Hải Dương: Tiêm phòng, chữa bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm vụ thu

Thời tiết vụ Thu - Đông có nhiều diễn biến phức tạp dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, trong mùa mưa và giá rét kéo dài xảy ra tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh động vật phát sinh, lây lan.

Hải Dương: Tiêm phòng, chữa bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm vụ thu

Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật cần được quan tâm, nhất là vào những tháng cuối năm việc lưu thông vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra thường xuyên với số lượng lớn, trong khi công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, kiểm tra vệ sinh thú y nhiều nơi thực hiện chưa tốt, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: dịch bệnh LMLM gia súc, Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn,… có nguy cơ tái phát gây ảnh hưởng đến phát triển sản xuất chăn nuôi.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai tiêm phòng, chữa bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2016.

Tiêm vắc xin cho đàn Trâu, Bò:Tiêm vắc xin Tụ huyết trùng cho toàn bộ đàn Trâu bò; Tiêm vắc xin Lepto cho đàn bò đực giống, bò cái sinh sản.

Tiêm vắc xin cho đàn Lợn: Tiêm vắc xin Dịch tả, Tụ dấu cho toàn bộ số lợn trong diện bắt buộc phải tiêm phòng được nuôi trong các hộ nông dân, các gia trại, trang trại; Tiêm vắc xin phòng bệnh Tai xanh (PRRS) cho đàn lợn nái, lợn đực giống, lợn con ở những cơ sở sản xuất con giống và những nơi đã xảy ra dịch; Tiêm vắc xin Lepto cho đàn lợn đực giống của Công ty MTV Giống gia súc tỉnh Hải Dương và đàn lợn đực giống nuôi trong các hộ nông dân, đàn lợn nái ở những nơi đã xảy ra dịch,...

Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó: Tiêm vắc xin Rabisin, Rabigen để phòng bệnh Dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh; tất cả những con chó không được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại đều phải xử lý theo quy định.

Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng (LMLM) gia súc: Tiêm vắc xin LMLM cho toàn bộ đàn trâu, bò cho đàn lợn nái, đực giống ở các ổ dịch cũ, các cơ sở sản xuất con giống; những địa phương có nguy cơ lây nhiễm bệnh theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.Tiêm vắc xin LMLM đợt 2 cho toàn bộ đàn trâu, bò tại các địa phương trong vùng đệm (gồm các huyện Ninh Giang, Thanh Miện và Tứ Kỳ) theo Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống dịch Lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020”

Tiêm phòng vắc xin bệnh Cúm cho đàn gia cầm:Tiêm vắc xin cúm gia cầm (H5N1) phòng bệnh cho đàn gia cầm giống và toàn bộ đàn thuỷ cầm.

Tỉnh cũng hỗ trợ 100% tiền vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò, lợn với 03 loại vắc xin: Dịch tả lợn, Tụ - Dấu lợn và Tụ huyết trùng trâu, bò

Thực hiện phương châm phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, nhằm giảm tỷ lệ ốm, chết; tích cực điều trị các bệnh thông thường ở đàn gia súc, gia cầm như bệnh: nội khoa, ngoại khoa, ký sinh trùng,… chăm sóc nuôi dưỡng tốt, vệ sinh môi trường chăn nuôi nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, kiểm soát có hiệu quả các ổ dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý. Đối với những địa phương tiêm phòng vắc xin đạt tỷ lệ thấp, nơi có ổ dịch cũ, nơi giáp ranh vùng có dịch cần đề phòng bệnh có thể lây nhiễm, nhất là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: dịch bệnh LMLM gia súc, Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn,…Khi phát hiện có ca bệnh dịch xảy ra phải báo cáo chính quyền địa phương, Trạm thú y huyện, thành phố, thị xã để kiểm tra xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả không để dịch lây lan ra diện rộng. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2016 đạt tỷ lệ 100% số gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng tạo miễn dịch đồng loạt, khép kín; thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bổ xung hàng tháng đối với gia súc, gia cầm mới lớn, mới nhập đàn. Thường xuyên tổ chức vệ sinh tiêu độc, phun thuốc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm, tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường, thực hiện tiêu huỷ gia súc, gia cầm, vận chuyển không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các chủ hộ chăn nuôi nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện khai báo khi phát hiện có gia súc, gia cầm ốm chết, không giết mổ và bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của dịch bệnh, hạn chế tư tưởng chủ quan do lâu nay trên địa bàn không tái phát dịch bệnh trở lại và kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ, giết mổ gia súc, gia cầm ở những địa phương có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh, không để lây nhiễm dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, sức khoẻ con người, ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật.

Hải Ninh

 

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây