Nuôi cá trong ruộng lúa - Mô hình mới ở huyện Thanh Miện

Nuôi cá trong ruộng cấy lúa là hình thức xen canh kết hợp nuôi cá và cấy lúa trên cùng một thửa ruộng. Đây là mô hình còn rất mới mẻ tại tỉnh Hải Dương, song đã được anh Bùi Văn Tới, thôn An Lâu, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện nghiên cứu và áp dụng thành công trên địa bàn tỉnh.

Anh Bùi Văn Tới cho biết: Trước khi làm mô hình cấy lúa kết hợp thả cá trên ruộng, anh đã trải qua rất nhiều công việc từ xuất khẩu lao động, chạy xe chở hàng, hiện anh cũng đang có cơ sở sản xuất hương trầm cung cấp ra thị trường. Song, anh vẫn luôn trăn trở về mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên đồng đất quê hương. Chính vì vậy, sau khi đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở một số địa phương, anh Tới bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp cấy lúa. Mô hình ban đầu được thực hiện trên diện tích 3 mẫu, cấy lúa 1 vụ chiêm. Quá trình làm đất, gieo cấy lúa được thực hiện như gieo cấy thông thường, tới thời kỳ lúa con gái mới bắt đầu thả cá xuống ruộng lúa. Ruộng lúa gieo cấy giống lúa Xi23 là giống lúa phù hợp với chân đất vùng trũng. Cá giống đưa vào thả trên ruộng lúa gồm có các loại cá trắm cỏ, cá chép, cá mè. Mật độ thả cá cụ thể như sau: mỗi mẫu ruộng thả 1.500 con cá chép, 1.000 con cá trắm, 100 con cá mè.  Trong thời kỳ lúa sinh trưởng, phát triển đến khi thu hoạch, thức ăn chính của cá là cỏ, thóc ngâm, thức ăn phụ là lá lúa. Sau khi thu hoạch lúa, cá sẽ ăn thức ăn chính là phần éo lúa, ngoài ra vẫn bổ sung thóc ngâm, cỏ cho cá ăn.

Năm đầu tiên xây dựng mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, anh Bùi Văn Tới đã thu hoạch lúa vụ xuân trên diện tích 2 mẫu lúa Xi23 với năng suất cao không thua kém năng suất của các hộ ngoài mô hình, đạt trung bình 2,1 tạ/sào. Sau 4 tháng thu hoạch lúa chiêm xuân, anh tiếp tục thu hoạch cá với trọng lượng 0,7 – 1kg/con cá chép, 0,5 – 1,5 kg/con cá trắm. Toàn bộ sản lượng cá này được các thương lái thu mua và phân loại những con to phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá tự nhiên, con nhỏ hơn phục vụ nhu cầu cá giống. “Sản lượng cá gia đình cung cấp cho thương lái bao nhiêu cũng không đủ vì họ rất thích loại cá này” – anh Tới cho biết.

Sau một năm triển khai mô hình, anh Tới nhận thấy đây là mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính tận dụng và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cá ăn lá lúa ở tầng thấp, cỏ dại và các loại sâu, bọ hại lúa, sục bùn cho đất lúa và thải phân tốt cho cây lúa. Lúa sau khi thu hoạch sẽ tạo nguồn thức ăn dồi dào cho cá. Chính vì vậy, mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực: cấy lúa không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ cỏ dại và sâu bệnh trên cây lúa; cá sống trong môi trường sạch sẽ, khỏe mạnh không có dịch bệnh nào gây hại. Trừ chi phí các loại, mỗi năm anh Tới thu lãi 50 triệu đồng/mẫu ruộng xen canh lúa cá. Anh so sánh: Ruộng này trước đây gia đình tôi nuôi chạch, thu nhập cũng lên đến 100 triệu đồng/mẫu. Song nuôi chạch rất vất vả, nay tôi chuyển sang cấy lúa nuôi cá công việc nhàn đi rất nhiều. Cái khó nhất trong khâu nuôi cá với cấy lúa là công đoạn điều tiết mực nước trong ruộng cho phù hợp với thời kỳ phát triển của cây lúa. Lúa cao đến đâu nước cần dâng theo đến đấy, bên cạnh đó cần điều chỉnh mật độ cũng như chọn giống cá cho phù hợp.

Đến nay, diện tích ruộng cấy lúa nuôi cá của anh Tới đã lên đến 6 mẫu. Ngoài ra, anh còn vận động anh em trong gia đình chuyển đổi theo mô hình này, sau một vụ đầu tiên cũng cho thu hoạch năng suất cao, thậm chí cao hơn mô hình của gia đình anh. Với ưu thế tiết kiệm công lao động, tạo nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mô hình nuôi cá kết hợp cấy lúa là một cách làm hiệu quả, cần được đánh giá độ phù hợp với từng địa phương để nhân rộng kết quả trong thời gian tới. 

Nguyễn Thị Ánh 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây