt chẽ với mức giá cao theo hướng tỷ lệ thuận.
"Các nghiên cứu cũng cho thấy, xu hướng tiêu thụ đang dịch chuyển từ lương thực cơ bản (lúa mì, lúa gạo, ngũ cốc...) là chủ yếu sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (sữa, chất béo...). Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn tham dự vào thị trường tiêu thụ lương thực trên thế giới", ông Matthey nhận xét. Tuy nhiên, với những yêu cầu mới ngày càng khắt khe, ngành nông nghiệp đòi hỏi phải áp dụng khoa học công nghệ và các cơ chế chính sách để tăng năng suất, sản xuất ngành hàng đa dạng, đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn xuất khẩu của quốc tế.
Còn TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, Bộ NN-PTNT cho rằng, hiện nay tình hình sản xuất nông nghiệp đang khởi sắc, thương mại nông sản tốt. Cùng với việc xóa đói giảm nghèo đang được thực hiện hiệu quả, phong trào xây dựng nông thôn mới bắt đầu khởi động sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp, nông thôn và mỗi người nông dân.
"Nguồn cung lương thực của Việt Nam tính theo đầu người thuộc diện cao nhất trong các nước đang phát triển. Có thể nhận thấy rất rõ vai trò trung tâm và dài hạn của nông nghiệp trong giảm nghèo ở Việt Nam. Hơn nữa, nông nghiệp còn là "đệm chống sốc" quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua", TS Tuấn nói.
Tránh thành nước "gia công nông nghiệp"
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và doanh nhân đều cho rằng, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2011, 2012 lĩnh vực này đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tái cấu trúc kinh tế, lạm phát, thắt chặt tiền tệ, tín dụng, bất ổn thị trường nông sản quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn ra phức tạp...
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và thế mạnh vốn có, trong đó nguyên nhân lớn nhất là những yếu kém trong công tác dự báo và phân tích thị trường.
Theo TS Sơn, về giá trị gia tăng, so với công nghiệp, dịch vụ, thì hàng nông nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng cao nhất. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển lợi thế này, DN cần xây dựng kênh phân phối, chuỗi giá trị như thế nào, để đây không chỉ là kênh mua bán, mà có gắn bó lâu dài. Mối quan hệ này gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. "Chúng tôi vừa trở về từ Diễn đàn Kinh tế Đông Á, nhiều nhà kinh doanh lớn rất chú ý đến thị trường nông sản Việt Nam, đặc biệt là sau dự báo, giá nông sản trên thế giới hiện nay sẽ giữ ổn định ở mức cao", TS Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, hiện Việt Nam có hơn 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, họ không gắn kết được với nhau thành những hội nghề nghiệp, hệ thống hợp tác xã. Vì vậy, vị thế người nông dân thấp và khó khăn trong việc đàm phán với đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo cùng chung nhận định, mặc dù Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia XK lương thực lớn nhất thế giới, nhưng không thể không bàn đến cái giá thực sự của XK. "Chúng ta có thể sẽ mãi mãi là nước "gia công nông nghiệp" cho các quốc gia khác nếu không có các chính sách mang tính hiệu quả và bền vững, cụ thể là thúc đẩy sản xuất lớn và từng bước nâng cao giá trị cho nông sản hàng hóa", TS Đặng Kim Sơn phân tích.