Quy hoạch và Bảo vệ môi trường Tp Hải Dương

DỰ ÁN NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ MÔI TRƯỜNG VÀ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2002-2010  

Chủ nhiệm: TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hải Dương.

Đơn vị chủ trì thực hiện: Phân viện Công nghệ mới và Bảo vệ Môi trường, Bộ Quốc phòng.

Cơ quan phối hợp thực hiện:

- Viện Môi trường và Phát triển bền vững.

- Viện Hoá học - Trung tâm Khoa học Tự nhiên - Công nghệ Quốc Gia

Thời gian thực hiện: 2002 - 2003

Dự án được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

Khảo sát và phân tích hiện trạng môi trường thành phố Hải Dương và định hướng phân vùng quy hoạch môi trường thành phố Hải Dương đến năm 2010.

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Chất lượng nước và hiện trạng ô nhiễm nguồn nước bề mặt.

- Hiện trạng về chất lượng nước của hệ thống sông Thái Bình tương đối tốt, phần lớn các thông số (kể cả kim loại nặng, vi sinh) đạt tiêu chuẩn TCVN 5942-1005 đối với nguồn nước loại A. Tuy nhiên, một số khu vực trên sông như điểm nhận nước thải từ thành phố Hải Dương, bến tàu, bến cảng đều đã bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức nhẹ, ô nhiễm do dinh dưỡng khá rõ, đặc biệt là ô nhiễm dầu mỡ ở khu vực bến tàu, cảng tương đối cao. Nguyên nhân ô nhiễm là do chất thải đô thị, nước rửa trôi từ đồng ruộng và phương tiện giao thông.

- Qua khảo sát cho thấy, nước sông Sặt đoạn chảy qua thành phố Hải Dương là nơi tiếp nhận chất thải chủ yếu của thành phố. Nước thải từ các nguồn thải sinh hoạt, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... được thải trực tiếp hoặc gián tiếp qua hệ thống cống thoát nước của thành phố. Nước sông Sặt đoạn trong thành phố bị ô nhiễm nặng.

- Hào thành cũng là nơi tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư, các xí nghiệp, nhà máy nằm trong thành phố, sau đó chuyển ra sông Sặt. Hai bên bờ của Hào thành đều đã được kè chắc chắn, do đó đảm bảo việc thoát nước thải, tuy nhiên một số khu vực còn chưa được kè và người dân thả bèo tây gây tắc nước, mỗi khi trời mưa to nước có thể tràn vào nhà dân gây mất vệ sinh.

- Chất lượng nước các hồ trong thành phố hiện nay đều là những điểm tiếp nhận trực tiếp nước thải đô thị, do đó mức độ ô nhiễm khá cao.

2. Chất lượng nước và hiện trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nguồn nước ngầm ở khu vực thành phố Hải Dương chưa bị nhiễm mặn, phần lớn các giếng có nồng độ Cl dưới 259 mg/l (đạt tiêu chuẩn nước uống của WHO). Ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm nitơrat khá cao; ô nhiễm Asen trong nước ngầm là không đáng kể.

3. Hiện trạng chất lượng không khí.

- Hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí qua từng năm tăng rất nhanh; năm 2001 có giá trị từ 0,14 - 0,3 mg/m3 thì đến năm 2002 giá trị này tăng lên từ 0,14 - 1,37 mg/m3. Các giá trị đo được đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam đối với chất lượng không khí xung quanh. Nồng độ bụi lơ lửng trong không khí của thành phố phân bố không đều theo các khu vực, sự ô nhiễm mang tính chất cục bộ. Hàm lượng bụi cực đại đo được ở khu vực cảng Cống Câu là 1,37 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép 4,5 lần.

- Nồng độ SO2, CO và NO2 chưa vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCVN 5937 -1995).

- Tiếng ồn trong khu dân cư nội và ngoại thành Hải Dương vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu ở các tuyến đường giao thông; tại các nơi này, vào thời điểm trước và sau giờ làm việc độ ồn lớn hơn tiêu chuẩn Việt Nam từ 1,3 đến 1,7 lần.

