Kỹ thuật chiết cành cây ăn quả

Để cành chiết nhanh ra rễ, nông dân cần lưu ý những kỹ thuật sau: Thời điểm chiết cành: Chiết cành vào vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 9). Với các cây có đặc tính rụng lá vào mùa đông, cần chiết sau khi lộc xuân đã trở thành lá bánh tẻ. Như vậy tỷ lệ ra rễ sẽ cao hơn. 

 Kỹ thuật chiết cành cây ăn quả

 Chọn cành, khoanh vỏ: Chọn cành bánh tẻ, có đường kính từ 0,5-2 cm, dài khoảng 1 m, vươn dài ra ánh sáng, có từ 2-3 chạc ở giữa tán. Không chọn cành la, cành võng, cành bị sâu bệnh bởi khi trồng sẽ lâu ra rễ, chậm phát triển. Vị trí khoanh vỏ cách chạc cành từ 10-15 cm, vết khoanh dài từ 4-5 cm. Bóc vỏ, bỏ hết lớp vỏ khoanh, cạo sạch nhớt phần gỗ của cành chiết. Sau khi khoanh cành có thể bó bầu ngay cho các cây ít nhựa như cam, quýt... Với những cây nhiều nhựa như hồng xiêm, mít... nên để phơi nắng từ 3-4 ngày cho ráo nhựa.
Vật liệu bó bầu: Dùng đất phù sa, bùn ao có thành phần cơ giới từ đất thịt nhẹ đến trung bình phơi khô, đập nhỏ. Trộn đều theo tỷ lệ từ 50-70% đất bùn với rơm, rạ hoặc rễ bèo khô chặt dài từ 5-7 cm,  tưới nước, trộn đều khi độ ẩm đạt từ 75-80% (nắm thành từng nắm không chảy nước qua kẽ tay, còn nguyên dạnh khi để trên mặt đất). Bầu được bó thành hình bầu dục dài từ 10-12 cm, đường kính bầu từ 6-8 cm. Phía ngoài bầu bọc giấy nilon đen để hạn chế rêu, tảo, nước mưa không thấm. Buộc dây phía trên chặt, phía dưới lỏng để thoát nước tốt khi gặp mưa. Trong 20 ngày đầu, thường xuyên kiểm tra xem bầu có bị xoay hay bị côn trùng phá hoại hay không thì phải bó lại bầu. Kiểm tra rễ đã mọc và chất lượng rễ qua màu sắc. 
Cắt cành chiết và giâm cành: Khi rễ có màu vàng ngà hoặc hơi xanh thì cắt cành chiết khỏi cây. Không nên giữ bầu lâu trên cây mẹ. Bóc lớp nilon bó bầu, đem giâm ở vườn ươm cho cành chiết phục hồi. Phải giữ ẩm cho cành chiết sau khi giâm.
Lưu ý: Những cây có nhựa mủ, khó chiết cần chọn cành có đường kính to và bôi thêm một số chất kích thích ra rễ như Atonic 0,1%, Orgamin 1%, Na 2,4D 100ppm, NAA 100ppm... Sau khi bôi thuốc vào vết cắt, để thuốc khô trong vòng từ 10-15 phút rồi mới bó bầu. Như vậy, tỷ lệ ra rễ sẽ tăng từ 30-40%.

Theo baohaiduong.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây