"Nút thắt" về giá điện
Mặc dù chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ phê duyệt đã định hướng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có điện gió vào năm 2010 phải đạt khoảng 3% tổng nguồn năng lượng thương mại sơ cấp; năm 2020 vào khoảng 5%. Nhưng đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có duy nhất 1 nhà máy điện gió ở Bình Thuận do Cty CP năng lượng tái tạo VN đầu tư, công suất 7,5MW phát điện từ năm 2010 lên lưới quốc gia.
Vướng mắc lớn nhất của các dự án sử dụng NLTT là giá phát điện quá cao, chênh lệch giữa giá bán điện với giá điện trung bình của hệ thống điện gấp hơn 2 lần. Trong khi đó, EVN lại phải mua điện này để kinh doanh nên sẽ không có nguồn bù lỗ.
Theo tính toán của Bộ Công Thương tại thời điểm năm 2009 khi làm tờ trình Chính phủ nghị định khuyến khích phát triển NLTT, bình quân giá điện gió tại VN vào khoảng 12,5UScent/kWh, nhưng giá điện bình quân tại thời điểm đó mới chỉ khoảng 5,3UScent/kWh. Nếu tính cả lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất (1.3.2011) thì giá điện bình quân mới bằng 1.242đ/kWh (tương đương 5,9UScent).
Các chuyên gia quốc tế cũng tính toán, nếu xây dựng một trang trại gió ở VN, địa điểm có hệ số phụ tải hàng năm 25%, công suất khoảng 100MW, giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh là 750đ/kWh. Nếu áp dụng cơ chế hỗ trợ theo biểu giá công bố cho điện gió là 1.500đ/kWh thì hằng năm, Chính phủ phải trợ giá 164,3 tỉ đồng (hay 9,7 triệu USD) cho dự án. Hiện nay, theo các tính toán mới nhất về giá thành điện gió sử dụng công nghệ châu Âu, thì suất đầu tư đã lên tới 2.250USD/kW (tính theo công suất). Trong khi nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc, thì suất đầu tư cũng là 1.700USD/kW.
Với suất đầu tư này, giá điện gió bình quân sẽ không dưới 10,68UScents/kWh với thiết bị châu Âu và Mỹ. Còn với thiết bị Trung Quốc, giá bán điện cũng là 8,6UScents/kWh. Giá bán này cũng được tính tới thời gian hoàn vốn lên tới xấp xỉ 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm. Ngoài ra, do việc phát triển năng lượng sạch, các nhà đầu tư sẽ còn bán được quyền phát thải khí CO2 với giá khoảng 15UScents/tấn (tương đương khoảng 0,906UScents/kWh).
Theo tính toán này, nếu giá bán điện cho hệ thống được chấp nhận ở mức 6,8UScents/kWh, thì phần thiếu hụt còn lại để nhà đầu tư cân bằng được chi phí là từ 0,9-3UScents/kWh (tùy thuộc vào loại công nghệ). Vì thế, nếu không được Nhà nước trợ giá thì chắc chắn sẽ không một nhà đầu tư điện gió nào chịu nổi thua lỗ.
Cơ chế đã thông, nhưng vẫn khó
Tháo gỡ lớn nhất đối với các dự án điện gió quy định tại Quyết định 37/QĐ-TTg là việc Chính phủ hỗ trợ cho giá điện đối với dự án điện gió nối lưới. Cụ thể, bên mua điện (EVN) sẽ phải có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614đ/kWh, chưa bao gồm thuế VAT, tương đương 7,8UScents/kWWh. Giá này còn được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD. Nhà nước sẽ hỗ trợ giá điện cho EVN đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207đ/kWh (khoảng 1UScents/kWh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường VN.
Cùng với quyết định này, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, đề xuất hiệu chỉnh mức giá mua điện tại điểm giao nhận và mức hỗ trợ giá điện trình Thủ tướng quyết định trên nguyên tắc giảm dần tiến tới xóa bỏ trợ giá khi giá bán điện thực hiện theo giá thị trường. Như vậy, với cơ chế giá này, EVN sẽ phải mua điện gió với giá 1.421đ/kWh (khoảng 6,8UScents/kWh). So với mức giá điện bình quân hiện nay là 1.242đ/kWh, thì giá bán điện gió cao hơn khoảng 388đ/kWh.
Dù được xem là đã có cơ chế mở nút thắt về giá, nhưng với mức chênh lệch này, nhiều nhà đầu tư cho biết thời gian tới họ vẫn chưa có ý định đầu tư vào NLTT tại VN vì còn nhiều rủi ro. Muốn phát triển hơn nữa NL gió, bên cạnh các cơ chế ưu đãi, Chính phủ cần đưa giá điện dần tiệm cận giá thị trường thì mới có hướng phát triển các dạng năng lượng này trong tương lai.
Theo Bộ Công Thương, đến tháng 2.2011, 20 tuabin với công suất 1,5MW/tuabin đã được lắp dựng thành công ở Bình Thuận, trong đó 12 tuabin đã đi vào hoạt động, đưa tổng công suất lắp đặt điện gió ở Việt Nam khoảng 19MW. Hơn 30 dự án điện gió của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với công suất hơn 3.000MW đang trong giai đoạn chuẩn bị, một số đã nhận được giấy phép đầu tư.
(theo Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, ngày 11/7)