4. Hiện trạng chất thải rắn.

Rác thải rắn đang là vấn đề cần ưu tiên giải quyết của thành phố. Hàng ngày, lượng rác thải phát sinh từ các hộ gia đình, từ các nhà máy, các cơ sở sản xuất, hoạt động kinh doanh... đã thải ra môi trường một lượng rất lớn. Tổng lượng rác thải của thành phố khoảng 170 m3/ngày, tuy nhiên việc thu gom vận chuyển rác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, lượng rác thu gom được chỉ đạt khoảng 60% lượng rác phát sinh. Chất thải rắn nguy hại ở thành phố Hải Dương chủ yếu là chất thải từ các cơ sở công nghiệp, các kho nhiên liệu, các phương tiện giao thông, hoá chất bảo vệ thực vật và một số chất thải sinh hoạt và y tế.

Nhìn chung, việc thu gom và xử lý rác đô thị của thành phố Hải Dương còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Thành phố chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Bãi rác Soi Nam do diện tích quá nhỏ và chôn lấp rác chưa đúng kỹ thuật đã bắt đầu quá tải và trở thành nguồn ô nhiễm nặng cho thành phố.

5. Hiện trạng quản lý và xử lý chất thải y tế.

Thành phố Hải Dương có 5 bệnh viện lớn là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Lao, Viện Quân y 7, Bệnh viện Y học Dân tộc với tổng số trên 1.130 giường bệnh. Ngoài ra còn có nhiều trạm y tế phường, xã và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Lượng rác thải từ các bệnh viện và các cơ sở y tế này tuy đã được thu gom nhưng chưa được xử lý triệt để.

6. Các thách thức về môi trường ở thành phố Hải Dương trong giai đoạn 2002-2010.

6.1. Tác động môi trường do phát triển các công trình hạ tầng.

Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bến cảng, bệnh viện, trường học các công trình công cộng... phục vụ cho nhu cầu về văn hoá, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí, đi lại, phát triển kinh tế là rất cần thiết. Các cơ sở hạ tầng ngoài các ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội còn có các ảnh hưởng tiêu cực tới diện tích đất nông nghiệp. Với số lượng lớn ô tô, xe máy qua lại sẽ gây nên ô nhiễm không khí, tiếng ồn và độ rung đối với các khu vực dân cư ven đường. Sự gia tăng số dân, bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại làm gia tăng lượng chất thải vào môi trường.

6.2. Tác động môi trường do phát triển công nghiệp.

Sự gia tăng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ lấy mất một phần diện tích đất nông nghiệp và ao, hồ, đồng thời các cơ sở này là nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu. Các hoạt động sản xuất, chế biến hàng ngày đã thải ra môi trường một lượng chất thải đáng kể như nước thải, chất thải rắn, khí thải. Đáng lưu ý là hầu hết các chất thải này đều chứa các tác nhân gây ô nhiễm nặng.

Phần lớn nước thải công nghiệp từ các nhà máy của thành phố được thải trực tiếp qua cống rãnh, hào thành rồi chuyển về hai con sông chính là sông Sặt và sông Thái Bình. Do độ bền vững lớn, tính độc cao nên chất thải nguy hại có trong chất thải công nghiệp có nguy cơ tác hại lớn đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.

6.3. Tác động môi trường do phát triển nông nghiệp.

Diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá. Hàng ngày, chất thải trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến lương thực, thực phẩm chưa được xử lý đã thải ra sông, hồ, ao và mặt đất ở thành phố Hải Dương. Đây là một trong các nguồn gây ô nhiễm hữu cơ và làm phì dưỡng các nguồn nước sông, hồ, ao ở thành phố. Ngoài các nguồn ô nhiễm do phân động vật còn có tác động ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học ngày một tăng.

6.4. Các tác động môi trường do đô thị hoá.

Cùng với quá trình đô thị hoá là tốc độ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn thành phố, dự báo tải lượng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt của thành phố Hải Dương trên đơn vị diện tích vào năm 2010 sẽ tăng hơn hiện nay gấp 2 lần.

