Khu vực sinh thái tự nhiên Đảo Cò, Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện

DỰ ÁN BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN KHU VỰC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN ĐẢO CÒ, CHI LĂNG NAM, HUYỆN THANH MIỆN PHỤC VỤ DU LỊCH SINH THÁI, BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ NÂNG CAO NHẬN THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHO CỘNG ĐỒNG  

Chủ nhiệm dự án: TS. Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương.

Cơ quan phối hợp thực hiện: UBND xã Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện.

Thời gian thực hiện: Năm 2003-2004.

Dự án được tổng kết.

I. MỤC TIÊU

- Bảo tồn, tôn tạo, phát triển khu vực Đảo Cò Chi Lăng Nam thành khu du lịch sinh thái trong vùng, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

- Tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ đa dạng sinh thái khu Đảo cò Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện nói riêng.

- Huy động nguồn vốn để đầu tư bảo tồn, phát triển khu du lịch sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Trên cơ sở đạt được tranh thủ đầu tư pha 2 của chương trình tài trợ các dự án vừa và nhỏ tại Việt Nam (GEF/SGP).

II. TÓM TẮT KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Điều tra tình hình kinh tế - xã hội của xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện.

1.1. Vị trí địa lý, diện tích.

Xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện nằm về phía Tây Nam huyện Thanh Miện.

Diện tích tự nhiên của xã là 527 ha. Trong đó, đất nông nghiệp: 329 ha, đất thổ cư: 37 ha, đất chuyên dùng: 99 ha, đất công trình công cộng và sử dụng khác: 6 1ha.

1.2. Đơn vị hành chính.

Toàn xã có 6 khu dân cư được phân bổ thành 3 thôn, gồm: Thôn Triều Dương, thôn Hội An và thôn An Dương. Trụ sở của xã đóng tại thôn Triều Dương.

1.3. Dân số và lao động.

Dân số của xã Chi Lăng Nam năm 2003 là 5.314 người, mật độ dân số 1.008 người/km2, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,67%.

Số lao động trong độ tuổi là 3.100 người. Trong đó, lao động nông nghiệp là 2.417 người (chiếm 78%), lao động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xây dựng là 413 người, lao động dịch vụ là 150 người và số người tham gia lao động khác là 413 người.

1.4. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2003.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp: năng suất lúa bình quân đạt 127,3 tạ/ha/năm, tăng 0,7 tạ/ha so với năm 2002. Tổng sản lượng lương thực đạt 4.230 tấn. Giá trị thu nhập từ trồng trọt ước đạt 11,5 tỷ đồng. Chăn nuôi của xã chủ yếu là lợn, gà, trâu, bò. Thu nhập từ chăn nuôi đạt 4,85 tỷ đồng.

- Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: Các ngành nghề truyền thống và sản xuất nhỏ được duy trì và phát triển, chủ yếu là nghề tráng bánh đa, nghề mộc, xay xát... với quy mô nhỏ.

- Thu nhập chủ yếu của người dân xã Chi Lăng Nam dựa vào trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ

2. Điều tra động vật và thực vật khu vực Đảo Cò.

Theo kết quả điều tra khảo sát thực tế, điều tra các hộ ở quanh hồ và những người trực tiếp quản lý khu vực Đảo Cò, cho thấy:

2.1. Cò, vạc và các loài chim khác.

- Cò có các loài: Cò trắng, cò ruồi, cò bợ, cò lửa, cò ngềnh.

- Vạc có loài vạc xám.

- Các loài chim khác: Diệc xám, chim chả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo...

Trong đó cò ruồi có số lượng đông nhất, sau đó đến vạc, cò trắng, cò lửa, chim chả, diệc v.v...

- Quy luật hoạt động của đàn cò, vạc: Trước năm 1994, cò, vạc thường có mặt ở khu đảo từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, tháng 5, 6, 7 không thấy chúng xuất hiện. Từ năm 1995 trở lại đây, cò ở hầu như quanh năm, một phần bỏ đi vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 8. Số lượng vạc ở lại ngày càng nhiều tăng từ 15 - 20% lên 70 -8%. Cò và vạc đã sinh sản trên đảo.

2.2. Các loài cá.

- Bộ cá trích: cá lành canh, cá mòi.

- Bộ cá chép: cá chép, cá diếc, trắm đen, trắm cỏ, cá măng, cá mương, cá thiểu, cá trôi... Cá măng kìm có con nặng đến 30kg.

- Bộ cá nheo: cá nheo, cá bò, cá ngạch, cá trê.

- Bộ cá quả: cá quả, cá sộp.

- Bộ cá vược: cá rô, cá đuôi cờ, cá bống.

- Bộ cá bơn: cá thờn bơn.

- Bộ cá chạch: cá chạch lá tre.

- Các loại thuỷ sản khác: tôm, cua, ốc, ếch, ba ba sông, ba ba gai.

Đặc biệt hồ có rất nhiều ba ba, hàng năm các hộ xung quanh hồ bắt được hàng chục con ba ba, trong hồ còn một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như: tổ đỉa, rái cá.

2.3. Hệ thực vật xung quanh hồ.

Quanh hồ An Dương có nhiều loài thực vật trồng, thực vật hoang dại và các loài thực vật thuỷ sinh:

- Thực vật trồng xung quanh hồ.

Các hộ sống sung quanh hồ trồng các loại cây: tre gai, chuối, nhãn, vải, xoan, ổi, bàng, đại, bưởi, cam, táo ta, hồng xiêm, quýt, trứng gà, chanh... Đó là các cây trồng cho bóng mát và đôi khi là nơi đỗ của cò, vạc, nhất là các hộ ở khu vực bán đảo, đối diện với Đảo Cò.

- Thực vật hoang dại:

Bao gồm các cây: xấu hổ, dứa dại, cây đề, cây mào gà đỏ, rau má, mẫu đơn trắng, cà gai, vông lá đề, rau nghể (rau ngổ), sung, duối, gáo, dành dành, rau dệu, cỏ gà, cỏ mần trầu...

Những cây hoang dại này mọc thành bụi gần bờ, đặc biệt là bờ phía Nam và phía Đông của hồ.

- Thực vật thuỷ sinh:

Có nhiều loại rong rêu như: rong đuôi chó, rong mái chèo, cây trang, bèo tấm, bèo tây, rau ngổ, cây lưỡi mác...

3. Kết quả mở rộng diện tích khu Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện.

3.1. Thu hồi đất của các hộ gia đình.

Được UBND tỉnh cho phép, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND xã Chi Lăng Nam thu hồi 2.531 m2 đất vườn, lấp ao công được 506 m2, mở rộng khu vực trồng cây cho chim cư trú được 3.091 m2.

3.2. Về phát triển hệ sinh thái khu Đảo Cò

Ban quản lý dự án và UBND xã Chi Lăng Nam đã tổ chức cho các hộ dân trồng được gần 1.200 khóm tre các loại, 300 cây bạch đàn cùng với các loại cây do 7 hộ dân để lại, tạo nên quần thể thực vật đa dạng, làm chỗ cho các loài chim cư trú.

3.3. Về tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

- Tổ chức lễ phát động trồng cây vào mùa xuân năm 2003 và năm 2004, góp phần xây dựng khu du lịch đảo cò ngày càng phát triển gắn liền với bảo vệ đa dạng sinh học.

- Tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh huyện về bảo vệ đa dạng sinh học khu du lịch sinh thái Đảo Cò, nâng cao kiến thức và nhận thức cho chính quyền địa phương và cộng đồng.

III. NHÂN RỘNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau 2 năm thực hiện dự án, nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học được nâng cao đáng kể. Diện tích thảm thực vật được mở rộng, số lượng các loài chim, nhất là cò và vạc tăng nhanh. Tỷ lệ cò, vạc và các loài chim khác định cư, sinh sản tại khu vực ngày một nhiều. Huyện Thanh Miện đã tiến hành quy hoạch Đảo Cò thành điểm du lịch sinh thái.a


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây