Chủ nhiệm đề tài: Kỹ sư Vũ Đình Hiền, Phó phòng Quản lý Môi trường.
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Hải Dương.
Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại và Du lịch, Văn hoá Thông tin, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương, Tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương.
Thời gian thực hiện: Năm 2002.
Đề tài được tổng kết.
I. MỤC TIÊU
- Xây dựng phương pháp luận về truyền thông môi trường, sổ tay hướng dẫn truyền thông môi trường, trang bị kiến thức chuyên môn cho các cộng tác viên truyền thông môi trường.
- Xây dựng kế hoạch hành động giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2003- 2010.
- Tập huấn đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên làm công tác truyền thông môi trường cho các cán bộ tuyên truyền nòng cốt của các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức về quản lý và bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
- Xây dựng một mô hình truyền thông môi trường thí điểm ở cấp xã về tuyên truyền vận động và giáo dục môi trường cho cộng đồng để cùng tham gia quản lý và bảo vệ môi trường.
II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Biên tập và phát hành sổ tay hướng dẫn truyền thông môi trường.
Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm trong và ngoài nước, biên tập sổ tay hướng dẫn truyền thông môi trường trong điều kiện của tỉnh Hải Dương.
Sau khi được các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh tham gia góp ý và được các chuyên gia Trung ương, địa phương thẩm định, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn chỉnh cuốn sổ tay hướng dẫn truyền thông môi trường. Nội dung cuốn sách gồm các phần:
- Những vấn đề chung về truyền thông môi trường (Giới thiệu về truyền thông môi trường và vai trò của truyền thông môi trường trong quản lý môi trường).
- Các phương pháp tiếp cận xây dựng hệ thống truyền thông môi trường (Giới thiệu phương pháp truyền thông cá nhân, phương pháp tiếp cận truyền thông nhóm, phương pháp tiếp cận truyền thông đại chúng và cộng đồng).
- Giới thiệu các mô hình trên kênh truyền thông môi trường (có mô hình trên kênh chiều dọc, mô hình trên kênh theo chiều ngang)
- Giới thiệu một số hình thức truyền thông môi trường.
- Giới thiệu các kiểu truyền thông môi trường (truyền thông môi trường trong quản lý dự án, truyền thông môi trường nhân những ngày đặc biệt).
- Giới thiệu phương pháp xây dựng kế hoạch và thực hiện một chương trình truyền thông môi trường (gồm 4 giai đoạn: Xác định, lập kế hoạch, tạo sản phẩm truyền thông, thực hiện và phản hồi).
- Sự tham gia của cộng đồng trong truyền thông môi trường.
- Giới thiệu khung kế hoạch hành động truyền thông môi trường Việt Nam 2002-2005.
2. Xây dựng kế hoạch hành động giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2003-2010.
Kế hoạch hành động gồm 5 nhiệm vụ cụ thể như sau:
Nhiệm vụ 1: Lồng ghép giáo dục môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân với các hành động là:
- Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chủ chốt của các trường.
- Tỉnh, huyện, xã, phường hướng dẫn cho các trường cải thiện cơ sở trường lớp.
- Hướng dẫn tổ chức các hoạt động ngoại khoá về bảo vệ môi trường cho học sinh và giáo viên.
- Tổ chức diễn đàn học sinh và môi trường.
Nhiệm vụ 2: Nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho cán bộ công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quần chúng với các hành động là:
- Tập huấn đào tạo về quản lý môi trường cho cán bộ công chức các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
- Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cán bộ các tổ chức quần chúng trong tỉnh (chú ý cán bộ cấp cơ sở).
- Lựa chọn, soạn thảo, in ấn để cung cấp tài liệu cập nhật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường địa phương cho cán bộ công chức liên quan.
Nhiệm vụ 3: Truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho nông dân với các hành động là:
- Tập huấn về bảo vệ môi trường nông thôn và nông nghiệp cho cán bộ của HĐND, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,...
- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục bảo vệ thực vật, Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Văn hoá Thông tin, Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng đưa nội dung bảo vệ môi trường nông thôn và nông nghiệp thành chuyên mục thường xuyên, tổ chức các cuộc thi cho các Hội Nông dân huyện, xã về bảo vệ môi trường, đưa nội dung môi trường vào quy chế làng văn hoá và liên hoan văn nghệ quần chúng nông thôn.