Rác thải đô thị bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp chưa được phân loại đã đổ tập trung vào bãi rác Soi Nam. Bãi rác này nằm gọn trong khu đô thị, diện tích mở rộng không còn, do đó trong tương lai việc chôn lấp rác đô thị sẽ gặp nhiều khó khăn.

7. Các vấn đề môi trường cần có kế hoạch hành động ưu tiên.

- Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm đã trở thành một vấn đề lớn, đặc biệt là sông Sặt và một số ao, hồ, kênh mương; nước ngầm của thành phố đang có nguy cơ ô nhiễm nặng. Ô nhiễm không khí ở một số cụm công nghiệp và ô nhiễm không khí do giao thông đô thị, xây dựng và sinh hoạt ở đô thị tuy chưa cao nhưng có chiều hướng gia tăng.

- Vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các chất thải nguy hại đang là vấn đề môi trường lớn của thành phố Hải Dương. Những năm tới lượng chất thải đô thị, công nghiệp, chất thải y tế còn gia tăng nhanh và chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng số lượng rác thải trên địa bàn thành phố.

- Hệ thống thoát nước mưa, nước thải chưa được tách riêng và chưa đáp ứng yêu cầu vào mùa mưa, nên nhiều khu vực trong thành phố còn bị ngập lụt. Đến nay thành phố chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, đây là vấn đề cấp thiếp cần giải quyết.

- Ở khu vực ngoại thành, các hoạt động giết mổ, chăn nuôi, sản xuất gạch ngói, chế biến nông sản, thực phẩm cũng gây ô nhiễm nguồn nước và không khí ở các khu dân cư. Hiện nay chưa có công nghệ hoặc biện pháp quản lý, xử lý ô nhiễm ở các làng nghề này. Đây sẽ là vấn đề ngày càng khó khăn cần quan tâm giải quyết ở thành phố Hải Dương.

- Hoá chất bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố được sử dụng với khối lượng nhỏ và tương lai diện tích đất nông nghiệp sẽ còn giảm. Tuy nhiên việc quản lý hoá chất, chai lọ đựng hoá chất và biện pháp sử dụng hoá chất cần được quan tâm hơn.

- Ngoài những vấn đề nêu trên, thành phố cần quan tâm tới những tác động tiêu cực do các hoạt động và nguồn ô nhiễm từ thượng lưu sông Thái Bình và các tỉnh thành phố xung quanh.

8. Định hướng quy hoạch tổng thể môi trường thành phố Hải Dương đến năm 2010.

8.1. Định hướng phát triển không gian đô thị Hải Dương đến năm 2010.

Điều chỉnh ranh giới hành chính và chọn hướng phát triển không gian đô thị. Theo dự án "Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2010" có hai phương án sau:

- Phương án 1: Chuyển hai xã Việt Hoà và Tứ Minh thành các phường. Lấy thêm các xã: Nam Đồng, Ái Quốc, An Châu, Thượng Đạt (huyện Nam Sách); Thạch Khôi, Tân Hưng, Gia Xuyên (huyện Gia Lộc) và một phần xã Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ) trở thành các xã ngoại thành.

- Phương án 2: Chuyển hai xã Việt Hoà và Tứ Minh vào nội thành. Lấy thêm các xã: Nam Đồng, Ái Quốc, một phần xã An Châu, Thạch Khôi, Tân Hưng và một phần xã Ngọc Sơn trở thành các xã ngoại thành.

Theo phương án 2 quy mô đô thị vừa phải, hạn chế phát triển không gian thành phố sang phía Bắc, tập trung mở rộng chủ yếu về phía Tây Nam và Nam, lấy sông Sặt làm trục bố cục không gian thành phố.

Bố cục các khu chức năng đô thị: theo quy hoạch phát triển thành phố Hải Dương đến năm 2020 sẽ hình thành 3 khu vực:

+ Khu đô thị cũ hiện tại phát triển mở rộng.

+ Khu đô thị ven sông Thái Bình.

+ Khu đô thị ven sông Sặt.

8.2. Định hướng sử dụng và bảo vệ môi trường cho các vùng môi trường.

* Vùng I: Vùng nội thành cũ.

- Cải tạo hệ thống thoát nước không cho nước thải vào hồ.

- Cải tạo nâng cấp các hồ và ven hồ thành công viên, nơi giải trí.

- Cải thiện hệ thống thu gom rác.

- Nâng cấp các công trình hiện có, giải toả các khu nhà lụp xụp, mất vệ sinh, xây dựng các khu phố, toà nhà mới hiện đại.

- Quy hoạch bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá.

- Bổ sung cây xanh đạt từ 8 - 10 m2/người.

- Thiết lập mạng lưới Quan trắc môi trường.

- Chuyển các cơ sở công nghiệp, chăn nuôi về vùng 2.

* Vùng II: Vùng ngoại thành.

- Cần quy hoạch chi tiết về môi trường, lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

- Phát triển các khu công nghiệp sạch, ít chất thải và có hệ thống kiểm soát ô nhiễm.

- Phát triển các khu đô thị mới hiện đại, văn minh, có tỉ lệ cây xanh cao.

- Nâng cấp hệ thống thoát, xử lý nước thải hiện hữu và xây dựng mới.

- Cải thiện, cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

- Nghiên cứu thiết lập khu xử lý rác quy mô lớn, hợp vệ sinh ở Tứ Minh cho toàn thành phố trước năm 2010.

- Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ít sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, phân hoá học, xây dựng một số làng chuyên canh rau, hoa, quả sạch cung cấp cho thành phố.

* Vùng III: Vùng Nam sông Thái Bình.

- Nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát, xử lý nước thải.

- Thực hiện quy hoạch lồng ghép với bảo vệ môi trường. Bảo vệ chất lượng nước sông Thái Bình, đặc biệt tại điểm thu nước cho Nhà máy Nước sạch Hải Dương.

- Xây dựng và quy hoạch đô thị mới hiện đại với đường phố rộng, cơ sở hạ tầng tốt, tỉ lệ cây xanh cao.

- Bổ sung cây xanh ven các đường phố, Quốc lộ, xây dựng một số công viên nhỏ.

- Giải toả các khu nhà lụp xụp ven đường, chuyển các cơ sở công nghiệp về các khu công nghiệp vùng 2.

- Có kế hoạch chuyển các khu nghĩa trang rải rác trong các khu dân cư về nghĩa trang chung của thành phố.

* Vùng IV: Vùng ven sông Sặt.

- Giải toả nhà ven sông Sặt ở trung tâm cải tạo, nạo vét kè đá sông Sặt thành khu công viên giải trí.

- Không phát triển khu công nghiệp trong vùng IV.

- Cải tạo môi trường khu vực cảng sông Thái Bình.

- Duy trì các làng hoa và chuyên canh rau màu.

* Vùng V: Vùng bờ Tây sông Thái Bình.

- Quy hoạch, xây dựng thành khu đô thị mới, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Không phát triển công nghiệp, bến cảng, thương mại.

- Quy hoạch, xây dựng tại khu ngoài đê Bắc Ngọc Châu, khu công viên văn hoá, vui chơi lớn.

- Nâng cấp bãi rác Soi Nam, xây dựng trạm chế biến, phân loại rác. Nâng cấp trạm bơm Ngọc Châu, xây dựng trạm xử lý nước thải cho thành phố.

* Vùng VI: Vùng mặt nước sông Sặt, sông Thái Bình.

- Xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ chất lượng nước sông Thái Bình, nhất là các điểm thu và cấp nước.

- Xây dựng các bến tàu và quản lý cảng để kiểm soát ô nhiễm.

- Cải tạo sông Sặt, giải toả các công trình lấn chiếm dòng chảy, nạo vét kè đá đoạn trung tâm, không cho nước thải thành phố vào sông Sặt.

- Xây dựng các khu vui chơi, thể thao dưới nước ở điểm thượng lưu cầu Phú Lương và trên sông Sặt.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau nghiệm thu, kết quả của dự án đã được một số cơ quan khai thác số liệu phục vụ cho việc xây dựng dự án quy hoạch mở rộng thành phố Hải Dương.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây