Chủ nhiệm: TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Cơ quan chủ trì: Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Chủ trì thực hiện: Khoa Môi trường, trường Đại học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cơ quan phối hợp thực hiện: UBND huyện Bình Giang.
Thời gian thực hiện: 1/2001 - 12/2001.
Dự án được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Đánh giá thực trạng tài nguyên và môi trường khu vực Sặt, dự báo xu thế biến động môi trường đến năm 2010.
- Lập quy hoạch môi trường cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực Sặt, huyện Bình Giang.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Sơ đồ quy hoạch môi trường khu vực Sặt huyện Bình Giang.
Khu vực Sặt huyện Bình Giang đã được hình thành từ lâu đời và mang tính chất của đô thị nhỏ. Đất xây dựng chủ yếu là thổ cư, các công trình công cộng hầu như không có. Ranh giới hành chính bị chia cắt, khó xác định. Để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực Sặt huyện Bình Giang trong tương lai, trước hết cần phải hoạch định một chiến lược nhằm bố trí sắp xếp hợp lý các vùng sao cho phù hợp với sự phát triển kinh tế bền vững. Phân khu chức năng quy hoạch cho các khu vực.
1.1. Tiểu khu dân cư.
Hiện tại dân cư trong khu vực Sặt đã hình thành các phố tương đối đông đúc. Khu dân cư dự kiến phát triển là các ao ruộng trũng còn lại xen kẽ trong dân và một phần đất mở rộng cho các dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp.
1.2. Tiểu khu hành chính.
Được phân thành 2 khu chính:
- Trung tâm hành chính, chính trị nằm trong khu vực đất đai tại trung tâm thị trấn Sặt với tổng diện tích 0,63 ha.
- Các cơ quan của huyện phát triển thêm sẽ được bố trí tại phía Bắc trục đường 20 và khu sân vận động cũ với diện tích 3,3 ha.
1.3. Tiểu khu trung tâm văn hoá, giáo dục, thể thao.
Sẽ được bố trí phía sau đường 20 và tạo thành một cụm trung tâm văn hoá thể thao, giáo dục. Tiểu khu trung tâm thương mại là khu chợ Sặt, với tổng diện tích là 0,5 ha. Dự kiến lâu dài khi phát triển đất ở cho dân cư thì sẽ quy hoạch thêm diện tích chợ với diện tích 0,2 ha, phía đường 38 để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.
1.4. Tiểu khu cây xanh.
Kết hợp với khu văn hoá thể thao, tận dụng và cải tạo khu ruộng trũng, ao đầm có diện tích 2,2 ha để trồng cây tập trung vừa có khả năng cho thu nhập kinh tế, vừa làm đẹp cảnh quan.
1.5. Tiểu khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Do khu vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vẫn nằm ở trung tâm khu dân cư nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân và gây ô nhiễm môi trường khu vực thị trấn. Vì vậy, tiểu khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cần phải được quy hoạch tập trung cách xa thị trấn về phía Nam.
1.6. Tiểu khu nghĩa địa.
Do khu vực Sặt đã có 2 nghĩa địa nên trong quy hoạch mới dự kiến sẽ giữ nguyên, không phát triển thêm. Cải tạo các nghĩa địa bằng cách trồng cây xanh xung quanh nhằm cách ly và tạo cảnh quan cho khu vực. Trường hợp muốn xây dựng nghĩa địa mới thì phải chuyển xuống phía Nam thị trấn.
1.7. Tiểu khu xử lý rác thải
Bãi rác cho khu vực Sặt đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khoẻ cộng đồng, vì vậy cần phải chuyển bãi rác xuống phía Nam trị trấn.
2. Các giải pháp xử lý.
- Giải pháp xử lý rác:
Cần phải có biện pháp quản lý rác đi đôi với xử lý rác an toàn. Muốn quản lý và kiểm soát được chất thải rắn nói chung và rác đô thị nói riêng không thể để tình trạng xử lý rác tự phát như hiện nay. Trước hết cần quy hoạch ngay nơi tập trung rác thải. Thứ hai là cần phải có một đội ngũ chuyên trách trực thuộc phòng ban cụ thể và được trang bị tối thiểu các dụng cụ để làm công tác thu gom rác. Thứ ba là cần phải bố trí các thùng rác tạm thời ở nhiều nơi trong thị trấn, tránh việc đổ rác bừa bãi ra lề đường như hiện nay.
- Giải pháp kỹ thuật:
+ Xử lý bằng cách chôn lấp: Phương án xử lý rác bằng bằng chôn lấp rất rẻ tiền nhưng không đảm bảo vệ sinh môi trường và có thể sẽ gây ra những tác hại nặng không thể lường trước được, như gây ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm. Để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm cần phải có biện pháp xử lý chôn lấp kỹ thuật, hợp vệ sinh, tức là phải cách ly rác với môi trường xung quanh trước khi chôn lấp. Việc xây các bể chứa rác lớn là rất tốn kém, trong khi năng lực tài chính của các địa phương còn hạn hẹp, vì vậy giải pháp này là không khả thi. Giải pháp thứ 2 là lợi dụng tầng đất sét dầy để cách ly rác, chống được sự thấm nước thải từ rác xuống lòng đất. Muốn sử dụng được phương pháp này trước tiên cần phải điều tra thăm dò hiện trường về tầng đất sét cách nước. Việc đào đắp để hình thành khu chôn lấp phải thoả mãn những điều kiện tối thiểu về kỹ thuật để tránh sự ô nhiễm do rác sinh ra sau này. Khi bãi rác đầy có thể xử lý phân huỷ nhanh và phủ đất trồng cây, tạo khu vực cây xanh điều hoà không khí cho thị trấn và tạo cảnh quan.
+ Xử lý làm phân bón: Giải pháp này tuy có đầu tư ban đầu cao nhưng là giải pháp xử lý an toàn nhất. Có thể xử lý rác bằng cách phân huỷ thoáng khí sẽ thu được phân và tránh được mùi hôi thối; Triển khai theo phân huỷ yếm khí sẽ thu được phân có chất lượng cao và khí Biogas.
+ Xử lý khí thải: Cần phải triển khai theo phương pháp xử lý cục bộ, trực tiếp từ các xưởng sản xuất, tùy theo lĩnh vực sản xuất và mức độ ô nhiễm của nó, nhằm giảm thiểu mức độ khí thải và khí độc hại ra ngoài môi trường. Việc xử lý khí thải cần phải có giải pháp nghiêm ngặt của lãnh đạo và chính quyền ở cơ sở.
+ Xử lý nước thải: Đối với nước thải công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là loại nước thải có hàm lượng dầu mỡ, các muối kim loại, axit cao cần phải có những biện pháp xử lý đặc biệt. Để thuận lợi cho việc xử lý loại nước thải này cần phải có sự quy hoạch tập trung theo các khối ngành nghề. Tuỳ từng loại nước thải sẽ có biện pháp xử lý riêng vừa thuận tiện, vừa kinh tế.
Đối với nước thải sinh hoạt thường có hàm lượng chất hữu cơ dễ phân huỷ do đó rất đễ bốc mùi hôi thối. Nếu không thu gom và xử lý triệt để sẽ gây ra sự ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Chính vì tính chất của loại nước thải này nên có thể áp dụng xử lý bằng phương pháp lý -hoá trước, sau đó xử lý bằng phương pháp vi sinh.
Đối với nước mưa chảy tràn nên tách ra khỏi hệ thống thu gom và xử lý rác thải. Miền Bắc nước ta nói chung và khu vực Sặt nói riêng đều có lượng mưa lớn, nếu cho lượng nước này qua xử lý cùng với các loại nước thải sinh hoạt thì sẽ gây tốn kém rất nhiều. Loại nước mưa tràn có mức độ ô nhiễm thấp nên có thể bỏ qua khâu xử lý.
III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN
- Kết quả của dự án đã được sử dụng trong việc quy hoạch và xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cho khu vực thị trấn Sặt.
- Dựa vào dự báo và bản đồ quy hoạch, huyện Bình Giang đang xây dựng quy hoạch chi tiết để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào khu vực Sặt và vùng lân cận.