Nhiệm vụ 4: Truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân đô thị với các hành động là:
- Truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung quản lý chất thải đô thị, tiết kiệm sử dụng nước, các dạng nhiên liệu và năng lượng, thay đổi nhu cầu theo hướng thân thiện môi trường, sử dụng hợp lý bao bì chất dẻo, vệ sinh an toàn thực phẩm...
- Phát động ngày vệ sinh đô thị ở thành phố Hải Dương mỗi tháng 1 lần.
- In, phát các tờ bướm, tờ rơi nhằm hướng dẫn vệ sinh môi trường đô thị.
Nhiệm vụ 5: Chương trình nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường khu vực sản xuất kinh doanh với hành động là:
Tập huấn quản lý môi trường cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với các nội dung về môi trường lao động, quản lý chất thải nguy hại, sản xuất sạch, hướng dẫn sử dụng bao bì, bao gói sản phẩm...
3. Tập huấn kiến thức truyền thông môi trường cho đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt của các sở, ban, ngành và cơ sở tham gia đề tài.
Việc tập huấn được tập trung vào 2 loại đối tượng chính:
- Đối với đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ cơ sở tham gia được tập huấn về phương pháp luận truyền thông môi trường, xây dựng kế hoạch truyền thông môi trường theo các đối tượng cần phải truyền thông. Ngoài ra, các tuyên truyền viên còn được trang bị một số kiến thức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các kinh nghiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
- Đối với nhân dân thuộc thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ nơi xây dựng mô hình điểm, được tiến hành điều tra đánh giá nhanh các vấn đề bức xúc về môi trường bằng phương pháp PRA, xác định các vấn đề ưu tiên về môi trường thông qua điều tra thực tế và phỏng vấn trực tiếp tới cán bộ xã và nhân dân.
Qua kết quả điều tra thực tế, Xuân Nẻo là một thôn lớn nhất xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Đề tài đã cung cấp tài liệu, hướng dẫn cán bộ xã, thôn viết và đọc các bài thông tin về môi trường trên đài truyền thanh của xã, thôn để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
4. Xây dựng một mô hình thí điểm truyền thông môi trường ở cấp xã
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với lãnh đạo UBND xã Hưng Đạo, lãnh đạo thôn Xuân Nẻo thành lập tổ công tác thực hiện xây dựng mô hình thí điểm với các nội dung sau:
- Tập huấn phương pháp luận và kinh nghiệm quản lý môi trường cho lãnh đạo xã, thôn.
- Hướng dẫn kiến thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư như phân loại nguồn rác, cách xử lý rác...
- Xây dựng Quy chế bảo vệ môi trường của thôn, xã nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người dân với cộng đồng.
- Tổ chức hoạt động và duy trì hoạt động mỗi tháng 1 lần huy động cộng đồng tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh.
- Quy hoạch và xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở ngoài đồng.
- Bố trí điểm chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh ở mỗi thôn, trước mắt là thôn Xuân Nẻo.
- Lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng và ban hành Quy ước Bảo vệ môi trường thôn Xuân Nẻo.
- Hỗ trợ kinh phí cho mô hình điểm để thực hiện một số công việc về xử lý ô nhiễm môi trường tại cộng đồng.
- Kết hợp tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt; phê bình cá nhân vi phạm về vệ sinh môi trường; giám sát, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện.
Xây dựng mô hình truyền thông môi trường thí điểm ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, đạt được các mục tiêu sau:
+ Nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường cho đối tượng truyền thông.
+ Tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân về bảo vệ môi trường ở địa phương.
+ Thay đổi thái độ đối với vấn đề môi trường cho đối tượng truyền thông thông qua tập huấn.
+ Thay đổi hành vi có liên quan đến vấn đề môi trường cho đối tượng truyền thông, thông qua các hành động cụ thể.
- Từng bước tạo lập thói quen cho các đối tượng truyền thông về quản lý và duy trì bảo vệ môi trường.