Chuyển biến trong hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn

Sản xuất nông lâm thuỷ sản diễn ra trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức: thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; giá bán các loại vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao trong khi giá bán các sản phẩm thịt hơi, cá thương phẩm những tháng cuối năm thấp nên việc đầu tư thâm canh hạn chế…ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp cấp thiết, ứng phó phù hợp nên kết quả sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn giữ được ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước.

Chuyển biến trong hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2016 (giá cố định 2010) đạt 17.158 tỷ đồng, tăng 1,8% (+304 tỷ đồng) so với năm 2015. Trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 15.153 tỷ đồng, tăng 1,7% (+246 tỷ đồng); lâm nghiệp ước đạt 35 tỷ đồng, tăng 12,9% (+4 tỷ đồng); thuỷ sản ước đạt 1.970 tỷ đồng, tăng 2,8% (+54 tỷ đồng); Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 136,3 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2015.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 160.376 ha, tăng 0,05% so với KH năm (-1.627ha so với năm 2015). Trong đó: diện tích cây lương thực đạt 124.538 ha, đạt 99,2% KH (-2.154ha so với năm 2015); diện tích cây rau các loại đạt 30.088 ha, đạt 101% KH (+500 ha so với năm 2015). Diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm so với năm 2015 chủ yếu là do các địa phương thực hiện dồn điển đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, một phần diện tích đất canh tác chuyển sang làm đường nội đồng, làm kênh mương; việc chuyển mục đích sử dụng đấtkhác như: chuyển sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là chuyển sangxây dựng đường giao thông, quy hoạch khu công nghiệp, khu dân cư…

Cây vụ Đông:Diện tích đạt 21.855 ha (đạt 97,13% KH), giảm 112 ha so với năm 2015. Mặc dù diện tích giảm song do thời tiết ấm, thuận lợi cho nhóm cây rau màu lấy lá; nhiều giống mới và kỹ thuật canh tác tiến bộ được đưa vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây vụ đông năm 2016 tăng so với năm 2015 (năng suất rau các loại vụ đông năm 2016 đạt 216,23 tạ/ha, tăng 2,07 % so với vụ đông năm 2015). Bên cạnh đó các sản phẩm cây vụ đông năm nay tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán khá cao và ổn định góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất vụ đông.

Diện tích lúa cả năm đạt 120.346 ha (đạt 99,05% KH năm), giảm 2.307 ha so với năm 2015. Cơ cấu giống và phương thức gieo cấy tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng, tăng diện tích cấy mạ sân và gieo thẳng; xây dựng được 62 mô hình lúa tập trung qui mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, với tổng diện tích 2.153 ha, lượng thóc tiêu thụ thông qua các hợp đồng đạt gần 56% tổng sản lượng của mô hình; tỷ lệ gặt máy đạt trên 76% (năm 2015 là 60%) góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 60,35 tạ/ha/vụ, tăng 0,02 tạ/ha/vụ so với năm 2015.

Diện tích rau các loại đạt 30.088 ha, tăng 1,7%; Sản lượng rau các loại đạt 677.634 tấn, tăng 4,16 % so với năm 2015. Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì, mở rộng diện tích và tập trung ở một số huyện có truyền thống trồng màu như: Kim Thành, Gia Lộc, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Thanh Miện... Năng suất, giá bán đạt khá, thị trường tiêu thụ thuận lợi góp phần nâng cao giá trị ngành trồng trọt.

Tổng diện tích cây lâu năm đạt 21.619 ha, giảm 0,23% (-50 ha)so với năm 2015. Trong đó, diện tích trồng cây ăn quả đạt 20.961ha, giảm 0,14% (-30 ha) so với năm 2015. Diện tích cây ăn quả giảm chủ yếu do người dân phá bỏ một số diện tích trồng Vải (-70ha), Táo (-10ha), Hồng đỏ (-12ha) kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây hàng năm và cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: Ổi (+ 20ha),  Chuối (+38ha), Cam (+14ha), Chanh (+7ha)... Do thời tiết khá thuận lợi, cùng với kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng của người dân tốt nên năng suất, sản lượng đa số các loại cây ăn quả đều có xu hướng tăng so với năm 2015.

Riêng cây Vải với diện tích 10.605ha (chiếm 50,5% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh), sản lượng đạt 38.431 tấn, giảm 10.056 tấn so với năm 2015. Nguyên nhân sản lượng giảm mạnh là do thời tiết bất thuận cho cây Vải sinh trưởng pháttriển (thời kì phân hóa mầm hoa thời tiết nắng nóng, rét muộn và không kéo dài làm mầm hoa kém, tỷ lệ ra hoa thấp, thời kì hoa nở thì mưa phùn, độ ẩm không khí tăng làm tỷ lệ đậu quả thấp), tỷ lệ sâu bệnh hại vải cao hơn so với mọi năm.

Năm 2016, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 165ha vải sản xuất theo VietGap (tăng 68,95ha so với năm 2015), 12ha vải thiều sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đồng thời tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU  trên nền mô hình VietGAP với diện tích 112,7ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 1.010 tấn. Vải sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP cho năng suất, chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, bán giá cao hơn 2.000-3.000đồng/kg so với sản xuất đại trà, ưu tiên bán vào hệ thống siêu thị nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Tổng đàn lợn ước đạt 657.789 con (tăng 12,2%), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 99.228 tấn (tăng 5,7%); tổng đàn gia cầm ước đạt 11.751,7 nghìn con (tăng 9%), sản lượng thịt gia cầm đạt 30.592,8 tấn (tăng 5,9%); tổng đàn trâu đạt 4.374 con (giảm 11,9 %); sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 530 tấn (giảm 3,7%); tổng đàn bò là 20.314 con (giảm 4,7%), sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng là 1.603,4 tấn (giảm 6,6%) so với năm 2015. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được cải thiện: 100% lợn thịt có 50% máu ngoại trở lên, tỷ lệ thịt nạc đạt trên 57%...; tỷ lệ gà ta, gà lai trọi ước đạt 70%.

Trên địa bàn tỉnh chăn nuôi trang trại và gia trại đang phát triển nhanh, chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ dân cư có xu hướng giảm. Hiện toàn tỉnh có 1.142 hộ trang trại đạt tiêu chí là trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng 534 trang trại; có 7.314 hộ gia trại lợn, tăng 1.744 gia trại so với năm 2015. Có những trang trại chăn nuôi quy mô lớn thường xuyên có mặt 1.400 con lợn nái ngoại (hàng năm cung cấp khoảng 30.000 – 35.000 con giống nuôi thương phẩm); trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm hướng trứng có quy mô từ 60.000 – 160.000 con, riêng thị xã Chí Linh có 39 trang trại chăn nuôi gà đạt theo tiêu chí mới có quy mô từ 3.000 – 60.000 con gà nuôi theo hình thức thả đồi tập trung tại các xã Bắc An, Hoa Thám, Cộng Hòa...

Từ giữ tháng 10 năm 2016, trước diễn biến của việc giá thịt lợn hơi giảm mạnh, ngành nông nghiệp đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ ổn định sản xuất, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi không quá hoang mang, không nên bán tháo, tiếp tục ổn định đàn lợn. Do vậy, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không có hiện tượng bỏ trống chuồng nuôi, đảm bảo ổn định nguồn cung ứng thịt lợn cho thị trường.

Sản xuất thuỷ sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 11.107 ha, tăng 2,4% (+260ha) so với năm 2015. Do thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, công tác quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh được làm tốt, tỷ lệ diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh ngày càng được mở rộng nên sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt khá. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2016 ước đạt 69.074 tấn, tăng 3,6%, trong đó: sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 67.294 tấn, tăng 3,7%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.779 tấn, giảm 1,9% so với năm 2015. Toàn tỉnh ước tính có 2.994 lồng nuôi cá, tăng 1.561 lồng nuôi so với năm 2015. Diện tích nuôi cá ao nổi đạt 289,4 ha (tăng 72,8ha so với năm 2015) tập trung tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện.

Năm 2016, ngành nông nghiệp và PTNT thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền các văn bản pháp quy về công tác QLBVR và PCCCR, kiểm soát lâm sản và động vật hoang dã; ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm đến rừng và đất lâm nghiệp. Các chỉ tiêu kế hoạch về lâm sinh đều đạt, vượt kế hoạch đề ra, cụ thể:  Hoàn thành việc trồng và chăm sóc 212,77ha rừng đặc rụng, phòng hộ tại 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn; tu bổ vệ sinh được 100 ha rừng, khai thác trích dưỡng nhựa thông được 30 tấn; xử lý 51 vụ vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, thu nộp ngân sách trên 601,65 triệu đồng. Trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 05 vụ cháy rừng, với diện tích bị cháy là 28,5 7ha.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo định hướng tái cơ cấu ngành có nhiều tiến triển và đã có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp; Công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai chặt chẽ, kịp thời và phù hợp; sản xuất cơ bản đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống theo định hướng chung của tỉnh; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất; đã chủ động trong đối phó với diễn biến thời tiết, dự báo, phát hiện và khống chế tốt các loại sâu bệnh, trong năm không có sâu bệnh gây hại lớn, cũng như dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm; các vùng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm tiếp tục được duy trì phát triển; Chăn nuôi, thủy sản có bước chuyển biến tích cực và hiệu quả trên phương diện tái cơ cấu ngành về hình thức tổ chức, quy mô, đối tượng nuôi;công tác thủy lợi và quản lý đê điều và PCLB được triển khai thực hiện tốt, hệ thống thủy lợi, đê điều tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được triển khai sâu rộng có hiệu quả, các chỉ tiêu về sử dụng nước sạch của tỉnh đều thuộc tốp đầu của cả nước; công tác quản lý chất lượng và VSATTP được quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn đã tạo được chuyển biến tích cực, bước đầu kiểm soát được tình hình buôn bán và sử dụng chất cấm trong sản xuất.

Hải Ninh

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây