TÓM TẮT MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA

1. Nhãn hàng hóa là gì?

Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

2. Các nội dung bắt buộc của nhãn hàng hóa:

Theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì nhãn hàng hóa phải bao gồm các nội dung bắt buộc sau đây, cụ thể là: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa;Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa (ví dụ cụ thể như: định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng…).

QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ MUỐI

Ngày 03/8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Thông tư số 08/2021/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối (Natri clorua) thực phẩm và muối (Natri clorua) tinh.

Theo đó ban hành kèm theo Thông tư này là 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về muối bao gồm:

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối (Natri clorua) thực phẩm. Ký hiệu: QCVN 01-193:2021/BNNPTNT.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối (Natri clorua) tinh. Ký hiệu: QCVN 01-194:2021/BNNPTNT.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu muối thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam.

QUY ĐỊNH MỚI CỦA TRUNG QUỐC VỀ QUẢN LÝ THỰC PHẨM NHẬP KHẨU

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248 ngày 12/04/2021 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và lệnh số 249 ngày 14/04/2021 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Các Lệnh nói trên đã thông tin đầy đủ các quy định về tăng cường quản lý về kiểm dịch: Quản lý nghiêm ngặt về phê duyệt giấy phép kiểm dịch, thẩm định phê duyệt nghiêm ngặt đối với ghi chép về lô sản phẩm lưu thông lần trước và các chứng từ có liên quan, quy mô doanh nghiệp để khống chế về số lượng phê duyệt. Thực hiện quản lý đánh giá về an toàn đối với thực phẩm có nguồn gốc mới, quản lý nghiêm ngặt (lưu hồ sơ) đăng ký của các doanh nghiệp sản xuất ở nước ngoài; kiểm tra nghiêm ngặt giấy chứng nhận chính thức của Việt Nam, quản lý nguồn gốc nước ngoài. Tăng cường ứng dụng giải pháp kỹ thuật: kiểm tra đối chiếu bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận hàng hóa; kiểm tra nghiêm ngặt động thực vật tại hiện trường, giám sát vệ sinh ...

SỬA ĐỔI QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Ngày 30/6/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư 05/2021/TT-BNNPTNT về việc ban hành Sửa đổi 1:2021 QCVN 01-190:2020/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi - hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.

Tại số bản tin này, TBT Hải Dương tóm tắt một số nội dung chính của Sửa đổi như sau:

Sửađổi, bổ sung đoạn 1, đoạn 2 của khoản 1 Mục IV về công bố hợp quy: Nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam về thực phẩm nhưng được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn này.

Trước khi lưu thông trên thị trường, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi thương mại phải được công bố hợp quy (trừ thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng; thực phẩm đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam về thực phẩm nhưng được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi; thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản được sản xuất, mua bán, sơ chế tại hộ gia đình, hộ kinh doanh).

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ CHĂN NUÔI

Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2021. So với các quy định cũ, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là các quy định về chế tài xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Để tăng tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm về chăn nuôi, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định một hình thức xử phạt chính duy nhất là phạt tiền, không còn quy định về hình thức xử phạt cảnh cáo như quy định trước đây. Ngoài ra, Nghị định này cũng sửa đổi, bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi; hủy bỏ thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; buộc cải chính thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;…

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.